Lego có biến Việt Nam thành công xưởng đồ chơi thế giới?
Dù trở thành nơi sản xuất của tập đoàn đồ chơi hàng đầu thế giới, nhưng thị trường đồ chơi nội địa vẫn chưa tìm được hướng đi.
Việc Lego, thương hiệu đồ chơi nổi tiếng của Đan Mạch chuẩn bị xây dựng nhà máy trị giá trên 1 tỉ USD tại Bình Dương sẽ góp phần làm sôi động ngành sản xuất đồ chơi Việt Nam. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của thương hiệu lớn này một lần nữa nhìn lại thế yếu của các nhà sản xuất đồ chơi nội địa khi bị kẹt giữa đồ chơi cao cấp và đồ chơi giá rẻ từ Trung Quốc.
Thất thế sân nhà
Từ nhiều năm qua, xuất khẩu đồ chơi trẻ em của Việt Nam luôn có mức tăng trưởng bình quân 20% và cán mốc tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, so với xuất khẩu, việc giải bài toán thị trường nội địa lại phức tạp hơn rất nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đồ chơi, dụng cụ thể thao Việt Nam đạt 1,12 tỉ USD, tăng gần 69% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện trong nước có khoảng 100 đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em chuyên nghiệp.
Thị trường chính của phần lớn các doanh nghiệp này là Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Canada và Hàn Quốc. Nhiều người trong nghề cho biết Mỹ và các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan vốn là cái nôi của công nghệ nhưng gia công tỉ mỉ không phải là lợi thế của họ. Đồ chơi Việt Nam xuất khẩu thường có hàm lượng công nghệ cao, cập nhật xu thế, vượt qua các rào cản kỹ thuật khắt khe, cộng thêm những chi tiết gia công tinh tế, khéo léo nên rất được ưa chuộng.
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, khoảng 50% bà mẹ được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn đồ chơi sản xuất trong nước. Thị trường đồ chơi trẻ em ở Việt Nam hiện phục vụ cho nhu cầu của 3-5 triệu trẻ.
Thế nhưng, đáp ứng 90% nhu cầu này là đồ chơi ngoại nhập. Đồ chơi do doanh nghiệp Việt sản xuất đáp ứng chỉ khoảng 10%. Nguyên nhân không nằm ở năng lực sản xuất, vì có đến 90% lượng đồ chơi người Việt làm ra được xuất khẩu sang những thị trường khó tính.
Theo nhận xét của nhiều chủ cửa hàng, đồ chơi Việt Nam ở phân khúc giá rẻ không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc, ở phân khúc cao cấp không chen nổi với hàng nhập từ những nước phát triển. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi gỗ cho biết, dù đã bỏ tiền tỉ đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất đồ chơi trẻ em với giá bán thấp hơn so với hàng Trung Quốc nhưng vẫn không ăn thua, đành phải nhận gia công xuất khẩu. Đồ chơi Việt Nam có thể cạnh tranh với đồ Trung Quốc ở chất lượng và giá, nhưng khó cạnh tranh ở số lượng mẫu mã và tốc độ cho ra sản phẩm mới.
Gánh nặng thủ tục
Tại Công ty Gỗ Đức Thành, chủ sở hữu thương hiệu đồ chơi WinWinToys, dù có lợi thế về cơ sở vật chất và nguồn gỗ vụn tận dụng, nhưng hằng năm, công ty chỉ cho ra đời 40-50 mẫu sản phẩm với tỉ lệ lợi nhuận khoảng 20%.
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gỗ Đức Thành cho biết: “Trong quá trình sản xuất và kinh doanh đồ chơi trẻ em bằng gỗ, tôi hiểu được rất khó để làm ra sản phẩm vừa rẻ, vừa tốt lại vừa an toàn. Để người thu nhập thấp có thể mua được, chúng tôi luôn sản xuất những mặt hàng có kích thước nhỏ hơn một chút, kiểu dáng đơn giản hơn, không phải gia công cầu kỳ, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các tính năng và có mức giá thấp hơn”.
Còn với thương hiệu đồ chơi Nhựa Chợ Lớn, doanh nghiệp này tập trung vào mặt hàng chủ lực là xe tập đi, xe đồ chơi cho trẻ em. Lợi thế của Nhựa Chợ Lớn nằm ở hệ thống gần 400 đại lý bán đồ nhựa gia dụng trên cả nước.
Một số doanh nghiệp cho biết sản phẩm đồ chơi của Việt Nam gặp khó khăn khi phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn làm gia tăng nhiều chi phí, trong khi sản phẩm nhập khẩu đường tiểu ngạch lại chiếm được lợi thế này. Mặt khác, thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến sản phẩm luôn ra đời chậm, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mỗi khi doanh nghiệp thay đổi sản phẩm, họ lại phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ 6 tháng đến 1 năm.
Trong khi đó, để nghiên cứu ra khuôn mẫu sản phẩm, doanh nghiệp đã mất từ 3-6 tháng, để ra sản phẩm hoàn chỉnh cần thêm 3 tháng. Vì thế, nhiều khi sản phẩm chưa kịp đưa ra thị trường đã phải kiểm tra lại theo định kỳ. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, làm phát sinh các chi phí trung gian khác, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh với hàng ngoại.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm từ những quốc gia có ngành sản xuất đồ chơi phát triển như Đan Mạch, Đức..., các doanh nghiệp đồ chơi cần tổ chức được một hiệp hội ngành để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, công nghệ và thị trường, từng bước đưa ngành đồ chơi Việt Nam trở nên có tiếng nói riêng trong khu vực và thế giới.
Ông Lê Duy Tiến, nguyên Giám đốc Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), nhận xét rằng các nhà khoa học Việt Nam đang thờ ơ với công nghệ sản xuất đồ chơi trẻ em. Ông cho biết, trong số hơn 2.000 công trình đăng ký dự thi giải thưởng này trong 10 năm qua, hầu như không có ý tưởng nào về đồ chơi trẻ em, cho dù Ban tổ chức đã rất chú trọng khuyến khích.
Hiện nay, thị trường đồ chơi thế giới đang chuyển sang xu hướng đồ chơi thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo và bao gồm bộ vi xử lý, bộ nhớ, thiết bị nhập xuất. Những đồ chơi thông minh hiện đại hơn còn có thể tích hợp cả bộ xử lý giọng nói, âm thanh và ngày càng nhiều đồ chơi được tích hợp bộ cảm biến. Thị trường đồ chơi thông minh thế giới đang hướng đến các loại đồ chơi tương tác và sáng tạo, bao gồm cả phân khúc đồ chơi trong nhà và ngoài trời.
Xu hướng này tiếp tục gia tăng thêm khó khăn cho thị trường đồ chơi trong nước nếu không kịp đổi mới.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư