Đám mây đọ chiến

Đám mây đọ chiến

Cuộc so găng giữa các công ty điện toán đám mây đang nóng lên.

Để biết doanh nghiệp mình đang chi bao nhiêu vào đám mây, Robert Hodges, CEO của Altinity, chỉ mất vài cú nhấp chuột là biết ngay. Ông mở một bảng giao diện trên máy tính tại nhà ông ở Berkeley, California, hiển thị theo thời gian thực dữ liệu chi tiêu của Altinity. Số liệu cho thấy đám mây hiện chiếm tới phân nửa tổng chi phí của công ty cơ sở dữ liệu này.

Công cụ mà Hodges đang sử dụng mở ra cánh cửa cho thấy tương lai sắp tới, khi các khoản chi phí tăng mạnh, tất cả doanh nghiệp ở mọi quy mô cần phải nắm được không chỉ lợi ích của đám mây mà còn là chi phí của nó. Hãng nghiên cứu Gartner tính toán chi tiêu vào các dịch vụ đám mây công cộng sẽ chiếm gần 10% tổng chi tiêu vào IT của các doanh nghiệp trong năm 2021, tăng từ mức khoảng 4% năm 2017. Ở nhiều startup dựa trên nền tảng công nghệ, chi tiêu vào đám mây chiếm tới 80% tổng doanh thu của họ, theo ước tính của Sarah WangMartin Casado thuộc hãng đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz.

Đám mây đọ chiếnĐiều này tương tự với tình huống cách đây 1 thế kỷ, khi điện trở thành một loại chi phí đầu vào thiết yếu. Đối với các công ty cung cấp dịch vụ đám mây, đây là một thị trường béo bở. Gartner dự kiến doanh số bán toàn cầu các dịch vụ đám mây sẽ tăng tới 26% trong năm 2021, đạt hơn 400 tỉ USD. Ngày 9/12 vừa qua, Tập đoàn phần mềm Oracle đã báo cáo doanh thu cao hơn dự kiến, chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của bộ phận đám mây. Vốn hoá thị trường của Oracle cũng tăng mạnh gần 15%, tương đương hơn 40 tỉ USD.

Mức độ cạnh tranh cũng đang trở nên khốc liệt hơn để giành lấy phần lớn hơn trong chiếc bánh hàng trăm tỉ USD này. Hiện tại, Top 3 các nhà cung cấp dịch vụ đám mây trên thế giới là AWS (Amazon), Azure (Microsoft) và Google Cloud Platform (GCP). Alibaba và Tencent (Trung Quốc) cũng đang lấn sân mạnh sang lĩnh vực này. Và một loạt startup đang trỗi dậy nhằm giúp các doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc khổng lồ trên máy tính. Một trong số đó là Snowflake, hiện trị giá 108 tỉ USD. Một công ty khác là HashiCorp, vừa lên sàn New York vào ngày 8/12, hiện đạt vốn hoá khoảng 15 tỉ USD, gấp 3 lần mức định giá trong đợt gọi vốn tư nhân vào năm 2020.

Khi đám mây trở thành một loại chi phí cố định và không hề nhỏ thì nơi đây cũng trở thành cơ hội cho các startup mới nổi. Tại sự kiện hằng năm re:Invent – hội nghị điện toán đám mây lớn nhất thế giới được AWS tổ chức ở Las Vegas vào tháng 12/2021, việc làm sao để tối ưu hoá chi phí đám mây đã trở thành một đề tài nóng sốt trong các buổi thảo luận. Tại gian hàng của các startup như CloudFix, Cloudwiry hay Zesty, nhân viên cũng sôi nổi hướng dẫn khách hàng làm sao quản lý hiệu quả chi phí đám mây qua các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.

Đám mây đọ chiến

Tại gian hàng của các startup như CloudFix, Cloudwiry hay Zesty, nhân viên cũng sôi nổi hướng dẫn khách hàng làm sao quản lý hiệu quả chi phí đám mây qua các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp.
Ảnh: bloomberg.com

Thực ra, động lực chính của các doanh nghiệp khi chuyển sang đám mây chưa bao giờ là vấn đề chi phí mà là tính quy mô của nó: họ muốn tiếp cận nguồn lực khổng lồ của máy tính chỉ với vài cú nhấp chuột. Nhưng chi phí đám mây đang trở nên phức tạp và đắt đỏ hơn. Chi phí đám mây mà AWS tính đối với một khách hàng nhỏ như Công ty tư vấn chi phí Duckbill Group được liệt kê trong một hoá đơn dài tới hơn 30 trang, trong đó ghi rõ chi phí của từng dịch vụ đám mây mà Duckbill đã sử dụng.

Cần nói thêm, các nhà cung cấp đám mây lớn như AWS, Azure và GCP là một tổ hợp từ hàng chục, hàng trăm dịch vụ gộp lại. AWS cung cấp hơn 200 dịch vụ từ các dịch vụ đơn giản như xử lý số liệu và lưu trữ, cho đến các cơ sở dữ liệu chuyên biệt hay trí tuệ nhân tạo. Mỗi một dịch vụ được tính phí theo nhiều cách khác nhau như dựa trên số lượng máy chủ khách hàng thuê, thời lượng sử dụng hay số byte dữ liệu truyền tải, rồi căn cứ trên đó để tính các mức giảm giá và ưu đãi.

Đám mây đọ chiếnChính vì vậy, Wang và Casado thuộc Andreessen Horowitz đã kiến nghị các doanh nghiệp nên nghĩ đến chuyện tự xây dựng các đám mây riêng để giữ chi phí ở mức thấp. Nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp nào chọn cách này. Một phần là vì xây dựng đám mây riêng tốn chi phí đầu tư rất lớn và quan trọng hơn là doanh nghiệp không muốn từ bỏ những lợi ích có được từ việc tiếp cận nguồn lực máy tính vô hạn trên các đám mây công cộng. Do đó, hầu hết doanh nghiệp vẫn chọn sử dụng đám mây bên ngoài, nhưng không có nghĩa họ sẽ trung thành mãi với một nhà cung cấp nếu có một công ty cung cấp dịch vụ đám mây phù hợp với chi phí thấp hơn.

Các nhà cung cấp đám mây lớn cũng đã bắt đầu để ý đến những lời than phiền ngày càng tăng từ phía khách hàng và đến cả các startup đang lên như CloudFix. Ngay trước khi sự kiện re:Invent diễn ra, AWS công bố sẽ bắt đầu tính mức phí thấp hơn cho dịch vụ truyền dữ liệu lên Internet, giúp giảm hoá đơn cho hàng triệu khách hàng, đồng thời giúp khách hàng nhận diện các khoản phí nào có thể tiết kiệm được.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp đám mây lớn cũng không làm cho cuộc sống trở nên “dễ chịu” hơn đối với khách hàng. Một ví dụ là Top 3 công ty gồm AWS, Azure và GCP có “thói quen” làm cho việc truyền tải dữ liệu lên đám mây của họ thật dễ dàng với chi phí khá rẻ, nhưng khi đưa dữ liệu ra khỏi đám mây lại tính phí rất cao. Nhiều nhà phê bình đã phản đối tình trạng “vào dễ, ra khó” ở các công ty dịch vụ đám mây này, họ cho rằng “khoá chặt” khách hàng theo cách trên sẽ chỉ khiến họ chuyển sang sử dụng dịch vụ của các công ty khác. Ông Matt Garman, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và marketing tại AWS, phản bác rằng đó là bởi chi phí đưa dữ liệu ra khỏi đám mây tốn kém hơn nhiều so với đưa dữ liệu vào.

Đám mây đọ chiến

Gartner dự kiến doanh số bán toàn cầu các dịch vụ đám mây sẽ tăng tới 26% trong năm 2021.
Ảnh: snowflake.com

Dù thế nào, đây chính là cơ hội cho các công ty mới tham gia vào thị trường. Tháng 9/2021, Cloudflare cho ra mắt một dịch vụ lưu trữ dữ liệu mới mà không tính phí đối với các dữ liệu chuyển ra ngoài đám mây. Ông Matthew Prince, ông chủ của Cloudflare, cho biết điều này sẽ mở ra tiềm năng thực sự của đám mây. Nó sẽ cho phép các doanh nghiệp trộn lẫn và kết hợp các dịch vụ với nhau từ các nhà cung cấp khác nhau. “Mỗi một nhà cung cấp dịch vụ đám mây đều có ưu và nhược điểm riêng”, Prince nói.

Các nhà đầu tư cũng thấy được thế mạnh của Cloudflare, khi đẩy vốn hoá thị trường của công ty lên đến 45 tỉ USD, gấp gần 8 lần mức vốn hoá sau IPO vào tháng 9/2019. Nếu các canh bạc như của Cloudflare mang lại trái ngọt, ngành đám mây sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn.

Theo The Economist
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư