Sóng Fintech lan rộng

Sóng Fintech lan rộng

Tâm điểm của Fintech dịch chuyển dần sang các giải pháp công nghệ cho thị trường đầu tư tài chính.

Ngày càng nhiều công ty tài chính thế hệ mới tham gia vào thị trường Việt Nam, để đón làn sóng các nhà đầu tư chứng khoán bùng nổ chưa từng có.

Những cái tên mới

Tính đến thời điểm hiện tại, phân khúc công ty Fintech (công nghệ tài chính) đầu tư và quản lý tài sản ở Việt Nam khá sôi động khi xuất hiện hàng loạt cái tên như Finhay, Infina, StockBook, Fmarket...

Sự xuất hiện ồ ạt này là điều không khó hiểu đối với một thị trường chứng khoán đang bùng nổ. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10/2021, có hơn 3,86 triệu tài khoản chứng khoán được mở, tương đương với 100.000 tài khoản mới tham gia thị trường mỗi tháng.

Sóng Fintech lan rộngTheo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital Việt Nam, dịch bệnh cùng sự chấp thuận công nghệ eKYC (định danh điện tử) là nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng số lượng nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.

Số lượng người chơi mới được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Đại diện của Dragon Capital Việt Nam dự đoán trong vòng 5 năm tới, số lượng tài khoản cá nhân mở mỗi tháng phải ở mức 80.000 tài khoản. Nguyên nhân của dự báo lạc quan này đến từ việc nguồn cung và cầu trên thị trường đều đang phát triển cân xứng.

Ở phía nguồn cầu, các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày càng đa dạng và nhiều tiềm năng. Về phần nguồn cung, tức người chơi, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam ngày càng tăng là động lực đẫn đến nhu cầu đầu tư tài chính.

“Xu hướng này đã diễn ra ở Đài Loan, Trung Quốc, Nhật... khi thu nhập bình quân đầu người vượt qua 5.000 USD/tháng. Việt Nam đang nằm trong xu hướng này”, ông Anh Tuấn nói.

Trên thực tế, theo báo cáo “Fintech và Ngân hàng số” tháng 10/2021 của Ngân hàng MB, năm 2020 là tâm điểm phát triển của Fintech trong nhóm đầu tư và quản lý tài sản sau làn sóng ví điện tử và cho vay ngang hàng.

Theo World Bank, mặc dù phát triển chậm, nhưng Fintech trong nhóm đầu tư và quản lý tài sản đang đạt mức tăng trưởng ngang hàng với các công ty Fintech thế hệ trước là 19%/năm. Nhóm này cũng đang đón đầu sự tham gia ngày càng tăng của thế hệ khách hàng trẻ tuổi hơn (Millennials, Gen Z) kế thừa và tạo ra tài sản. Do là nhóm tiếp xúc công nghệ từ sớm nên đây là công cụ chính để tiếp cận tư vấn tài chính thông qua các thiết bị và kênh khác nhau. Cố vấn kiểu cũ dần được thay thế. Những công nghệ mới giúp đơn giản hoá việc ra quyết định và cung cấp thông tin, sự thuận tiện cho nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Thời robot cố vấn đầu tư

Sự xuất hiện của công nghệ trong bất cứ lĩnh vực nào sẽ đưa đến 2 kết quả là mở rộng tập khách hàng và giảm thiểu chi phí tham gia so với các công ty truyền thống. Về bản chất, những công ty Fintech trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản sử dụng các thuật toán để xây dựng, quản lý danh mục đầu tư và tư vấn trực tuyến cho nhà đầu tư. Một vài quỹ đầu tư còn dùng thuật ngữ “cố vấn robot” để chỉ các đơn vị.

Sử dụng Internet và dựa vào công nghệ tự động là cách các Fintech này hỗ trợ khách hàng 24/7, với mức chi phí cố định hằng năm dưới 0,5% trên tổng số dư tài khoản. Đây là mức thấp hơn nhiều so với lệ phí từ 1-2% của các chuyên gia tư vấn lập kế hoạch tài chính.

Sóng Fintech lan rộngCác Fintech này cung cấp nền tảng hướng dẫn giao dịch và đầu tư dành cho nhà đầu tư cá nhân, như tư vấn và môi giới trực tuyến, quản lý danh mục đầu tư trực tuyến, phân phối chứng chỉ quỹ qua sở giao dịch chứng khoán, hướng dẫn giao dịch và đầu tư...

Một mô hình mới đang được chú ý là các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản bằng robot. Dữ liệu từ Statista cho thấy tài sản do các “cố vấn robot” quản lý trên toàn thế giới đạt gần 1.000 tỉ USD vào năm 2020, và dự báo đã được điều chỉnh cho những năm tiếp theo là giá trị tài sản được quản lý dự kiến có tốc độ tăng trưởng hằng năm 26%, đạt 2.500 tỉ USD vào năm 2024. Số lượng người sử dụng dịch vụ sẽ tăng lên 147 triệu vào năm 2023, từ mức 45 triệu vào năm 2019.

Tại khu vực ASEAN, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Fintech Singapore, 6 trong số 10 người tiêu dùng ASEAN đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số như “cố vấn robot” và nền tảng môi giới trực tuyến cho nhu cầu đầu tư của họ. Điều này đã và đang diễn ra ở Việt Nam, kể từ khi các Fintech xuất hiện. Trước khi có những ứng dụng như Finhay, Infina... việc mua cổ phiếu quỹ khá phức tạp. Đơn cử, mỗi chứng chỉ quỹ có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng, mức mua tối thiểu phải 3 triệu đồng. Đó là chưa kể nếu các quỹ không niêm yết thì nhà đầu tư phải đến từng trụ sở để ký kết nên rất mất thời gian.

Sự xuất hiện của các công ty Fintech giúp việc mua bán dễ dàng hơn thông qua ứng dụng, mức đầu tư tối thiểu tham gia cũng được hạ xuống đáng kể. Một số ứng dụng chỉ cần 50.000 đồng là đã có thể đầu tư cổ phiếu quỹ.

Sóng Fintech lan rộng

Trợ lý ảo Abbie của AllianceBernstein có thể quét hàng triệu điểm dữ liệu để lọc một lượng lớn trái phiếu thể hiện tốt chỉ trong vài giây.
Ảnh: thestar.com.my

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá rằng sự phổ biến của các Fintech đầu tư và quản lý tài sản sẽ giúp nhiều người tham gia thị trường chứng khoán dễ dàng hơn. Đây là dấu hiệu tích cực vì việc đầu tư chứng khoán lâu dài là cơ hội gia tăng thu nhập cho các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, lợi nhuận thu về từ đầu tư chứng khoán trung bình khoảng 12-15%/năm.

“Tôi không dám bình luận về các nhà đầu tư ngắn hạn. Còn nhà đầu tư dài hạn, tôi chưa thấy ai có thu nhập không tương xứng cả”, ông Anh Tuấn của Dragon Capital nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư