Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là chìa khoá để giải quyết bài toán phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là chìa khoá để giải quyết bài toán phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần công bố các bài toán chuyển đổi số, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và các địa phương để phát huy được sức mạnh toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III, tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội: “Năm 2021, đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán Việt nam, có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số tăng lên.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III năm nay, các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, giữ lại tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là chìa khoá để giải quyết bài toán phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng vào tiềm năng của chuyển đổi số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng vào tiềm năng của chuyển đổi sốTại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ I năm 2019, các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số được thống nhất dưới một cái tên là doanh nghiệp công nghệ số. Sau Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số với 4 loại hình doanh nghiệp gồm doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm, triển khai và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ II năm 2020, “Make in Vietnam” trở thành “ngọn cờ” kêu gọi các doanh nghiệp thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thay vì làm gia công, lắp ráp.

Ở lần thứ II được tổ chức năm 2020, tuyên bố gây tiếng vang được Diễn đàn đưa ra là: “Không ‘Make in Vietnam’, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển, không thể tự cường, không thể hùng cường thịnh vượng và không thể đi ra thế giới”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng những nền tảng số giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia số, tạo thành động lực tăng trưởng bền vững, để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

“Những việc cụ thể được giao cho những đơn vị cụ thể, có mục tiêu, có thời gian, có cơ chế hỗ trợ. Đây là cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước. Những việc dù có khó mấy nhưng nếu được gọi tên một cách rõ ràng và được giao cho một đơn vị cụ thể, có lẽ phần khó nhất đã được giải quyết. Công bố bài toán để kêu gọi giải pháp sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp là cách tiếp cận của hầu hết quốc gia ngày nay.

Việt Nam gần như sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ với thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số được pháp luật bảo vệ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số là chìa khoá để giải quyết bài toán phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

Chuyển đổi số tạo ra tài nguyên. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên”.

Chuyển đổi số tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng như sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ như dịch vụ gọi xe công nghệ. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Cả 3 xu thế này đều làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy mà chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Chuyển đổi số tạo ra tài nguyên. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên. Chính phủ sẽ có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời với đó là nghị định của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân”.

Nói về vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hùng cho biết Bộ sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam: “Chuyển đổi số là sáng tạo, mà phải là sự sáng tạo của toàn dân. Việt Nam mạnh nhất là khi phát huy được sức mạnh toàn dân. Để phát huy được sức mạnh toàn dân, cách tốt nhất là công bố các bài toán chuyển đổi số, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và các địa phương, cũng như bài toán chuyển đổi số của các doanh nghiệp”.

Cuối cùng, để thúc đẩy chuyển đổi số, bộ chỉ số đo lường, đánh giá về chuyển đổi số rất quan trọng. Hiện tại, Việt Nam ban hành bộ chỉ số và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về chuyển đổi số chính quyền, bao gồm các bộ ngành và địa phương. Tiếp đến, theo chia sẻ của Bộ trưởng, bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sẽ được ban hành trong năm nay.

Cũng trong năm nay, bộ chỉ số đánh giá về chuyển đổi số doanh nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cũng được ban hành.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive