Ông Đoàn Hồng Việt: Thị trường điện thoại, laptop, table… Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng đến 50%
Ước tính doanh thu quý IV của Digiworld (DGW) vào mức 6.000 tỉ đồng, tổng kết cả năm 2021 theo đại diện sẽ vượt khoảng 30% kế hoạch đã đề ra (kế hoạch là 15.200 tỉ đồng).
Là một trong những ngành hàng vẫn sống tốt trong đại dịch, thị trường ICT trong nước tiếp tục đón đầu cơ hội tăng trưởng mới những năm tiếp theo. “Bán lẻ nói chung có phục hồi, riêng mảng điện thoại, máy tính xách tay các loại dư địa vẫn còn rất nhiều. Chỉ cần nhìn sang Thái Lan, dân số Việt Nam đang gấp 1,5 lần dù thu nhập bình quân đầu người có thấp hơn, có thể ước tính dự địa ngành ICT trong nước còn tăng đến 50% nữa”, Tổng Giám đốc Digiworld – ông Đoàn Hồng Việt – nhận định trong chia sẻ gần đây.
Doanh thu cả năm 2021 dự kiến vượt đến 30% chỉ tiêu đề ra là 15.200 tỉ đồng
Riêng Digiworld, hai năm qua công ty ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt với mảng laptop và điện thoại (gồm hai đối tác tiềm năng hiện nay là Xiaomi và Apple). Ước tính doanh thu quý IV của công ty vào mức 6.000 tỉ đồng, tổng kết cả năm 2021 theo đại diện sẽ vượt khoảng 30% kế hoạch đã đề ra (kế hoạch là 15.200 tỉ đồng).
Trong đó, đà tăng trưởng đến từ hầu hết các ngành hàng của DGW, bao gồm laptop, điện thoại, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng. Đặc biệt là dòng iPhone (với sự thành công của iPhone 13 Series) cùng thương hiệu Xiaomi; và laptop – thiết bị phục vụ hoạt động học tập, giải trí, làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách.
Chi tiết từng ngành hàng, thứ nhất với Apple, ông Việt nhận định sự tăng trưởng mạnh của dòng iPhone 13 Series đến từ hai lý do chính:
- (i) iPhone tăng hiện diện tại Việt Nam, thông qua rất nhiều nỗ lực của Apple những năm trở lại đây, bao gồm hỗ trợ để đưa sản phẩm về trong thời gian nhanh hơn. “Nếu trước đó chúng ta mất đến 2 tháng mới có hàng thì năm 2021 chỉ mất vài tuần”, ông nói.
- (ii) Các đại lý chính hãng cũng hoạt động tích cực hơn, đặc biệt đang lấy lại thị phần từ hàng xách tay (từng chiếm hơn 50%) trước Nghị định mới được thông qua từ năm 2020.
Với đà này, năm 2022 thị trường dòng Apple sẽ tiếp tục tăng trưởng, và DGW mục tiêu lấy thị phần từ các bên xách tay.
Thứ hai với dòng Xiaomi, có thể nói thời gian gần đây chính sách đa dạng hoá và thông minh hoá sản phẩm đang dần đi sâu vào đời sống người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, với thông tin Xiaomi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Nếu điều này trở thành sự thật, sẽ là một tin tốt.
Như vậy, cơ hội cho đối tác lâu năm và độc quyền như DGW theo ông sẽ rất lớn: “Chúng ta không thể phủ nhận sản phẩm Xiaomi sẽ ngày càng phổ biến và có cảm tình hơn với người dân Việt khi hãng chính thức gia nhập”.
Và khi nhà máy đặt trong nước, với đối tác Xiaomi thời gian giao hàng dự kiến cũng được rút ngắn đáng kể với đa dạng sản phẩm, bởi nhà máy Xiaomi đặt tại Việt Nam có thể sản xuất phục vụ cho thị trường trên toàn cầu.
Thứ ba với hàng laptop, dù nhu cầu tăng mạnh tuy nhiên năm 2021 có thể nói là năm khủng hoảng của nhóm sản phẩm này. Bởi tình trạng thiếu chip trầm trọng xảy ra trên toàn cầu, và dự kiến đến năm 2023 mới hồi phục.
“Phải mất 3-4 tỉ USD và 2-3 năm mới có thể xây dựng được một nhà máy chip. Chưa kể, thị trường ô tô điện bùng nổ, cùng xu hướng mới của Home Appliances thông minh đã thúc đẩy nhu cầu chip tăng rất mạnh”, ông Việt nói. Do đó, DGW đã sớm có phương án ứng phó, cụ thể là đẩy thời gian đặt hàng trước 6 tháng.
Về nhu cầu trong nước, theo ông Việt vẫn còn rất tiềm năng dù tổng lượng bán ra đã tăng tương đối mạnh. Có thể lấy ví dụ đơn giản, người tiêu dùng có điều kiện hiện nay tối thiểu sử dụng 3 thiết bị là: 1 điện thoại thông minh để liên lạc; 1 laptop để làm việc và 1 table để giải trí.
Song song, bức tranh nền kinh tế Việt Nam đang dần tốt lên, sẽ mở ra cơ hội ngày càng lớn hơn cho thị trường này: Không chỉ nhu cầu sở hữu mới, mà cả nhu cầu nâng cấp thiết bị hay sở hữu nhiều sản phẩm cùng lúc.
Digiworld sẽ đạt hơn 1 tỉ USD doanh thu năm 2022
Với những luận điểm trên, DGW tự tin với mục tiêu tăng trưởng 25% thị phần thời gian tới, trong đó riêng hàng nhập khẩu năm 2022 dự tăng mạnh đến 40-50%. Tổng quan tất cả, DGW kỳ vọng tăng khoảng 40% doanh số trong năm tiếp theo, tạm tính tức vượt mốc 1 tỉ USD. Trong đó:
- Mảng laptop điện thoại: dự tăng 20-25%
- Thiết bị văn phòng: dự tăng 20%
- Hàng tiêu dùng: dự tăng 50-100%
Đặc biệt, năm 2022 DGW cũng sẽ ra mắt ngành hàng mới là Home Appliances (thiết bị gia dụng), đây là kế hoạch công ty đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. Mở rộng ngành hàng dựa trên những cơ sở hiện hữu là chiến lược dài hơn mà DGW theo đuổi, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng 25%/năm và hướng đến mốc tỉ USD vốn hoá 3 năm tới.
“DGW theo đuổi mô hình kinh doanh không giới hạn, trong đó tập trung vào 3C là (1) Cơ sở vật chất: DGW đã số hoá từ rất sớm, khởi đầu là hệ thống ERP của SAP từ năm 2008, và tiếp tục cải thiện về quy trình quản lý, uy tín doanh nghiệp…; (2) con người, (3) cuối cùng là cơ hội thì khi làm tốt 2C đầu, chữ C cuối cùng sẽ tới”, người cầm cương nhấn mạnh.
Với những luận điểm trên, năm 2022 DGW khả năng rất cao sẽ cán mốc mốc doanh thu 1 tỉ USD, và tiếp tục hướng đến doanh nghiệp quy mô vốn hoá tỉ USD, ông nói. Bên cạnh các ngành hàng hiện hữu, DGW cũng tăng cường M&A để mở rộng quy mô, mới nhất là doanh nghiệp VietMoney. ”Trong mắt mọi người VietMoney được hiểu như là chuỗi cầm đồ, tuy nhiên DGW nhìn nhận cơ hội rộng hơn là dịch vụ tài chính cho đối tượng chưa tiếp cận được dòng vốn ngân hàng“, ông Việt cho hay. Hiện, DGW không nắm cổ phần chi phối mà chỉ dừng lại ở việc đầu tư tài chính, công ty sẽ duy trì chính sách tương tự các đơn vị M&A thời gian tới.
Cuối cùng, kế hoạch đảm bảo nguồn vốn cho tăng trưởng tương lai, DGW chưa có chủ trương phát hành hay kêu gọi nhà đầu tư chiến lược. Bởi, lợi thế công ty hiện tại là tỉ lệ nợ/vốn vẫn rất tốt, do đó nếu cần thời gian tới sẽ có thể tăng vay, đồng thời để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư hiện hữu.