Vì sao Samsung thay đổi các giám đốc điều hành, thu gọn cơ cấu tập đoàn?

Vì sao Samsung thay đổi các giám đốc điều hành, thu gọn cơ cấu tập đoàn?

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hợp nhất bộ phận smartphone, điện tử tiêu dùng bởi đang phải đối mặt với thách thức cạnh tranh về chip và điện thoại thông minh.

Samsung Electronics vừa thay thế các giám đốc điều hành và thu gọn cơ cấu công ty thành 2 bộ phận kinh doanh chính.

Theo Nikkei Asia, ông Lee Jae-yong là người đứng sau lần tái cơ cấu tổ chức và bổ nhiệm các CEO mới. Phó Chủ tịch Lee Jae-yong muốn tái định vị công ty để đối phó với bối cảnh kinh doanh toàn cầu ngày càng khó lường.

Công ty Hàn Quốc công bố Kyung Kye-hyun, người đứng đầu Samsung Electro-Mechanics, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của bộ phận giải pháp thiết bị của Samsung, tập trung vào chất bán dẫn.

Han Jong-hee, người lãnh đạo mảng kinh doanh TV, được bổ nhiệm làm CEO của bộ phận vừa hợp nhất là điện tử tiêu dùng và di động gồm điện thoại thông minh, TV, các thiết bị khác.

Như vậy, Samsung hiện có 2 giám đốc điều hành thay vì 3 người như trước đó.

Vì sao Samsung thay đổi các giám đốc điều hành, thu gọn cơ cấu tập đoàn?

Samsung đối mặt với tình hình kinh doanh bất định

Đây là lần cải tổ tổ chức, điều hành lớn nhất từ năm 2017 và là lần đầu tiên kể từ khi Phó chủ tịch Lee Jae-yong ra tù vào tháng 8, sau khi chính phủ ân xá vị này vì “lợi ích của quốc gia”. Samsung Electronics là tập đoàn khổng lồ, có vai trò quan trọng về xuất khẩu của nền kinh tế Hàn Quốc. Ông Lee Jae-yong thụ án hơn một nửa thời hạn 30 tháng tù về tội hối lộ và tham ô.

Phó chủ tịch Lee Jae-yong chia sẻ về việc tổ chức lại tập đoàn với ưu tiên duy trì hiện trạng của bộ máy điều hành, xem xét hiệu quả kinh doanh gần đây của công ty. Lợi nhuận hoạt động của Samsung tăng 40% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020 nhờ nhu cầu về chip nhớ và điện thoại thông minh tăng cao.

Nhà lãnh đạo đời thứ 3 của Samsung đang tiếp bước ông nội, người sáng lập công ty và bố ông, người biến Samsung Electronics thành tập đoàn toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng ông Lee Jae-yong đang cố gắng thiết lập hướng đi mới trong bối cảnh phải thực hiện chuyển đổi kinh doanh.

CW Chung, nhà phân tích của Nomura cho biết: “Samsung phải vật lộn trong một thời gian để giải quyết các khiếu nại liên quan đến nhân sự và lương thưởng. Việc cải tổ có thể mang lại luồng gió mới cho công ty cũng như kích thích nhân viên”.

Vì sao Samsung thay đổi các giám đốc điều hành, thu gọn cơ cấu tập đoàn?

Phó Chủ tịch Lee Jae-yong chèo lái con thuyền Samsung trong giai đoạn mới

Các nhân viên mới của Samsung vận động để mong muốn được tăng lương. Trong khi các nhà lập pháp đòi hỏi phải minh bạch hơn trong cách thức hoạt động của Samsung và những tập đoàn chaebol do gia đình kiểm soát khác ở Hàn Quốc.

CW Chung cũng cho biết chuyến công tác gần đây của Lee Jae-yong đến Mỹ có thể ảnh hưởng đến quyết định cải tổ tập đoàn. Phó chủ tịch Samsung tỏ ra lo lắng về thực tế cạnh tranh trên thị trường mà công ty phải đối mặt. Lee Jae-yong gặp các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai và các lãnh đạo doanh nghiệp khác.

Samsung và các công ty lớn khác đang đối phó với tình trạng thiếu hụt thành phần quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn. Đứt gãy chuỗi cung ứng bắt đầu gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch khi nhu cầu về thiết bị điện tử tăng cao khi mọi người ở nhà nhiều hơn.

Môi trường cạnh tranh Samsung phải đối mặt cũng trở nên khắc nghiệt hơn khi các nhà sản xuất chip máy tính, bao gồm cả những đối thủ Đài Loan, đầu tư mạnh để tăng sản lượng. Trong khi đó, với điện thoại thông minh, nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi, vượt qua Apple để trở thành hãng lớn thứ 2 thế giới. Xiaomi cũng đặt mục tiêu vượt qua Samsung trong 3 năm tới.

Vì sao Samsung thay đổi các giám đốc điều hành, thu gọn cơ cấu tập đoàn?

Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đối mặt với nhiều sức ép lớn

Tuy vậy, Samsung khẳng định sự thay đổi của công ty đến từ những chiến lược mới trong kinh doanh và cải thiện về chế độ tài chính tốt hơn cho nhân viên.

“Với cuộc cải tổ này, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ vượt qua những hoàn cảnh kinh doanh không chắc chắn cũng như tập trung vào tương lai, dẫn đầu thị trường toàn cầu với tư cách là công ty hàng đầu”, đại diện Samsung cho biết.

Hiện tại, ông Lee Jae-yong tiếp tục phải đối mặt với những rắc rối pháp lý. Phó Chủ tịch Samsung phải hầu toà vào thứ 5 hàng tuần khi các công tố viên theo đuổi cáo buộc rằng ông này có liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán và gian lận kế toán trong quá trình sáp nhập 2 chi nhánh của Samsung vào năm 2015. Ông Lee Jae-yong phủ nhận các cáo buộc. Phán quyết về cáo buộc này dự kiến được đưa ra vào năm sau.

Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Hàn Quốc cũng là nguyên nhân khác khiến Samsung lo ngại. Yoon Seok-youl, ứng cử viên của Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập chính, chính là người đóng vai trò chính trong cáo buộc gần đây của ông Lee Jae-yong. Ngoài ra, Lee Jae-myung, ứng cử viên của Đảng Dân chủ cầm quyền, tháng trước cũng tuyên bố tại cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài rằng nếu được bầu là tổng thống, ông sẽ không khoan nhượng với hành vi sai trái của các tập đoàn chaebol.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive