Mở cánh cửa SPAC gọi vốn tỉ USD
Dòng tiền khổng lồ từ các công ty SPAC là cơ hội lớn để mở ra thị trường vốn mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Grab công bố bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq vào ngày 2/12, với mã GRAB thông qua sáp nhập với Altimeter Growth, công ty SPAC (một công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Đây là thương vụ lớn nhất thuộc loại này vì sau khi sáp nhập, định giá thị trường của Grab có thể đạt gần 40 tỉ USD. Thương vụ cho thấy, SPAC ngày càng quan tâm tới Châu Á và mang đến cánh cửa gia nhập thị trường chứng khoán Mỹ cho nhiều doanh nghiệp công nghệ mà không cần qua phương thức IPO truyền thống.
Cùng thời điểm Grab niêm yết, theo truyền thông quốc tế, hãng xe Việt Nam VinFast có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Reuters, VinFast vẫn đang theo đuổi kế hoạch này. Dự kiến, VinFast có thể huy động vốn thành công ngay đầu năm 2022. Trước đó, cũng có nhiều thông tin cho thấy kỳ lân công nghệ của Việt Nam là VNG tìm cách niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập ngược với một công ty SPAC, với định giá ở mức 2-3 tỉ USD.
Theo ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA Australia tại Việt Nam, công cụ SPAC còn là dạng “niêm yết cửa sau” (back door listing), là cách gọi vốn bình thường, đặc biệt đối với một số công ty chưa đủ điều kiện IPO. Công cụ này được nhiều doanh nghiệp sử dụng khi nó đảm bảo được 2 tiêu chí: huy động được vốn và niêm yết trên các thị trường chứng khoán lớn.
Nhiều năm qua, việc gọi vốn hay niêm yết tại các thị trường vốn lớn như Mỹ và Châu Âu là bài toán khó đối với doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, SPAC là lời giải tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền trên thế giới đang được bung ra hết cỡ kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tiếp sau đó, đại dịch khiến chính phủ nhiều nước tung ra các gói hỗ trợ, kích thích tăng trưởng khổng lồ kích thích dòng tiền cuồn cuộn chảy khắp nơi.
Một thống kê cho thấy trong năm 2019, 13,6 tỉ USD đã được huy động thông qua 59 công ty SPAC, năm 2020 nhảy vọt lên 83 tỉ USD với 248 công ty SPAC. Hiện có khoảng 560 công ty SPAC đang hoạt động trên thế giới. Trong đó, có tới 432 SPAC quy mô gần 140 tỉ USD đang chưa tìm được cơ hội đầu tư. Mục tiêu của SPAC là những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao từ 20-30%/năm, hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, lợi nhuận bình quân năm khoảng 8 triệu USD.
Số liệu cho thấy, các công ty SPAC phổ biến trong các lĩnh vực chăm sóc y tế, công nghệ tài chính và xe tự lái. Lĩnh vực năng lượng thay thế cũng đang dần nắm bắt xu hướng này.
Trong khi đó, tại thị trường đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE), theo đánh giá của Grant Thornton, Việt Nam trở thành “ngôi sao đang lên” trong các nền kinh tế mới nổi. Năm 2019, Việt Nam đứng sau Malaysia về giá trị thương vụ PE, nhưng sau đó đã vượt lên trong nửa đầu năm 2020, đồng thời trở thành quốc gia duy nhất ghi nhận tăng trưởng trong thị trường PE.
Cũng theo khảo sát của Grant Thornton, các lĩnh vực hấp dẫn nhất hiện nay tại Việt Nam là logistics, giáo dục, năng lượng tái tạo, công nghệ, fintech và chăm sóc sức khoẻ. Lĩnh vực công nghệ đang thu hút rất nhiều vốn đầu tư mạo hiểm và quỹ PE, với tốc độ CAGR ấn tượng 26,1% trong giai đoạn 2015–2019.
Những yếu tố kể trên có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm kênh huy động vốn hiệu quả, trong đó kể cả hình thức SPAC. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định nhu cầu vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng để mở rộng hoạt động, đầu tư vào các lĩnh vực mới như công nghệ, năng lượng tái tạo trong bối cảnh nguồn vốn trong nước không đáp ứng đủ.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp trong nước chủ yếu vẫn hướng đến 2 trung tâm tài chính lớn trong khu vực là Singapore và Hồng Kông, trong khi số lượng nhà đầu tư từ Mỹ tham gia rót vốt vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. “Nếu thực hiện thành công IPO tại Mỹ sẽ tạo ra một xu hướng mới, một cú hích thật sự để thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới cho Việt Nam nói chung”, ông Minh nhận định.
Để thuyết phục được các nhà đầu tư quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện những con số hấp dẫn. Giới phân tích cho rằng, dù mục tiêu huy động chỉ là 250 triệu USD, nhưng giá trị công ty trung bình phải đạt hơn 1 tỉ USD mới có thể thu hút sự chú ý của một SPAC. Tuy nhiên, việc nở rộ SPAC cũng khiến dòng tiền có thể “dễ dãi” hơn và đây là cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, Việt Nam hiện có nhiều lợi thế như kinh tế phát triển tốt, nền tảng vĩ mô ổn định nên những doanh nghiệp tốt sẽ có cơ hội thu hút vốn ngoại nhiều hơn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt giá trị vốn hoá trên 250 tỉ USD và thanh khoản hằng ngày cũng đạt cả tỉ USD là đủ lớn để có thể dung nạp được dòng tiền đầu tư lớn. Theo ước tính của Dragon Capital, 60 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam có thể tăng trưởng 20-25% trong năm 2022.
Với tiềm năng này, theo Bloomberg, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital (có khoảng 3,7 tỉ USD tài sản quản lý) cũng đang tiến hành thành lập một công ty SPAC để niêm yết tại Singapore vào năm tới.
Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư