Kích hoạt cuộc đua “Apple Mono Store”
Các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đua nhau trở thành đối tác của Apple ở nhiều quy mô.
Thế Giới Di Động vừa chính thức ra mắt TopZone – chuỗi bán lẻ ủy quyền dạng Mono Store của Apple (AMS) cho thị trường Việt Nam. Ngoài Thế Giới Di Động, nhiều thương hiệu bán lẻ khác cũng đã mở và tuyên bố sẽ mở các cửa hàng dạng này. Vì sao nhiều nhà bán lẻ Việt thời gian gần đây đua nhau mở chuỗi chuyên bán hàng Apple?
Apple Store thu nhỏ nở rộ
Apple Store là các cửa hàng mang tính biểu tượng của Apple, các cửa hàng đầu tiên xuất hiện tại Mỹ vào năm 2001, đến nay số lượng đã là hơn 500 trên khắp thế giới. Mỗi cửa hàng đều được Apple tham gia từ lúc thiết kế, phê duyệt địa điểm, là một công trình kiến trúc với những thiết kế hiện đại, đẳng cấp, sang trọng, nơi những người thuộc “hệ Apple” đến mua hàng, trải nghiệm sản phẩm và tham quan.
Vì tính đặc biệt của Apple Store, rất nhiều người yêu thích sản phẩm của Apple đều muốn ghé các cửa hàng này. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa có các cửa hàng như thế. Việt Nam cũng vậy, trước đây không có các cửa hàng chính thức của Apple, mà chủ yếu là các đại lý bán lẻ được ủy quyền, nhưng tình hình thay đổi nhanh chóng.
Vừa qua, Thế Giới Di Động công bố sẽ mở 60 cửa hàng Mono Store trong 5 tháng tới. Các cửa hàng Mono Store này là phiên bản thu nhỏ của Apple Store, chỉ bán các sản phẩm của Apple. Có 2 dạng Moto Store là AAR (Apple Authorized Reseller) có diện tích tối thiểu 50m2 và APR (Apple Premium Reseller) với diện tích từ 120m2 trở lên. TopZone của Thế Giới Di Động cũng tuân theo 2 mô hình này với chủ yếu là chuỗi AAR có diện tích khoảng 100-120m2, còn một số ít là APR có diện tích 180-220m2.
Khởi đầu trào lưu này trong năm nay là ShopDunk, cửa hàng đầu tiên của họ theo hình thức AMS được thiết kế và đầu tư bởi Apple, khai trương vào tháng 5 tại Hà Nội. Tiếp đó, ngày 22/10, ShopDunk tiếp tục khai trương cùng lúc 5 cửa hàng và tuyên bố mở thêm 9 cửa hàng loại này vào cuối năm nay cùng 1 trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple.
F.Studio (của FPT) hiện có 15 cửa hàng và thời gian tới sẽ hợp tác với Apple để mở rộng thêm. Ngoài ra, còn có thêm Future World cũng sở hữu 5 cửa hàng và eDigi với 1 cửa hàng. Một số đại lý ủy quyền của Apple như CellphoneS, Minh Tuấn Mobile cũng xác nhận đang lên kế hoạch xây dựng Mono Store.
“Mỗi cửa hàng đều được Apple đầu tư, thiết kế và đào tạo nhân viên theo chuẩn toàn cầu. Cửa hàng cũng cung cấp nhiều dịch vụ của Apple hơn, nên người dùng sẽ được trải nghiệm đa dạng sản phẩm”, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện ShopDunk cho biết. Ngoài ra, khi trở thành Mono Store, Apple sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá để tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
Bật “chế độ bảo vệ”
Thống kê của các hãng nghiên cứu cho thấy, thị trường thiết bị Apple tại Việt Nam có quy mô 1 tỉ USD cùng mức tăng trưởng 2 con số. Đây là lý do mà nhiều nhà bán lẻ không thể bỏ qua.
Bởi với Apple, các cửa hàng chính thức của họ giống như nam châm hút khách chuộng đồ Apple. Nếu có các App Store chính thức, những người đã sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để sử dụng đồ của Apple nhiều khả năng sẽ lựa chọn các cửa hàng chính hãng, chuẩn Auth (Auth, một từ lóng để chỉ sản phẩm chính hãng) này để phục vụ nhu cầu của mình.
Không chỉ Apple, các công ty công nghệ khác cũng có xu hướng mở các cửa hàng chỉ bán sản phẩm của công ty mình. Như Xiaomi có cửa hàng của Xiaomi, Huawei có cửa hàng chính hãng của Huawei... Họ muốn tạo cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm nhiều màu sắc, giữ chân khách hàng để không chỉ bán một sản phẩm mà còn nhiều sản phẩm khác cùng thương hiệu.
Quay lại với Apple, sau khi ShopDunk mở AMS thổ cẩm đầu tiên, chuỗi này trở nên nổi tiếng và thu hút rất nhiều khách đặt hàng. Đợt mở bán, đặt hàng iPhone 13 mới đây, họ đã nhanh chóng ghi nhận 15.000 đơn đặt hàng iPhone 13. Trong ngày khai trương, họ ngay lập tức giao 1.000 sản phẩm iPhone 13 tới tay các khách hàng.
Nhiều nhà bán lẻ hàng đầu trên thị trường Việt ngay lập tức đứng ngồi không yên. Họ nhìn thấy một mối nguy mất khách vào các chuỗi cửa hàng “mono” kiểu này và họ nhanh chóng lên kế hoạch mở các cửa hàng dạng AMS để ngăn chặn “chảy máu khách hàng” sang những chuỗi cửa hàng chuẩn như của ShopDunk, bảo vệ miếng bánh thị phần của mình. “Làm giống đối thủ” là chiến lược khá phổ biến trên thương trường khi mà các thương hiệu lo lắng bị mất thị phần vào tay các đối thủ – một trong những biện pháp phòng thủ thương hiệu trong kinh doanh.
“10 chiếc điện thoại bán ra tại Việt Nam, Thế Giới Di Động có 5; 10 chiếc TV bán ra tại Việt Nam, chúng tôi có một nửa. Tuy nhiên, riêng iPhone chưa đạt tỉ lệ này, Thế Giới Di Động mới chiếm khoảng 30%. Do vậy, tôi xem đây là cơ hội để phát triển”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động, giải thích về khoản đầu tư cho TopZone.
Với Thế Giới Di Động, họ đã thấy được hiệu quả rất nhanh, doanh thu từ 4 cửa hàng AMS mới này đạt mức 3 tỉ đồng/ngày sau một tuần khai trương và dự kiến đạt mức 50-60 tỉ đồng trong tháng đầu tiên, vượt 4-5 lần kỳ vọng ban đầu. Nếu doanh thu này không đổi và với diện tích mỗi cửa hàng Thế Giới Di Động trung bình 100 m2, mỗi m2 hằng năm đem lại 6-7,2 tỉ đồng/năm.
Vậy nên khi thị trường Việt Nam có những kẻ khơi mào cạnh tranh, tạo xu hướng mới nhằm hút khách, ngay lập tức các thương hiệu lớn trên thị trường lập tức kích hoạt chế độ “bảo vệ”. Thậm chí, với số lượng cửa hàng áp đảo để bảo vệ miếng bánh thị phần mình đang có. Điều này giải thích cho làn sóng mở cửa hàng Apple trong thời gian gần đây.
Trung Bảo
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư