Chuyển đổi số để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch
Bài tham luận của nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã nhận định tầm quan trọng và những lợi ích lớn của nền kinh tế số.
Tại Diễn đàn “Phát triển kinh tế Việt Nam 2021” diễn ra ngày 5/12, các tác giả Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có tham luận đóng góp.
Theo đó, nhóm nghiên cứu khẳng định COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với những tổn thất về người và của. Kinh tế thế giới lâm vào tình trạng trì trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều lĩnh vực. Cuộc khủng hoảng này có thể tạo ra những hệ luỵ kéo dài trong nhiều năm.
Các quốc gia có những giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế dù dịch bệnh còn tiếp tục hoành hành. Các gói kích thích kinh tế liên tục được đưa ra để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Quy mô của các gói kinh tế này lớn chưa từng thấy và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều quốc gia phát triển có những gói can thiệp kinh tế chiếm đến 25-30% GDP.
Một số quốc gia trong khu vực ASEAN cũng có những gói can thiệp đáng kể, trên 10% GDP. Tuy nhiên, tác động của các gói can thiệp này còn cần phải có thời gian để xem xét, đánh giá về tác động và tính hiệu quả.
Việt Nam cũng có những chính sách can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên 4 làn sóng của COVID-19 làm cho tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế mạnh hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu. Nhiều trung tâm kinh tế của quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.
Bài tham luận của nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ về việc phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững theo hướng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số và kinh tế số
Chuyển đổi số là sự thay đổi về văn hoá, tổ chức và hoạt động của tổ chức, ngành, Chính phủ hoặc hệ sinh thái, thông qua tích hợp thông minh các công nghệ, quy trình và năng lực kỹ thuật số theo cách có tổ chức và chiến lược. Đây là sự chuyển đổi các hoạt động, quy trình, năng lực và mô hình của các tổ chức và doanh nghiệp để tận dụng đầy đủ thay đổi và cơ hội của sự kết hợp các công nghệ kỹ thuật số và tác động nhanh chóng của chúng trên toàn xã hội. Sự chuyển đổi này xoay quanh việc nâng cao năng lực để trở nên nhanh hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn, hướng đến sự sáng tạo, và cải thiện chất lượng hàng hoá và dịch vụ.
Nền kinh tế số dựa trên ứng dụng công nghệ số để vận hành và hoạt động. Khi quá trình chuyển đổi số được thực hiện ở quy mô nhất định, sẽ hình thành nền kinh tế số. Kinh tế số thực chất xuất hiện từ trước đây khá lâu, biểu hiện ở kinh tế tri thức, kinh tế Internet, kinh tế chia sẻ, kinh tế mới, kinh tế không biên giới... Kinh tế số hiện nay phát triển mạnh mẽ và là xu hướng chủ đạo, có tính định hình tương lai của kinh tế thế giới.
Nền kinh tế số ra đời khi khai sinh mạng Internet vào những năm 1990, phát triển theo 3 giai đoạn.
Ở giai đoạn 1, kinh tế số chủ yếu liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, gồm dịch vụ công nghệ thông tin truyền thông như trang mạng, trình duyệt web, nhà cung cấp dịch vụ Internet, công cụ tìm kiếm, băng thông rộng, viễn thông di động, hàng hoá công nghệ thông tin truyền thông như thiết bị viễn thông, máy tính và thiết bị máy tính, linh kiện điện tử, phần mềm, các văn bản, thông tin được số hoá. Giai đoạn số hoá này là dạng đơn giản của nền kinh tế số.
Đến giai đoạn 2, kinh tế số mở rộng phạm vi với các thành phần mới gồm nền tảng số như mạng xã hội, thương mại điện tử, giao dịch điện tử, chính phủ điện tử, nội dung số như trò chơi điện tử, trò chơi trực tuyến, nhạc số, ảnh kỹ thuật số, sách điện tử và thông tin số, chăm sóc sửa khoẻ qua mạng, quảng cáo trực tuyến, du lịch trực tuyến, điện toán đám mây, thiết bị người dùng cuối như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop. Giai đoạn này còn được gọi là nền kinh tế được số hoá.
Ở giai đoạn 3, kinh tế số tiếp tục mở rộng phạm vi với các phát minh của công nghệ số mới là thành quả của cách mạng công nghệ 4.0, bao gồm IoT, dữ liệu lớn, người máy tiên tiến, trí thông minh nhân tạo AI, in 3D, blockchains, tiền số, các mô hình kinh doanh số. Giai đoạn này được gọi là nền kinh tế chuyển đổi sang số hoá đầy đủ.
Ước tính kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 160 tỉ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin viễn thông đạt 126 tỉ USD, chiếm 5,5% GDP.
Kinh tế số Internet, nền tảng đạt 14 tỉ USD, chiếm 1% GDP. Kinh tế số ngành, lĩnh vực đạt khoảng 21 tỉ USD, chiếm 1,7% GDP. Quy mô kinh tế số của Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, về tiềm năng, Việt Nam có thể vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Lợi ích của phát triển kinh tế số
Đối với quốc gia
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Phát triển kinh tế số có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số được coi là động lực mới trong phát triển kinh tế vì nó mở ra các lĩnh vực mới, nâng cấp các lĩnh vực cũ hoặc xoá bỏ các lĩnh vực và ngành nghề lỗi thời, tạo ra việc làm mới, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn thông qua tối ưu hoá từ sản xuất đến phân phối và kích thích nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Việc ứng dụng các thành tựu của kinh tế số được coi như qua trình tiến hoá, theo đó các hình thức cũ sẽ được thay thế dần bằng hình thức mới tốt hơn, tạo ra những thay đổi trong tăng trưởng kinh tế.
Theo World Bank, năm 2016 kinh tế số chiếm khoảng 6% tổng GDP của các nước OECD và tại Thuỵ Điển thậm chí còn chiếm tới 8% GDP do sự tăng trưởng của các dịch vụ và nền tảng số. Trong khi đó tại Anh, kinh tế số chiếm khoảng 10% GDP, cao nhất trong số các nước G20, chủ yếu do tăng trưởng từ thương mại điện tử và chính phủ điện tử.
Phát triển các ngành, lĩnh vực mới: Sự thay đổi kể từ khi Internet ra đời cho đến cách mạng 4.0 thay đổi cách thức hoạt động và tương tác của loài người. Các hình thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử... hay các công nghệ số mới như trí thông minh nhân tạo AI, dữ liệu lớn, IoT, email, điện toán đám mây... tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thị trường mới.
Những kỳ lân công nghệ như Google, Apple, Samsung, Facebook, Microsoft, Amazon, eBay, Alibaba, Uber, Grab, Tesla... xuất hiện ngày càng nhiều và càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Sự ra đời của hàng trăm tiền ảo như Bitcoin, Ethereum, Dogecoin... thậm chí còn tạo ra thị trường giao dịch và cơn sốt trên toàn cầu. Ở một vài lĩnh vực cơ bản, nền kinh tế số dần thay thế nền kinh tế truyền thống.
Theo đó, với quốc gia, phát triển kinh tế số mở ra các ngành mới có tính chất thay thế một phần hoặc bổ trợ, hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực truyền thống.
Tạo việc làm: Sự hình thành các ngành, lĩnh vực mới như là kết quả của chuyển đổi số kéo theo nhu cầu việc làm gia tăng. Với lượng người truy cập mạng Internet, mạng xã hội và các trang thương mại điện tử khổng lồ, kinh tế số tạo ra những cơ hội việc làm mới trên thị trường số.
Các cơ hội việc làm liên quan trực tiếp đến công nghệ số như kỹ sư, chuyên gia mạng, chuyên gia phần cứng, chuyên gia phần mềm... và các công việc liên quan đến hệ sinh thái kinh tế số. Không chỉ vậy, kinh tế số còn làm gia tăng các việc làm truyền thống để phục vụ sự mở rộng của các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chuyển đổi số.
Theo World Bank, năm 2014 có 1,3 triệu người làm việc trong nền kinh tế số tại Anh, chiếm 5% tổng lực lượng lao động. Trong khi đó, trong 5 năm trở lại đây, sự phát triển của các ứng dụng trên điện thoai thông minh tạo khoảng 500.000 việc làm mới tại Mỹ.
Thay đổi cơ cấu việc làm: Sự phát triển của kinh tế số cũng kéo theo sự thay đổi cơ cấu việc làm. Sự xuất hiện và phổ biến của các ngành, lĩnh vực mới, trong một số trường hợp, đi kèm với sự thoái trào hoặc biến mất của một số ngành, lĩnh vực truyền thống. Ví dụ, ứng dụng Grab và Uber ngày càng phổ biến khiến cho ngành taxi truyền thống bị thu hẹp thị phần hoặc sự phát triển của các sàn thương mại điện tử khiến cho các mô hình bán hàng trực tiếp phải thu hẹp lại. Tương ứng với nó, lực lượng lao động sẽ dịch chuyển từ ngành, lĩnh vực thoái trào sang các ngành, lĩnh vực tăng trưởng.
Nâng cao chất lượng lao động: Sự thay đổi cơ cấu việc làm buộc người lao động phải học tập các kỹ năng số để thích ứng với yêu cầu công việc. Sự xuất hiện của các công nghệ số khiến cho quá trình và cách thức thực hiện công việc thay đổi nhưng những người lao động học tập các kỹ năng mới sẽ có cơ hội để vượt lên nhờ vào tận những thành tựu mà công nghệ số mang lại.
Nhờ có mạng Internet, các công đoạn sản xuất trước kia chỉ được trong khuôn viên nhà máy có thể được thuê ngoài bởi những đơn vị ưu tú hơn. Vì vậy, kinh tế số càng phát triển, kỹ năng của người lao động càng được nâng cao.
Tăng chất lượng dịch vụ công: Chính phủ các nước đầu tư nhiều hơn cho chính phủ điện tử sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn. Quá trình số hoá và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông trong quản lý và cung cấp dịch vụ công sẽ giúp tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ, cắt giảm nhân lực không thực sự cần thiết và giảm nạn tham nhũng, quan liêu.
Đối với doanh nghiệp
Tăng năng suất: Các công việc do con người thực hiện sẽ bị thay thế bằng máy móc. Nhờ đó, năng suất cũng như tính chính xác của công việc được nâng cao. Những người lao động học tập các kỹ năng mới sẽ có hiệu quả công việc cao hơn các lao động truyền thống, từ đó góp phần tăng năng xuất của doanh nghiệp.
Mạng Internet và mạng di động tạo ra các hình thức làm việc đa dạng như làm việc tại nhà, làm việc bán thời gian, freelancer, làm việc qua hội thoại trực tuyến... Người lao động cảm thấy thoải mái hơn và cống hiến tốt hơn cho công ty trong khi công ty có thể dễ dàng huy động nguồn lực với chi phí tối ưu.
Nền kinh tế số là tài sản giá trị trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới phải phong toả vì đại dịch. Nếu không có công nghệ số, sự thiệt hại kinh tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều vì lao động không thể đến nơi làm việc. Hơn nữa, các hình thức làm việc gián tiếp còn góp phần đáng kể trong giảm tắc đường và ô nhiễm môi trường do sự di chuyển của người lao động gây ra.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Những doanh nghiệp số hoặc doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ có năng lực đổi mới sáng tạo tốt hơn so với các doanh nghiệp khác. Việc ứng dụng công nghệ số giúp đầu tư của các doanh nghiệp này trở nên giá trị hơn nhờ tập trung vào thử nghiệm và đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, quá trình mới hoặc ứng dụng. Nguyên tắc “kẻ chiến thắng có tất cả” của kinh tế số khiến cho các doanh nghiệp luôn khao khát vượt lên các đối thủ cạnh tranh để giữ vị trí dẫn đầu.
Tạo cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng thị phần: Chi phí đầu vào được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh sẽ giúp các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn, từ đó tạo lợi thế để gia tăng doanh số và thị phần.
Hoạt động trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế rào cản gia nhập thị trường thấp do các nền tảng số hầu hết đều mang tính mở với ít các quy định và trách nhiệm phải tuân thủ so với hoạt động trong nền kinh tế thực. Hơn nữa, với số lượng người truy cập mạng Internet và tham gia các nền tảng số ngày càng lớn, tham gia vào thị trường số sẽ giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tiếp cận tới lượng khách hàng hơn.
Ví dụ, bán hàng qua các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể cắt giảm các chi phí về thuê mặt bằng, kho bãi, thuê nhân viên, đóng thuế... trong khi tiếp cận lượng khách hàng ngày càng lớn do ngày càng có nhiều người sử dụng mạng Internet, máy tính và điện thoại thông minh.
Thay đổi linh hoạt hơn: Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số sẽ có khả năng thay đổi linh hoạt hơn mô hình kinh doanh, cách thức sản xuất và phân phối để đáp ứng nhưng thay đổi của thị trường hoặc chớp lấy thời cơ mới. Việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng thay đổi chiến lược quản lý để tích hợp và tái cấu trúc lại các kỹ năng, chức năng và nguồn lực trong và ngoài doanh nghiệp để thích nghi với môi trường thay đổi liên tục.
Sự thay đổi linh hoạt cũng giúp doanh nghiệp số sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả hơn hoặc tạo ra những khác biệt khiến đối thủ cạnh tranh không theo kịp hoặc khó bắt trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ví dụ, Facebook trước kia chỉ là nền tảng mạng xã hội nhưng trong thời gian gần đây phát triển các tiện ích và dịch vụ như livestream và quảng cáo, tạo nên một kênh thương mại điện tử có quy mô lớn tương tự như các sàn khác.
Kết nối tốt hơn: Việc tận dụng ưu điểm của công nghệ số giúp các doanh nghiệp kết nối với khách hàng, đối tác và nhân viên tốt hơn, giúp các luồng thông tin được thông suốt. Chẳng hạn, các phần mềm sử dụng trí thông minh nhân tạo luôn trả lời ngay các thắc mắc của khách hàng, điện thoại thông minh và các ứng dụng liên lạc như Zoom, Skype, Messenger, Zalo... giúp tính kết nối giữa các cá nhân được duy trì mọi lúc, mọi nơi.
Đẩy nhanh quá trình ra quyết định: Việc tận dụng các thành tựu và phân tích dữ liệu, tăng tính kết nối của doanh nghiệp sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể trong việc ra các quyết định kinh doanh.
Các doanh nghiệp số sẽ có những bước đi và thay đổi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác, giúp chúng luôn duy trì được lợi thế là người đi trước. Ví dụ, SAP là phần mềm quản lý doanh nghiệp cho phép lãnh đạo có thể cập nhật hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục và tổng hợp các báo cáo liên quan đến sử dụng nguồn lực để phục vụ ra quyết định.
Đối với người tiêu dùng
Kinh tế số mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như chất lượng sản phẩm, tiện ích được cải thiện do ứng dụng công nghệ tiên tiến, mua hàng mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nội mạng Internet, có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu, so sánh giá và tham khảo các nhận xét về chất lượng sản phẩm.
Giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn so với mua qua kênh truyền thống do chi phí sản xuất và phân phối được cắt giảm, thuận tiện trong thanh toán do không phải sử dụng tiền mặt, tiếp cận nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn so với mua qua kênh truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian mua hàng.
Những phản hồi và nhận xét về sản phẩm của người tiêu dùng được lắng nghe hơn. Nhìn chung, các sản phẩm và dịch vụ do kinh tế số tạo ra hoặc được phân phối thông qua nền kinh tế số giúp mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người tiêu dùng.
Bảo Nhi
Nguồn BizLive