CEO FPT Nguyễn Văn Khoa: “Chỉ có một điều chắc chắn trong đại dịch...”
“Hai năm tới, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro” – CEO FPT Nguyễn Văn Khoa nhận định, và chỉ chắc chắn một điều là công nghệ sẽ trợ giúp các doanh nghiệp cùng vượt qua.
Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ FPT Techday 2021 cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng các doanh nghiệp tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn rất khó khăn bởi ảnh hưởng của COVID-19: “Có lẽ chưa có khó khăn nào bằng làn sóng thứ 4 vừa xảy ra trong năm 2021 tại khu vực TP.HCM”. Là một người đang sống tại TP.HCM, ông Khoa cảm giác, chứng kiến những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp, xã hội phải chịu đựng trong tháng ngày giãn cách vừa qua.
“Giống như các lãnh đạo doanh nghiệp, tôi có rất nhiều mối lo, làm sao bảo vệ sức khoẻ cho hơn 40.000 cán bộ nhân viên, đảm bảo văn phòng FPT hoạt động trên 27 quốc gia được thường xuyên, liên tục. Quan trọng hơn, chúng tôi phải bảo vệ được gia đình, cộng đồng của cán bộ nhân viên không vướng phải dịch bệnh, giữ được công việc của họ, trả lương đầy đủ, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, lo đầy đủ thiết bị thuốc men y tế. Kết quả cuối cùng là chúng tôi đảm bảo phần sản xuất được liên tục, không bị gián đoạn”, ông Khoa nói.
Từ những kinh nghiệm trong đại dịch, FPT đúc kết lại và đưa ra phương án thay đổi về mặt quản trị điều hành. Thứ nhất là cần có sự chỉ huy chống dịch quyết liệt, thứ hai là đổi mới các hoạt động kinh doanh, và thứ ba là vận hành linh hoạt dựa trên kết quả của chuyển đổi số đem lại trong suốt thời gian vừa qua.
FPT thành lập ban chỉ đạo gồm tổ tiêm phòng, tập trung vào việc tổ chức và tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên tại Việt Nam và trên thế giới. Tổ 2 là tổ khẩn nguy, tập trung vào các công tác cứu trợ, cấp cứu điều tiết để đảm bảo người FPT được hỗ trợ một cách tối đa. Tổ 3 lo chính sách, truyền thông, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, việc sử dụng dữ liệu để cho hoạt động chống dịch rất quan trọng. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, trong quá trình chuyển đổi số và kết quả chuyển đổi số, tập đoàn xây dựng hệ cơ sở dữ liệu kết nối giữa nhân viên với văn phòng, với gia đình, tập đoàn cũng cập nhật toàn bộ dữ liệu tiêm của TP.HCM, dữ liệu tiêm của mỗi cá nhân, từ đó biến myFPT là ứng dụng quản lý nhân viên, quản lý các nội dung làm việc, trở thành nền tảng phòng chống dịch quan trọng.
“Trong đợt dịch lần thứ 4 này, chúng ta có thể thấy rằng công nghệ một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, công nghệ chính là một phép thuật”, ông Khoa cho hay.
Hồi phục nhanh sau dịch
Khi thực hiện làm việc trong giai đoạn sau khi dịch bệnh thuyên giảm, tập đoàn tổ chức, ra quyết định khoa học, bằng cách chia các khu vực làm việc theo màu, theo nhóm công việc để thu hẹp tối đa khu vực làm việc, không gian làm việc của các nhóm. Như vậy, khi phát hiện ra F0, tập đoàn sẽ xử lý ngay. Đồng thời, FPT thống nhất một nền tảng trao đổi thông tin, chia sẻ thông tin và quan trọng hơn nền tảng giúp FPT đưa ra quyết định nhanh chóng.
Trong 3 – 4 năm qua, tập đoàn tập trung vào hoạt động chuyển đổi số. Nhờ đó, khi đối diện làn sóng đại dịch lần thứ 4, FPT có một nền tảng số tốt, giúp hoạt động kinh doanh được đảm bảo liên tục.
Nền tảng số là chuyển toàn bộ môi trường làm việc tại văn phòng được bảo mật, được quy trình hoá, được sắp xếp theo lịch làm việc và mang môi trường ấy về nhà. Đồng thời, đưa tất cả hoạt động của FPT về “zero paper”. Tập đoàn áp dụng và đưa vào nhiều giải pháp của FPT để giải quyết gồm hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, giao việc điện tử, nhận việc điện tử.
Để nền tảng số vận hành trơn tru, nguồn dữ liệu đầy đủ, quy chuẩn là yếu tố quyết định. “Khai thác dữ liệu là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Doanh nghiệp muốn kinh doanh tốt, kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng phải có dữ liệu”, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định.
Ông Khoa chia sẻ trong việc chăm sóc khách hàng, tập đoàn đặt ra tiêu chí, giãn cách càng xa thì phải dùng dữ liệu để kết nối khách hàng lại gần, bằng cách chuyển toàn bộ hoạt động trước đây phải tương tác với khách hàng tại nhà, tại cửa hàng sang không gian số. Cụ thể, tập đoàn chuyển được gần 9 triệu văn bản/giao dịch trước đây từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch số, sử dụng nền tảng số. Kết quả là tập đoàn tăng được tần suất làm việc với khách hàng, tăng được kỳ vọng, chất lượng dịch vụ trong thời kỳ giãn cách và nhận được nhiều lời khen từ khách hàng.
Văn hoá chuyển đổi số
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng tăng cường đẩy mạnh văn hoá chuyển đổi số. “Chúng ta phải chuyển đổi số rất nhiều thứ, trong đó suy nghĩ, ý thức của mỗi con người là điểm nhấn quan trọng”, ông Khoa nói.
Trong năm 2021, FPT tuyển dụng mới hơn 10.000 cán bộ nhân viên. Tập đoàn xây dựng ứng dụng để chia sẻ, kết nối công việc trong nội tại FPT. Mọi người có thể tìm thêm công việc, cơ hội khi có thời gian rảnh, có thể làm thêm được việc khác. Vì thế, tập đoàn tạo thêm được khối lượng công việc mới khổng lồ cho nhân viên, đem về doanh thu hơn 10 triệu USD.
“Những chiến lược giúp chúng tôi trong 10 tháng vừa qua tăng trưởng doanh thu 20% so với cùng kỳ năm ngoái và có thêm 16 dự án mới, có những dự án quy mô chục triệu USD được ký kết trong thời gian mà dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam.
Chúng tôi không thể có kết quả như thế này nếu không có những giải pháp công nghệ, không có những ý tưởng sáng tạo, không có đột phá, thay đổi về quy trình, về công việc và quan trọng nhất là không có những thay đổi về văn hoá chuyển đổi số trong FPT. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng công nghệ chính là vũ khí hiệu quả trong công tác phòng chống dịch”, ông Khoa nhấn mạnh.
Công nghệ giúp vượt qua đại dịch
“Hai năm qua, không ai có thể lường trước được sự tàn phá của COVID-19. Chúng tôi dự báo trong 2 năm tới, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, kinh tế tiềm ẩn nhiều những nguy cơ, rủi ro”, ông Nguyễn Văn Khoa tiếp tục chia sẻ.
“Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen khó lường, chỉ có một điều chắc chắn rằng công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp linh hoạt hơn, nhờ thế chúng ta sẽ kinh doanh, sản xuất an toàn hơn”.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động tái thiết để bứt phá trong bình thường xanh. Ông Khoa lấy ví dụ là Kim Tín, Boston Pharma, Tân Hoàng Minh, AceCook chi trả hàng triệu USD để xây dựng hệ thống quản trị ERP. Với hệ thống quản trị này, các công ty xác định không để vụt mất cơ hội và bước vào kỷ nguyên số một cách vững chắc.
Kết lại bài phát biểu, CEO Nguyễn Văn Khoa nói về sức mạnh của công nghệ giúp chính quyền địa phương kiểm soát dịch bệnh, tái thiết nhanh chóng: “Quận 7 tại TP.HCM trở thành quận đầu tiên tiên phong áp dụng hệ thống chỉ huy phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế. Bình Phước là tỉnh không mạnh, thậm chí không giàu nhưng tiên phong dành nguồn ngân sách lớn cho công nghệ thông tin để tận dụng cơ hội này để phát triển chuyển đổi số. FPT thấy rằng đây là địa phương đi đầu, tiên phong không kém doanh nghiệp trong việc phục hồi, chủ động chuẩn bị và tạo ra tâm thế, nền tảng để sẵn sàng bứt phá sau đại dịch”.
Bảo Nhi
Nguồn BizLive