EI Industrial: "Hàng hiếm B2B"

EI Industrial: Hàng hiếm B2B

EI Indutrial là startup thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp) hiếm hoi nhận vốn đầu tư trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo thông tin từ Cocoon Capital và BEENEXT, cả 2 đã đầu tư 670.000 USD trong vòng hạt giống vào EI Industrial. Được biết, tiền thân của EI Industrial là đơn vị chuyên kinh doanh mặt hàng đèn LED và giải pháp kho tự động cho các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2019. Năm 2020, nhận thấy thị trường thiếu các giải pháp thương mại điện tử cho doanh nghiệp trong ngành sản xuất, Hồ Phi Ân, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty, quyết định mở rộng sang lĩnh vực này.

Người quản lý của EI Industrial cho rằng, thương mại điện tử B2B Việt Nam hiện nay đã khác với 10 năm trước, khi có rất nhiều công đoạn cần minh bạch thông tin và rút ngắn quy trình mua hàng trong nước nhưng chưa có giải pháp nào giải quyết được. “Tuy nhiên, rất khó để thuyết phục nếu không có thành quả rõ ràng”, anh Ân nói.

EI Industrial: Hàng hiếm B2B

Theo thống kê của riêng EI Industrial, có 3 hoạt động mua bán mà các doanh nghiệp sản xuất thường xuyên chi là máy móc thiết bị (10% chi phí), nguyên vật liệu (30% chi phí) và MRO (Maintenance Repair Operation, tạm dịch là vật tư tiêu hao hằng tháng) với 2,5-3% chi phí. Trong đó, MRO dù là khoản chi nhỏ nhưng thường xuyên nhất của các doanh nghiệp, với tần suất hàng trăm tới hàng ngàn đơn hàng mỗi tháng và cũng tốn kém thời gian nhất.

Chi phí cho việc mua sắm MRO của các doanh nghiệp tại Việt Nam dao động từ mức tối thiểu vài trăm ngàn USD thậm chí đến vài chục triệu USD/năm tại các doanh nghiệp FDI lớn. Thị trường này ở Việt Nam ước tính có thể lên đến khoảng 10 tỉ USD. Riêng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng năm 2020 hơn 37 tỉ USD.

Đây cũng là thị trường hấp dẫn cho EI Industrial vì chưa có ai khai thác. Với 9 người, trong vòng 1 năm kể từ ngày ra mắt website thương mại điện tử đầu tiên vào tháng 9/2020, công ty đã phục vụ hơn 500 khách hàng, trong đó có nhiều công ty sản xuất FDI lớn. Với chiến lược tập trung cho công nghệ để tăng trưởng nhanh, đồng thời tạo nhiều giá trị cho khách hàng, thay vì đầu tư vào kho bãi và hệ thống giao nhận, EI Industrial hợp tác với 10 đơn vị vận chuyển uy tín và thu phí từ 5-15% trên mỗi đơn hàng thành công.

Anh Hồ Phi Ân, sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Leipzig (Đức). Trước khi khởi nghiệp EI Industrial, anh từng là nhân sự cao cấp của Ricoh, Phillips, Modula. 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực B2B giúp anh có những yếu tố nền tảng và quan hệ khách hàng để tạo đà tăng trưởng cho EI Industrial trong thời gian ngắn.

EI Industrial: Hàng hiếm B2B

Mô hình thương mại điện tử B2B những năm trước được dẫn dắt bởi Alibaba để đưa hàng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp cận thị trường thế giới. EI Industrial không đi theo con đường đó mà tập trung đáp ứng nhu cầu thu mua phục vụ sản xuất và vận hành của các doanh nghiệp trong nước. Sự phổ biến của thương mại điện tử cùng với áp lực chuyển đổi số từ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng phải chuyển mình.

“Chúng tôi nhận thấy xu hướng ở khu vực, các công ty đang giảm nhân sự phòng mua hàng nhưng vẫn giữ nguyên hoặc tăng cường độ xử lý các đơn hàng. Nhưng nếu chỉ cung cấp website kết nối là chưa đủ”, anh Ân nói. Điều này cũng hé lộ bước tiếp theo của EI Industrial là cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất từ việc mua hàng đến tích hợp các hoá đơn vào hệ thống phần mềm hiện hành – một cách EI Industrial, tạo ra nhiều giá trị để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trên thực tế, đây cũng là điều các nhà đầu tư đang tìm kiếm ở các doanh nghiệp startup B2B ở Việt Nam. Theo thông tin từ Cocoon Capital, thị trường thương mại điện tử B2B của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 13,2 tỉ USD vào năm 2020, và dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR là 43% vào năm 2025.

EI Industrial: Hàng hiếm B2B

Giới thiệu thiết bị công nghiệp tại TP.HCM
Ảnh: Quý Hoà

COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong cách doanh nghiệp mua sắm hàng hoá. 98% công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhu cầu ngày càng tăng trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu của họ.

Sau khi nhận được đầu tư, nhân sự của EI Industrial hiện tăng gấp 5 lần để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Mục tiêu là hơn 1 triệu mã hàng trên website vào cuối năm nay. “Chúng tôi thực sự có tiềm năng tăng trưởng, hành trình mới chỉ bắt đầu”, anh Ân cho hay.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư