Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vừa có bước tiến trong hành trình vươn ra thị trường thế giới khi VinFast ra 2 mẫu xe điện VF e35 và VF e36.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vừa có bước tiến mạnh mẽ trong hành trình vươn ra thị trường thế giới khi VinFast tung ra 2 mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm ô tô lâu đời và uy tín bậc nhất thế giới – Los Angeles Auto Show 2021, chỉ sau vài năm bước chân vào lĩnh vực này.

Làn sóng đầu tư xe điện

Doanh số bán ô tô điện tăng cùng với các chính sách ủng hộ xe điện của chính phủ các nước cho các loại xe không phát thải cho thấy ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang có những bước chạy đua để vượt qua kỷ nguyên ô tô nhiên liệu hoá thạch.

Các công ty khởi nghiệp để bắt kịp xu hướng chuyển dịch sang xe điện với hy vọng trở thành một Tesla khác xuất hiện ngày một nhiều. Bởi nhìn vào con số giá trị vốn hoá thị trường hơn 1.000 tỉ USD chỉ sau 9 năm IPO của Tesla, không ai có thể ngồi yên. Giới đầu tư ở Phố Wall đang đổ xô mua cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô điện, đặt cược vào sự dịch chuyển của ngành công nghiệp ô tô từ động cơ đốt trong sang động cơ điện – một xu hướng phù hợp với các mục tiêu về bảo vệ môi trường.

Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Không chỉ có Tesla, công ty khởi nghiệp xe điện Rivian vừa đạt mức định giá ban đầu 90 tỉ USD trong đợt IPO lớn nhất kể từ năm 2012 khi Facebook huy động được 16 tỉ USD, dù chưa có chút doanh thu nào. Rivian có 20% cổ phần của Amazon và 12% của Ford. Rivian đã có giá trị cao hơn những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô lâu năm như Ford (79 tỉ USD) và General Motors – GM (85 tỉ USD) (theo Forbes). Giờ đây, giá trị của Rivian đã lên tới 152 tỉ USD.

Một công ty khởi nghiệp xe điện khác, Lucid, cũng đã vượt qua vốn hoá thị trường của Ford hồi giữa tháng 11 vừa qua với giá trị lên tới 90 tỉ USD. Đây cũng là công ty mà Ford có ý định mua lại 4 năm trước. Giờ đây, Ả Rập Saudi là quốc gia sở hữu phần lớn công ty khởi nghiệp này. Điều đáng nói, Lucid cũng mới chuyển hướng sang sản xuất xe điện năm 2016. Lucid cho biết, hiện họ có đơn hàng 17.000 xe đặt trước.

Tesla, Rivian, Lucid được giới kinh doanh gọi là “Big Three” ngành xe điện. Toyota, Volkswagen và Daimler – 3 công ty kỳ cựu trong ngành có giá trị nhất – có tổng vốn hoá thị trường là 505 tỉ USD. Con số đó là quá nhỏ so với “Big Three”, khi chỉ riêng Tesla đã có giá trị cao hơn gấp đôi, cộng với Rivian và Lucid, 3 công ty EV hàng đầu giờ có giá trị 1.300 tỉ USD.

Và cũng không chỉ có 3 công ty này, thị trường xe điện đang bị đốt nóng bởi nhiều công ty khởi nghiệp khác, kể cả các công ty ngoài ngành, trước đây chẳng liên quan gì đến sản xuất ô tô giờ cũng sản xuất xe điện như Foxconn hay Apple. Vậy lý do gì để các doanh nghiệp chỉ mới gia nhập thị trường sản xuất xe điện được vài năm mà được định giá khủng khiếp vượt qua cả các công ty truyền thống trăm năm?

Cuộc đua vào tương lai

Chính tiềm năng và triển vọng của xe điện trong tương lai đã làm các công ty khởi nghiệp trong ngành này trở nên có giá trị cao như vậy. Theo dự báo của Ngân hàng đầu tư UBS, đến năm 2025, 20% tổng số ô tô mới bán ra trên toàn cầu sẽ là xe điện. Con số này sẽ tăng vọt lên 40% vào năm 2030 và đến năm 2040, hầu như mọi chiếc ô tô mới được bán trên toàn cầu sẽ là xe điện.

Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Xu hướng chuyển dịch sang xe điện của ngành công nghiệp ô tô đang có dấu hiệu bùng nổ khắp thế giới. Bởi các công ty xe điện dù mới ra đời nhưng đã có tiềm năng và giá trị cao khi sản xuất xe điện là một ngành mới được chính phủ các nước khuyến khích. Những công ty tham gia thị trường đa số cũng là các công ty mới khởi nghiệp trong thời gian ngắn như Rivian, Lucid, VinFast...

Còn các công ty với truyền thống lâu đời muốn tham gia sản xuất xe điện cũng đều phải xây dựng những nhà máy mới, dây chuyền mới hoặc liên kết với các công ty mới khởi nghiệp, như Fiat Chrysler Automobiles của Ý và Tập đoàn PSA của Pháp sáp nhập tạo ra Stellantis chuyên sản xuất xe điện vào tháng 1 vừa qua. Trên thực tế, những hãng xe lâu đời như Toyota, Volkswagen, BMW, Daimler, GM, Ford, Chrysler… đã làm xe điện từ nhiều năm nay, nhưng hầu hết đều là các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc các chương trình marketing thử nghiệm.

Thế nên, điểm xuất phát của các doanh nghiệp trong ngành xe điện hiện gần như bằng nhau. Không những thế, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong ngành bởi kỳ vọng vào tương lai, được sự hậu thuẫn và đầu tư hùng hậu từ các tập đoàn, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư nhiều vốn.

Những điều đó vẫn chưa hết, các doanh nghiệp sản xuất ô tô truyền thống không những không có lợi thế gì nhiều khi sản xuất ô tô điện, còn phải lo lắng cho các dây chuyền sản xuất ô tô kiểu cũ, những dây chuyền chưa hết khấu hao hoặc chu kỳ kinh doanh. Lợi thế đủ đường, nên khi sản xuất xe điện thì có lợi nhất là các công ty mới gia nhập, những quốc gia đang phát triển không có bề dày ngành công nghiệp chế tạo.

Cú hích lớn cho ngành ô tô Việt Nam mang tên VinFast

Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp mới nhảy vào ngành và những nước như Việt Nam củng cố vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu thông qua việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia và sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ vào hệ sinh thái xe điện.

Như VinFast, chỉ sau 3 năm, VinFast đã mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội sở hữu phương tiện đi lại với chi phí hợp lý, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước. Từng bước, VinFast giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam độc lập, chủ động trong chuỗi cung ứng, nâng tầm thương hiệu quốc gia.

VinFast đã đạt được những bước tiến đáng kể và phát triển mạnh mẽ chỉ trong một thời gian ngắn. VinFast đã và đang phát triển một hệ sinh thái xe điện (EV) toàn diện, bao gồm xe máy điện, xe buýt điện và ô tô điện. Trong đó, mẫu VF e34 – ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam đã lập kỷ lục khi nhận tới 25.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong 3 tháng.

Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Song song đó, VinFast liên tiếp mở showroom ở nước ngoài, bao gồm Mỹ và Châu Âu, tham gia triển lãm ô tô hàng đầu thế giới, hợp tác với nhiều đối tác để nghiên cứu, phát triển công nghệ pin và sạc tiên tiến cho xe điện cùng nhiều công nghệ thông minh, hiện đại khác. Các mẫu VF e35 và VF e36 mới ra mắt tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 sẽ chính thức nhận đặt hàng từ nửa đầu năm 2022 trên phạm vi toàn cầu.

“Xe điện VF e35, VF e36 của VinFast là sự kết hợp tuyệt vời giữa đẳng cấp, tính năng và giá trị, chắc chắn sẽ tạo nên sức hấp dẫn không thể cưỡng lại với khách hàng Mỹ”,Lisa Kaz, Tổng Giám đốc của Los Angeles Auto Show, đánh giá về xe điện thương hiệu Việt vừa ra mắt.

Thành công của VinFast thúc đẩy triển vọng ngành ô tô Việt Nam

Sự xuất hiện của VinFast sánh vai với các doanh nghiệp ô tô hàng đầu thế giới không những làm cho ngành xe điện Việt nóng lên, mà còn kích thích các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo cho họ cơ hội mới. Đi theo ngọn cờ đầu VinFast, tại TP.HCM, một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải cho biết đang tiến hành thử nghiệm một số mẫu xe tải điện, sắp tới sẽ tung ra thị trường. Nhiều hãng xe cũng chú ý đến thị trường xe điện của Việt Nam. Một số doanh nghiệp FDI ô tô lớn tại Việt Nam đang có ý định mở rộng đầu tư, hướng tới sản xuất lắp ráp ô tô điện trong tương lai như Mitsubishi.

Điều đó đủ để thấy tiềm năng và lợi ích to lớn của ngành sản xuất ô tô điện không những đối với các công ty mới khởi nghiệp trong ngành mà còn mang lại triển vọng cho những nước đang phát triển như Việt Nam, từ tạo việc làm, nâng tầm công nghiệp chế tạo, đóng góp lớn vào GDP, tạo dựng vị thế của mình trong chuỗi giá trị ô tô toàn cầu.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư