VCSC: Masan thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi để tập trung vào mảng tiêu dùng
Đánh giá về việc thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi của Masan, báo cáo mới đây của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định động thái cho cho thấy sự tập trung mạnh mẽ của Masan vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng.
Masan rút chân khỏi cuộc đua thức ăn chăn nuôi
Đầu tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan công bố hợp tác chiến lược với De Heus Việt Nam (công ty con của Royal De Heus Group của Hà Lan).
Theo đó, De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đầu tư từ 600 – 700 triệu USD vào chuỗi cung ứng đạm động vật tại Việt Nam. Giao dịch là một phần của Bản ghi nhớ về Quan hệ Hợp tác (MOU) được hai bên ký kết vào tháng 9/2021: Masan MeatLife sẽ tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm thịt có thương hiệu, còn De Heus sẽ ưu tiên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng, con giống và chăn nuôi.
Đây có thể xem là động thái rút lui hoàn toàn của Masan khỏi thị trường thức ăn chăn nuôi từ lâu vốn là sân chơi của các doanh nghiệp FDI.
Cũng cần điểm lại lịch sử đầu tư vào mảng kinh doanh này của Masan. Cuối năm 2012, tập đoàn này thành lập Masan Agri để mua 40% cổ phần của Công ty Cổ phần Việt – Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco). Đến cuối năm 2014, Masan tuyên bố đã thoái toàn bộ vốn khỏi Masan Agri, không còn lợi ích tại Proconco.
Đến tháng 4/2015, tập đoàn này lại công bố đã mua 52% và 70% cổ phần của Proconco và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco), bằng việc mua 99,99% cổ phần của Công ty TNHH Sam Kim. Tập đoàn sau đó đã đổi tên Sam Kim thành Công ty TNHH Masan Nutri-Science. Động thái này giúp Masan có trong tay một nền tảng lớn trong ngành thức ăn chăn nuôi.
Thức ăn chăn nuôi từ xưa đến nay vẫn là sân chơi chính của các ông lớn ngoại như C.P, Greenfeed, Cargill Việt Nam, Emivest, De Heus Việt Nam... Với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây cũng mới chỉ có Masan, Dabaco, Hoà Phát đủ tiềm lực tài chính để chen chân vào thị trường tỉ USD này.
Số liệu kết quả kinh doanh cũng phần nào phản ánh sức nóng của cuộc chơi với các doanh nghiệp FDI.
Năm 2020, doanh nghiệp giữ vị trí số 1 ngành thức ăn chăn nuôi là CP Việt Nam đạt doanh thu hơn 21.100 tỉ đồng. Cargill Việt Nam giữ vị trí số 2 với con số gần 17.200 tỉ đồng. CJ Vina Agri doanh thu hơn 15.900 tỉ đồng.
Masan MEATLife có doanh thu thức ăn chăn nuôi đạt 13.746 tỉ đồng. Có cùng quy mô với doanh nghiệp nội này là Japfa Comfeed Việt Nam 13.800 tỉ đồng, De Heus gần 12.800 tỉ đồng.
Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn khác gồm cả GreenFeed doanh thu 10.700 tỉ đồng, Uni – President Việt Nam 10.600 tỉ đồng, Sheng Long Bio – Tech 8.800 tỉ đồng…
Tuy đạt được con số tương đối khá về doanh thu nhưng mảng kinh doanh này chỉ đi ngang giai đoạn 2019-2020. Lợi nhuận cũng chỉ tăng trưởng nhẹ. Thế nên cũng không khó hiểu khi Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang quyết định để Masan bắt tay cùng De Heus – một công ty có quy mô tương đương, nhằm dồn lực tập trung chuyên sản xuất thịt có thương hiệu.
Tập trung vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng
Đánh giá về việc thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi của Masan, báo cáo mới đây của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định động thái cho cho thấy sự tập trung mạnh mẽ của Masan vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng.
Động thái này càng củng cố vững chắc chiến lược Point of Life của Masan. Chia sẻ sau thoả thuận hợp tác giữa Alibaba và The CrownX, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group từng nhấn mạnh: “Thoả thuận hợp tác chiến lược sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một Point of Life – nền tảng ‘tất cả trong một’ phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hiện đại hoá thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm tại Việt Nam, phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác này sẽ giúp công ty hiện thực hoá Point of Life nhanh chóng và hiệu quả hơn”.
VCSC đánh giá lạc quan rằng Masan sẽ hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam, nhờ các nền tảng kinh doanh tiêu dùng hàng đầu của công ty bao gồm mảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thịt có thương hiệu và bán lẻ.
Thậm chí công ty chứng khoán này còn đánh giá cổ phiếu MSN của Masan sẽ càng hấp dẫn hơn nếu mục tiêu của ban lãnh đạo về việc tiếp tục tái cơ cấu để công ty hoàn toàn tập trung 100% vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng (tiếp tục giảm tỷ trọng vào các mảng kinh doanh có tính chất hàng hóa) được hiện thực hoá.
Về 3 mảng chính của kinh doanh tiêu dùng của Masan, VCSC đưa ra dự báo cụ thể:
Với bán lẻ, việc mở rộng hệ thống cửa hàng, cải thiện tổng biên lợi nhuận thương mại và triển khai kiosk Phúc Long sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh trong năm 2022. Với việc khả năng sinh lời có diễn biến tích cực, VCSC dự báo Wincommerce sẽ đẩy nhanh việc mở rộng quy mô với khoảng 700 cửa hàng mới trong năm 2022.
Ngoài ra, công ty này dự phóng WCM sẽ đạt tổng số khoảng 1.200 kiosk Phúc Long vào cuối năm 2022 so với 63 vào quý III/2021. Theo Masan, mỗi kiosk Phúc Long có thể tăng biên EBITDA của một cửa hàng siêu thị mini (WinMart) lên đến 5 điểm %.
Với mảng kinh doanh lõi – hàng tiêu dùng, Masan Consumer được dự đoán sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 2 chữ số, vượt trội hơn tăng trưởng chung của ngành trong vài năm tới. Điều này có được nhớ năng lực cốt lõi mạnh mẽ của MCH về marketing, nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm và phân phối.
Với mảng thịt mát, sản lượng sẽ gia tăng – đặc biệt với nguồn cung heo hơi chất lượng cao từ đối tác De Heus. VCSC dự báo doanh thu từ thịt của Masan MEATLife sẽ tăng 35% lên 6,5 nghìn tỉ đồng vào năm 2022 nhờ việc mở rộng phân phối đồng hành cùng mạng lưới bán lẻ của WCM cũng như sự phục hồi của kênh bán hàng B2B của 3F Việt.
Thảo Nguyên
Nguồn CafeF