Khi 30Shine rửa xe
Hoặc ứng dụng công nghệ, hoặc liên tục đổi mới dịch vụ, sản phẩm mới giúp doanh nghiệp tồn tại trong khó khăn.
Thế Giới Di Động luôn gây bất ngờ với những lĩnh vực kinh doanh mới của mình. Sau đồng hồ, xe đạp, mới đây, nhà bán lẻ này công bố sẽ bán thêm quần áo và đồ thể thao. Việc phát triển sang các lĩnh vực mới một mặt cho thấy sự năng động của Thế Giới Di Động, mặt khác cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ.
Trên thực tế, hàng loạt công ty bán lẻ khác ở Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai các ý tưởng mới nhằm ổn định nguồn thu và giữ chân khách hàng. Trong chiến lược mở rộng nhóm khách hàng trẻ, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 đang chuẩn bị áp dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt tại hơn 100 địa điểm ở TP.HCM và Bình Dương. Bên cạnh Facepay – nền tảng trung gian thanh toán dành cho các giao dịch vi mô thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt, khách hàng của GS25 còn có thể thanh toán với tất cả các ví điện tử như MoMo, VNPay, ZaloPay, AirPay, Moca... cho đến các eVoucher Giftpop đang được giới trẻ ưa thích.
Tại toạ đàm do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức, bà Mai Nguyễn, đồng sáng lập của N Kid Group, cho biết chuỗi vui chơi và bán lẻ tiNiWorld – tiNiStore cũng dự kiến có thêm một số dịch vụ, nhằm biến hệ thống này thành một chuỗi khép kín trong phục vụ giải trí gia đình, chẳng hạn như làm móng, chăm sóc các bà mẹ trong lúc chờ con vui chơi.
Theo bà Mai Nguyễn, với mô hình hoạt động như N Kid Group thì dòng tiền là bài toán sống còn. Trong bối cảnh việc kinh doanh nhiều lần bị tạm ngừng do giãn cách xã hội, N Kid Group vẫn duy trì được dòng tiền là nhờ bên cạnh vé vào cửa 1 lần, công ty này còn có sáng kiến bán thêm loại vé trả trước, cho phép khách có thể vào bao nhiêu lần tuỳ ý trong 6 tháng với mức giá ưu đãi. Bên cạnh đó, từ khi COVID-19 xuất hiện, N Kid Group cũng đầu tư không ít vào thương mại điện tử và công nghệ để phụ huynh có thể mua đồ chơi online và thực hiện các giao dịch thông qua app.
Tương tự, chuỗi cắt tóc và bán hoá mỹ phẩm nam giới 30Shine đang nghiên cứu đưa ra các dịch vụ mới như rửa xe máy, vệ sinh giày để phục vụ khách đến làm tóc. Trong đó, dịch vụ rửa xe máy của chuỗi này mới được triển khai thử nghiệm tại vài cửa hàng và nhận được những phản hồi tích cực.
Ông Quân Ngô, CEO 30Shine, cho biết đại dịch không làm công ty từ bỏ tham vọng phát triển thành một nền tảng phục vụ nam giới. Khởi đầu là một startup “cắt tóc công nghệ” với 2 cửa hàng vào năm 2015, nhờ liên tục đổi mới, năm 2019 chuỗi này đạt doanh thu 27 triệu USD với 91 cửa hàng và bắt đầu thu lãi ròng. Trong năm 2020, 30Shine đã thực hiện 3 triệu lượt dịch vụ, số khách hàng thường xuyên đạt 1 triệu người.
Hiện 75% khách hàng sử dụng dịch vụ của 30Shine là khách đặt chỗ trước qua app hoặc web. “Để có một hệ thống ưu việt, 30Shine cần những công nghệ hàng đầu như như Amazon EC2, dịch vụ lưu trữ Amazon S3, hệ thống quản lý ứng dụng chứa trong container Kubernetes, dịch vụ cơ sở dữ liệu Amazon DynamoDB... Cái được ở đây là sự ổn định, cùng nhiều tiện ích đi kèm trong hệ sinh thái Amazon. Nhờ đó, chúng tôi tối ưu được tới 80% chi phí về mặt công nghệ trên một khách so với hệ thống trước đây”, lãnh đạo công ty này nhận định.
Đầu tư công nghệ để không bỏ sót những thay đổi về nhu cầu, hành vi của khách hàng cũng là cách mà Seedcom theo đuổi. Bám sát đường hướng New Retail (Bán lẻ mới), Seedcom đang tập trung vào việc phát triển hệ thống dữ liệu, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đầu tư của Seedcom như The Coffee House, Juno, Hnoss, Kingfoodmart ứng dụng công nghệ nhằm hiểu hơn về nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng trên các kênh khác nhau, tìm hiểu xem kênh nào là phù hợp nhất để tiếp cận họ.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này sẽ sử dụng toàn bộ thông tin thu thập được nói trên để thay đổi cách vận hành, cũng như chuỗi cung ứng của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực tại nơi mà khách hàng cần nhất. Hành vi khách hàng sẽ không có sự phân biệt giữa online và offline, mà sẽ tiếp xúc với các sản phẩm, dịch vụ trên cả 2 kênh này cùng lúc với tính cá thể hoá ngày càng cao.
Seedcom Group cũng cho biết đang nỗ lực hướng tới việc cung cấp cho các chủ cửa hàng, chủ doanh nghiệp và người tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, bao gồm giải pháp thanh toán, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam và những dịch vụ khác như bảo hiểm và quản lý tài sản.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường bởi tác động của dịch bệnh COVID-19. Sức ép này cho thấy sự khốc liệt của thị trường.
Kết quả khảo sát vừa mới công bố của Kantar Việt Nam chỉ ra rằng, quy mô và nhân khẩu của hộ gia đình Việt đang có xu thế giảm nên nhu cầu cá nhân ngày càng quan trọng. Hơn nữa, hoạt động mua sắm của nhiều gia đình Việt trở nên phức tạp hơn khi bất cứ thành viên trong gia đình có thể tự mua, không chỉ phụ thuộc vào một người nội trợ hay ai đó trong gia đình. Điều này dẫn đến bài toán khó khăn cho tất cả các kênh bán lẻ, kể cả kênh hiện đại và truyền thống, kênh online và offline. Nếu không kịp thay đổi, doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng sẽ sớm bị đào thải khỏi cuộc chơi.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư