Ngân hàng bắt tay fintech

Ngân hàng bắt tay fintech

Hệ sinh thái của ngân hàng, fintech… đang hình thành và tạo nên những xu hướng mạnh mẽ.

MobiFone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên được phép triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ tiền di động (Mobile Money) trên phạm vi toàn quốc. Vietnam Airlines vừa ra mắt sàn thương mại điện tử VNAMall với hơn 300 sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia mà hãng có đường bay.

Hệ sinh thái thanh toán số

Hai sự kiện trên cho thấy những động lực mạnh mẽ trong thương mại điện tử cũng như thanh toán trực tuyến, thanh toán di động... đang thay đổi từng ngày tại Việt Nam. Đại dịch cũng góp phần thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số ở Việt Nam, cũng như khắp khu vực ASEAN, trong đó có sự dịch chuyển lớn sang các kênh kỹ thuật số dịch vụ tài chính như một yếu tố sống còn của các tổ chức này.

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking. 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.

“Thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số”, ông Dũng đánh giá.

Ngân hàng bắt tay fintech

Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hoá...

Những mục tiêu này đặt ra trên cơ sở nền kinh tế số tại Việt Nam được hỗ trợ về chính sách. Chẳng hạn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) hay quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Không gian chính sách này đã tạo cơ hội cho các fintech bùng nổ tại Việt Nam. Theo báo cáo Fintech ở ASEAN năm 2021 của Ngân hàng UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA), các công ty fintech có trụ sở tại Việt Nam đã gọi được vốn đầu tư trị giá hơn 388 triệu USD, tương ứng 9% trong tổng số 167 thương vụ của khu vực ASEAN 9 tháng đầu năm 2021.

Liên minh trong giải pháp tài chính

Đáng chú ý, xu hướng hợp tác của ngân hàng và fintech tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động, nhiều dự án đầu tư của ngân hàng vào các công ty fintech khởi nghiệp hoạt động có hiệu quả, phủ sóng xu hướng “tài chính nhúng”. Chẳng hạn, Ngân hàng CIMB và Finhay công bố hợp tác phát hành thẻ đồng thương hiệu CIMB – Finhay trên ứng dụng Finhay. Trước đó, MoMo cũng bắt tay với TPBank triển khai gói trả sau, cho người dùng ví có thể vay ngay trên ứng dụng.

Ngân hàng bắt tay fintech

Xu hướng hợp tác của ngân hàng và fintech tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động
Ảnh: TL

Bên cạnh đó, xu hướng “tài chính nhúng” cũng ngày càng nở rộ với sự đi đầu của các hệ thống bán lẻ lớn. Thế Giới Di Động công bố kế hoạch phát triển các tiện ích tài chính được tích hợp trong hệ thống của mình. Trong khi đó, Masan Group đang phát triển mạnh các tiện ích tài chính đồng bộ trong các cửa hàng WinMart sau khi mua lại hệ thống này (VinMart) từ Vingroup.

Trước xu thế trên, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho rằng các ngân hàng phải có giải pháp lồng ghép dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt vào hoạt động mua sắm, tiêu dùng để người dân có thể thanh toán đơn giản, dễ dàng nhất có thể. Vì thế, việc “nhúng” giải pháp thanh toán trực tuyến vào các ứng dụng số của fintech, của các đơn vị cung ứng hàng hoá dịch vụ, sàn thương mại điện tử cần đẩy mạnh và liên tục đổi mới, mở rộng.

Ngân hàng bắt tay fintech

Một khi khuôn khổ “tài chính nhúng” này được xây dựng hoàn chỉnh, nó có thể được nhân rộng vô hạn nhờ hạ tầng fintech hiện có. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 72% các công ty fintech đã liên kết với ngân hàng tại Việt Nam, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.

Theo ông Bruce Delteil, Giám đốc Điều hành McKinsey & Company Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty fintech cũng góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính số hoá của khách hàng. Theo khảo sát của McKinsey & Company, 80% khách hàng Việt Nam sử dụng ngân hàng số ít nhất 1 lần/tháng; 56% khách hàng sẵn sàng sử dụng các giải pháp tài chính khác từ các công ty fintech; 70% người Việt được khảo sát nói rằng sẵn sàng mua sản phẩm trực tuyến. Ông Bruce Delteil dự báo: “Hiện tại, hệ sinh thái số tại Việt Nam đang phát triển và quy mô sẽ tăng từ khoảng 50 tỉ USD lên 100 tỉ USD trong những năm tới”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thành viên Hội đồng Quản trị, Trưởng Ban Hiện đại hoá công nghệ ngân hàng tại Vietcombank, các ngân hàng rất sẵn sàng hợp tác với các công ty fintech, bởi khi kết hợp với fintech sẽ tạo nên tính đa dạng của hệ sinh thái ngân hàng số. Thậm chí, nó còn giúp ngân hàng chạy được đường dài trên cuộc đua số. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cũng cho rằng các ngân hàng cần kết hợp với doanh nghiệp để fintech tạo ra hệ sinh thái chung, tận dụng thế mạnh của nhau trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Đức Minh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư