Hút vào vũ trụ ảo Metaverse
Dù còn hơi mơ hồ nhưng Metaverse rất thú vị khi đang tạo ra một xu hướng đưa thế giới thực vào thế giới ảo một cách liền mạch.
Có thể nhiều người chưa bao giờ nghe nói về vũ trụ ảo (Metaverse), nhưng từ cuối tháng 10, kể từ khi Facebook đổi thương hiệu thành Meta, cụm từ Metaverse đã xuất hiện trên các mặt báo khắp thế giới. Nhưng ở Việt Nam, Metaverse cũng không phải quá xa lạ với giới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực game blockchain, nhiều nhà làm game đã nhanh chân tạo ra Metaverse trước cả Facebook.
Hợp nhất thế giới ảo
Tại Việt Nam, Metaverse được biết đến nhiều ở việc sở hữu một nền kinh tế trong game, nơi người dùng có thể làm việc, kiếm tiền. Trong đó phải kể đến Axie Infinity, với tổng giá trị vốn hoá đến nay là 8,5 tỉ USD. Đây là một game blockchain đình đám với “nhân vật” chính là thú ảo chiến đấu để kiếm tiền ảo. Ngoài ra, còn có các “mảnh đất” trên không gian ảo là nơi ở cho nhân vật, khai thác tài nguyên, mua bán lại. Một số mảnh đất trong game này đang được định giá 10.000 ETH, tương đương 40-50 triệu USD.
Nhiều dự án blockchain khác của kỹ sư Việt như Elpis Battle, Meta Spatial, My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher, HeroVerse... cũng đang trong quá trình để trở thành Metaverse hoặc tạo nền tảng giúp xây dựng Metaverse, với nội dung và cách chơi cũng đa dạng từ nuôi thú cưng, nhập vai chiến đấu đến khoa học viễn tưởng, đón đầu trào lưu Metaverse.
Nhiều công ty Việt khác cũng nhanh chân ứng dụng Metaverse trong tổ chức sự kiện như Bytesoft Việt Nam. Trong sự kiện kỷ niệm 7 năm thành lập, Bytesoft Việt Nam đã lần đầu ứng dụng vũ trụ ảo Metaverse để cá nhân hoá sự kiện và mang đến những trải nghiệm khó tin.
Trong lĩnh vực làm phim ở Việt Nam, Charlie Nguyễn, đạo diễn người Mỹ gốc Việt và các cộng sự vừa khởi động dự án blockchain đầu tiên của mình với tên gọi FAM Central trên nền tảng Binance Smart Chain, đặt một chân vào Metaverse. Ý tưởng của FAM Central là tạo ra một hệ sinh thái cho khán giả đồng hành cùng các nghệ sĩ, diễn viên với vai trò là một nhà đầu tư. Chính những khán giả sẽ đóng góp vào quá trình làm phim bằng cách tham gia vào quá trình hình thành ý tưởng với FAM Central, bao gồm chỉ đạo hình ảnh, cốt truyện và cải thiện sản phẩm cuối cùng cho các dự án sắp tới với FAM Central.
Trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Meta (Facebook cũ), Microsoft, Nvidia, Epic Games... cũng là những thương hiệu đang đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng các Metaverse.
Metaverse là một thuật ngữ do tiểu thuyết gia Neal Stephenson đặt ra trong cuốn tiểu thuyết “Snow Crash” năm 1992 của ông. Cuốn tiểu thuyết định nghĩa Metaverse là nơi mọi người sử dụng bộ các thiết bị chụp đầu thực tế ảo để tương tác trong thế giới trò chơi kỹ thuật số. Thực ra, thế giới ảo vẫn luôn tồn tại cùng với sự ra đời của internet, nhưng mọi người không thể di chuyển giữa các nền tảng khác nhau do không xác định được danh tính và tài sản trực tuyến của họ.
Ông Ngô Cường, CTO của Meta Spatial, cho biết: “Metaverse không phải là xu thế nhất thời mà sẽ trở thành tương lai của con người. Metaverse hoàn toàn có thể thay thế các ứng dụng của internet ngày nay, như mạng xã hội, video call. Đó là khi con người sẽ kết nối với nhau không phải trên mạng xã hội mà trên thế giới ảo”.
Ý tưởng về một thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thực đã có từ lâu và các công nghệ thực tế ảo AR, VR, MR, XR giúp đưa ý tưởng này đến gần hơn với con người. Tuy nhiên, chỉ khi ứng dụng blockchain, Metaverse mới có thể trở thành một vũ trụ thực sự. Tim Sweeney, CEO Epic Games, hình dung đó là một sân chơi trực tuyến xuyên suốt, nơi người dùng cùng bạn bè chơi trò chơi, xem phim, mua sắm, lái thử một chiếc xe mới được chế tạo y hệt như trong đời thực... mà không gặp rào cản về sự tách biệt giữa các dịch vụ.
Đơn giản nhất, có thể hiểu vũ trụ ảo là một dạng “thế giới game online”. Trong đó, mỗi một người sẽ có một nhân vật ảo riêng của mình. Nhân vật ảo đó sống, gặp gỡ các nhân vật bản thể khác, làm việc để tạo ra vật phẩm bên trong vũ trụ ảo và buôn bán, kinh doanh với các bản thể khác. Tóm lại, vũ trụ ảo giống hệt như thế giới thực, chỉ khác là thế giới này dựng lên bằng máy tính và nằm trong máy chủ của một công ty công nghệ nào đó.
Mặc dù Metaverse vẫn chưa được như mô tả bởi hầu hết công nghệ vẫn chưa sẵn sàng. Nhưng giống như thương mại điện tử thời sơ khai, vũ trụ ảo giờ đã trở thành một trong những kênh phổ biến nhất để thử nghiệm kinh doanh. Những nhà tiếp thị thức thời và tiên phong đang tìm cách tận dụng môi trường cực kỳ rộng lớn này nhằm khai phá, mở rộng kinh doanh để hưởng lợi trước nhất.
Kinh doanh trong vũ trụ ảo
Theo nội dung bức thư được chia sẻ từ Mark Zuckerberg, CEO Meta, mạng xã hội này đã công bố các công cụ mới để giúp mọi người xây dựng cho Metaverse, bao gồm Presence Platform, sẽ cho phép trải nghiệm thực tế hỗn hợp mới. Trong khi chờ Metaverse của Facebook chính thức ra đời và đi vào hoạt động, thì thế giới ảo đã hình thành trong nhiều lĩnh vực.
Cũng như lĩnh vực game và NFT đang có lợi thế, nhiều lĩnh vực khác cũng đã nhanh chân đặt nền móng cho công việc kinh doanh. Nhiều thương hiệu đã khéo léo lồng ghép dịch vụ và sản phẩm của họ như một phần trong các trò chơi mà không làm gián đoạn trải nghiệm của người chơi, một loại hình rất được sự đồng tình của game thủ. Animal Crossing: New Horizons và Fortnite là 2 tựa game điển hình của trào lưu lồng ghép này.
Một số thương hiệu khác kết hợp với game để tạo ra phiên bản số dựa trên phiên bản thực của mình. Điển hình là tập đoàn chủ quản của công viên giải trí Sentosa ở Singapore. Tập đoàn này đã tái tạo công viên trên game Animal Crossing và mời người chơi dự lớp yoga khi đang cách ly xã hội tại nhà vì dịch COVID-19 bùng phát. Hay như dịch vụ giao đồ ăn Deliveroo đã gửi một đội giao hàng ảo cho người chơi kèm theo mã giảm giá để áp dụng ngoài đời thực.
Tài sản số được tạo ra dựa trên công nghệ blockchain NFT cũng là một lĩnh vực có thể gia nhập vũ trụ ảo. Mỗi NFT là độc nhất và người sở hữu có thể giao dịch chúng với giá cao, cao hơn hẳn so với phiên bản đời thực của cùng món đồ. Đây chính là nền móng cho nền kinh tế vũ trụ ảo trong tương lai với hàng hoá bao gồm NFT và các vật phẩm có giá trị sưu tập dạng số.
Tháng 7 vừa qua, Coca-Cola tung ra bộ sưu tập NFT đã thu về 575.000 USD trong một cuộc đấu giá trực tuyến. Công ty đã dựa vào sức mạnh của thương hiệu để thúc đẩy bộ sưu tập của mình và quyên góp được hơn 500.000 USD cho tổ chức từ thiện trong vòng 72 giờ. Bà Oana Vlad, Giám đốc Chiến lược toàn cầu của Coca-Cola, nói rằng: “Việc chuyển sang NFT và Metaverse cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm lạc quan và mang tính biểu tượng giống như họ đã quen trong cuộc sống thực ở thế giới kỹ thuật số”.
Chưa hết, các thương hiệu còn tìm ra cách khai thác vũ trụ ảo từ yếu tố cá nhân hoá. Nguyên nhân bởi con người là duy nhất trong thế giới thực, trong vũ trụ ảo, định danh mỗi người cũng sẽ duy nhất, với vai trò thay thế người thật trên thế giới ảo. Vậy nên, các món hàng bán cho người thật cũng đều có thể bán cho phiên bản ảo và là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu lĩnh vực tiêu dùng.
Phương thức bán hàng mới sẽ là bán trực tiếp cho hình ảnh đại diện (Direct To Avatar) được dự báo sẽ trở thành phương thức bán hàng mới khi mà thế hệ Gen Z ngày nay lên mạng đến hàng chục tiếng một ngày và tốn nhiều giờ mỗi ngày để chỉnh sửa hình ảnh bản thân. Thậm chí, các nhãn hàng có thể giới thiệu nhiều mẫu thời trang mới để thăm dò thị hiếu, nhu cầu trước khi đưa vào sản xuất kinh doanh.
Thương hiệu thời trang Gucci, chẳng hạn, đã chớp được cơ hội hợp tác với Zepeto và Giphy – hai nền tảng mạng xã hội chuyên về hình đại diện – để trình làng các mẫu quần áo và phụ kiện thời trang đặc biệt trên những nền tảng này. Ở đó, người dùng có thể cho hình đại diện của họ khoác những bộ cánh thời thượng nhất, thậm chí có thể là độc nhất vô nhị. Không những thế, Gucci còn hợp tác với Roblox để tổ chức triển lãm, bán quần áo, túi kỹ thuật số phiên bản giới hạn, trong đó có những chiếc túi bán được 4.115 USD, cao hơn phiên bản ngoài đời thực 3.400 USD.
Louis Vuitton, Balenciaga cũng không chậm chân trong lĩnh vực Metaverse. Louis Vuitton tạo ra Louis The Game, một game có công nghệ NFT với hy vọng bộ sưu tập NFT sẽ thu hút và duy trì khách hàng đến với thế giới thời trang của họ. Balenciaga thông báo họ đã hợp tác với Epic Games, nhà phát triển của Fortnite, để đưa quần áo và trang phục đặc trưng của nhà mốt vào trò chơi.
Các sự kiện trực tiếp có nhiều người tham gia (Massive Interactive Live Event – MILE) cũng có thể thành công trong vũ trụ ảo. Hầu hết các MILE đều phát triển dựa trên game. Những ai đã tham dự những trận chiến kinh điển “công thành” trong game với vài vạn người tham gia cùng lúc sẽ hiểu được họ cũng có thể làm tương tự, nhưng thay vì đánh thành, họ có thể xem hoà nhạc, tham dự lễ hội hay biểu diễn thời trang.
Như trong lĩnh vực âm nhạc, rapper Travis Scott đã trình diễn trực tiếp trên game Fortnite trước 12,3 triệu game thủ. Buổi diễn này sau đó giành giải Grand Prix hạng mục Tác phẩm Số xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2021. Balenciaga cũng tạo ra game Afterworld như một MILE để ra mắt bộ sưu tập mùa thu 2021.
Chuyên gia phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence Matthew Kanterman dự đoán ngành công nghiệp Metaverse sẽ đạt trị giá 800 tỉ USD vào năm 2024 dù cảnh báo rủi ro pháp lý vẫn còn đối với các công ty đang tìm cách mở rộng sang lĩnh vực Metaverse.
Nhiều dự án Metaverse ở Việt Nam đã nhận được đầu tư mạnh mẽ để phát triển. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành một trong những thị trường đang có tiềm năng phát triển game NFT triển vọng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, thị trường Việt Nam có thể trở thành một trung tâm (hub) có lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Axie Infinity tiếp tục gọi vốn thành công Series B với hơn 150 triệu USD. HeroVerse dù mới ra đời nhưng đã gọi vốn 1,7 triệu USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực blockchain và NFT như Icetea Labs, x21, AU21 Capital...
Meta Spatial với sản phẩm đầu tiên là Meta Spatil Moon đã nhận được sự quan tâm của gần 1 triệu người trên khắp thế giới. Chỉ sau vài tuần ra mắt, cộng đồng của Meta Spatial đã lên đến con số gần 100.000 người. Đây là những con số thống kê đáng nể, cho thấy niềm tin và sự ấn tượng của người dùng với một dự án công nghệ còn khá non trẻ của người Việt. Đặc biệt, sau một tháng hoạt động, Meta Spatial đã nhận được đầu tư từ hơn 100 quỹ đầu tư trên thế giới. Trong đó, có thể nhắc đến nhiều quỹ đầu tư tên tuổi như: OKEx, Polygon, Mexc, CMC, X21, Master Venture, Redkite...
Meta Spatial được đánh giá là một trong những dự án đầu tiên xây dựng một thế giới Metaverse đúng nghĩa. Bằng việc sử dụng các công nghệ AR, VR, MR, XR, Meta Spatial hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm chưa từng có cho người sử dụng.
Metaverse sẽ thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với các thương hiệu. Metaverse sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, các công ty có thể hưởng lợi nhiều nhất từ Metaverse là các thương hiệu tiêu dùng toàn cầu. Những lĩnh vực thu hút nhiều người đam mê bằng trải nghiệm này độc đáo, sáng tạo và mang tính xã hội, thương hiệu sẽ có tiềm năng toả sáng.
Với Metaverse, tiếp thị sẽ không còn là hoạt động kinh doanh như bình thường nữa. Các nhà tiếp thị sẽ chỉ bị ràng buộc bởi sự sáng tạo và nguồn lực của họ. Có thể thấy, các thương hiệu tiêu dùng thời trang và đồ xa xỉ sẽ có lợi thế hơn khi vũ trụ ảo trở nên phổ biến. Thế giới mới nhưng cũng là hữu hạn. Những nhãn hàng tiên phong kinh doanh trên vũ trụ ảo sẽ có nhiều thời gian hơn để sáng tạo, thử nghiệm chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để kiếm tiền.
Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư