Bão giá nguyên liệu thổi bay lợi nhuận
Giá nguyên liệu trong nhiều ngành hàng tăng đột biến đang ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo Tổ chức Nông Lương thuộc Liên Hiệp Quốc (FAO), tháng 10 vừa qua, giá lương thực – thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ 3 liên tiếp, với mức tăng 3% so với tháng 9. Giá nguyên liệu đầu vào tăng đang đẩy cao chi phí đối với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực sữa, thức ăn chăn nuôi, thịt, dầu... trên khắp thế giới.
Tác động 2 chiều
Đợt tăng giá này đang tác động đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam theo 2 chiều khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp được hưởng lợi là xuất khẩu gạo và đường, còn doanh nghiệp gặp bất lợi là trong lĩnh vực sản xuất sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn...
Lấy ví dụ, theo báo cáo tài chính quý III/2021, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 16.208 tỉ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 5,6%, đạt 2.961 tỉ đồng. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất quý III đạt 42,9%, giảm nhẹ so với 6 tháng đầu năm và giảm 381 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các chính sách thuế chống bán phá giá đối với một số nguyên liệu nhập khẩu. Thuyết minh báo cáo tài chính ghi nhận chi phí nguyên vật liệu trong chi phí sản xuất năm ngoái là 18.470 tỉ đồng thì quý III năm nay lên đến 19.707 tỉ đồng.
Tại Dabaco, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 717 tỉ đồng, giảm 36,8%. Nguyên nhân là chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, từ 4.496 tỉ đồng năm ngoái lên 5.503 tỉ đồng 9 tháng năm nay. Chi phí nhân công cũng tăng từ 492 tỉ đồng lên 583 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá phân bón tăng cao đã kéo theo một loạt mặt hàng nông sản tăng giá. Diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp chế biến cà phê như Vinacafé Biên Hoà vì 80% giá vốn hàng bán của Vinacafé Biên Hoà là chi phí cho nguyên vật liệu, yếu tố đầu vào. Trong nửa đầu năm, Vinacafé Biên Hoà chỉ đạt 805 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 30% so với nửa đầu năm 2020. Lãi ròng hợp nhất công ty mẹ cũng giảm gần 40%, xuống 157 tỉ đồng. Theo lãnh đạo của công ty, biến động khó lường của giá nguyên liệu có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận năm nay.
Có thể thấy chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu nhiều tháng gần đây tăng so với những tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam là nước nhập khẩu lượng lớn nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỉ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5%.
Rủi ro biến động giá
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ đẩy doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn về giá cả thêm một thời gian dài. Áp lực lên lợi nhuận các doanh nghiệp này còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nếu giá bán sản phẩm không tăng tương ứng.
Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, giá bán tăng cao giúp các nhà sản xuất nguyên liệu đầu vào gia tăng lợi nhuận, nhưng các công ty cung cấp hàng tiêu dùng lại giảm tỉ suất lợi nhuận. Đối với một số công ty sản xuất hàng hoá Việt Nam, giá đầu vào tăng thì giá bán sẽ tăng.
Những công ty thực phẩm tiêu dùng lớn đang xoay xở giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào bằng cách bảo hiểm rủi ro giá nguyên liệu (hedging) hoặc đẩy chi phí đầu vào tăng cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán. Chẳng hạn, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã tìm cách đàm phán với đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi để được chia sẻ mức giá ổn định. “Chúng tôi chấp nhận kinh doanh không lợi nhuận để hỗ trợ các trang trại chăn nuôi lúc này”, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Bên cạnh việc tăng mua nguyên liệu, tìm nguồn hàng thay thế, cân đối chi phí thì nhiều doanh nghiệp còn cho biết, có thể sẽ phải tăng giá sản phẩm trong thời gian tới để tránh thua lỗ nặng. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Trong suốt mùa dịch, các doanh nghiệp này đã nỗ lực không tăng đồng nào, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Nhưng bước vào tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuất rất lớn”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, đợt tăng giá nguyên vật liệu này đang tạo ra một chu kỳ tăng giá mới trên toàn cầu và có thể phải mất vài năm, trạng thái cân bằng mới có thể quay trở lại. Để ứng phó với những diễn biến khó đoán trên thị trường, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), doanh nghiệp nên ký hợp đồng tương lai, tức là xác định ký kết mua hàng theo giá hiện tại nhưng giao hàng trong tương lai, để phòng ngừa rủi ro biến động giá như cách các nước trên thế giới đang sử dụng. Mặt khác, các chuyên gia khuyến nghị nên chủ động tìm nguồn nguyên liệu thay thế ở trong nước.
Tổng cục Thống kê mới đây cũng lưu ý, doanh nghiệp cần tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao. Doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết giá nguyên liệu đầu vào ngành gỗ ở thị trường nội địa tăng 15-20%, nên dù doanh thu ngành gỗ tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận lại thấp. Đứng trước cơn bão tăng giá nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp gỗ đang tìm cách tận dụng nguyên liệu trong nước thay vì đặt mua ở thị trường nước ngoài.
Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư