Cơ hội lớn từ fintech, startup Việt Nam GIMO vừa được rót thêm 1,9 triệu USD vòng sau hạt giống
Cơ hội cho GIMO hiện rất rộng mở, tương ứng với sự phát triển mạnh của thị trường fintech, đặc biệt tại Việt Nam.
GIMO – công ty khởi nghiệp Việt Nam trong mảng fintech vừa huy động được 1,9 triệu USD vòng hạt giống, do Integra Partners dẫn đầu. Được biết, Integra Partners là quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore, tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Thương vụ còn có sự tham gia của các nhà đầu tư Resolution Ventures, Blauwpark Partners, và TNB Aura VN Scout.
Ông Nguyễn Anh Quân, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của GIMO cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp công ty thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam và Đông Nam Á.
“Lao động phổ thông là đối tượng dễ tổn thương nhất trước những bất ổn tài chính. Khi đối diện với các khoản chi đột xuất, họ không có nhiều giải pháp an toàn với chi phí phải chăng. GIMO mong muốn thay đổi thực trạng này. Chúng tôi tạo điều kiện để người lao động nhận trước phần lương kiếm được trong tháng, giúp họ an tâm công tác và tập trung cho những công việc quan trọng”, ông nói.
Ở khu vực Đông Nam Á, khoảng 290 triệu người không có hoặc ít có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ tài chính ngân hàng chính thống, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Ông Chris Kaptein, Giám đốc của Quỹ Integra Partners, cũng cho biết: “Integra Partners rất tự hào khi được hợp tác với hai nhà đồng sáng lập và toàn bộ đội ngũ của GIMO. Chúng tôi rất ấn tượng trước tầm nhìn của GIMO về việc cung cấp cho lao động phổ thông mô hình chi và nhận lương linh hoạt, cũng như đa dạng hoá những giải pháp tài chính mà họ có thể sử dụng. Chúng tôi tin rằng khả năng tiếp cận với các dịch vụ tài chính trách nhiệm, chi phí hợp lý là một trong các trụ cột của tăng trưởng bền vững và rất mong chờ được đồng hành cùng GIMO phục vụ tầng lớp lao động phổ thông của Việt Nam”.
Về GIMO, startup được được biết đến là một fintech với nền tảng ứng lương tức thì cho người lao động Việt Nam, từ đó cho phép người lao động có thể lĩnh lương sớm trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp. Công ty được sáng lập bởi hai doanh nhân 8x là Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Anh Quân vào cuối năm 2019.
Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng. Và điều quan trọng là mọi giao dịch đều minh bạch, cập nhật theo thời gian thực.
Đến nay, GIMO đã cung cấp giải pháp chi và nhận lương linh hoạt cho 25.000 lao động trên khắp Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ. Mức tăng trưởng số lượng người dùng mỗi tháng lên tới 130%. Về lâu dài, công ty dự kiến sẽ phát triển một nền tảng tài chính số giúp người lao động quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, không chỉ nhận lương linh hoạt mà còn có thể chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Trước đó, GIMO cũng thông báo gọi vốn thành công vòng hạt giống từ ThinkZone Ventures, BK Fund cùng một số nhà đầu tư thiên thần. Tuy nhiên, giá trị thương vụ chưa được các bên tiết lộ.
Theo các bên, cơ hội cho GIMO hiện rất rộng mở, tương ứng với sự phát triển mạnh của thị trường fintech, đặc biệt tại Việt Nam. Khi, theo báo cáo của “We are Social” có hơn 67% dân số trên toàn cầu sử dụng thiết bị di động để truy cập Internet với thời gian sử dụng trung bình khoảng 7h/ngày. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt với đặc điểm về nhân khẩu học (dân số trẻ, yêu thích công nghệ) cũng như tỷ lệ thanh toán tiền mặt còn khá cao.
Báo cáo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giai đoạn 2016-2020 số tài khoản cá nhân đạt tăng 46,2%; tổng lượng thẻ lưu hành tăng 37%; tổng số lượng giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng gần 80,3% về số lượng và 134,5% về giá trị… Đặc biệt, theo Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại Việt Nam, cổng thanh toán NAPAS và các công ty tài chính thống nhất đã ký kết thực hiện hoá mục tiêu chung.
Bảo An
Nguồn CafeF