Tái khởi động ngành du lịch: Chậm mà chắc
Nhiều tỉnh, thành đang ráo riết xây dựng phương án tái khởi động ngành du lịch.
Vừa qua, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã gây chú ý khi xin ý kiến Ủy ban Nhân dân thành phố phương án đón khách nội địa từ ngày 20/10/2021 và thí điểm đón khách quốc tế ngay từ tháng 11. Theo đó, từ tháng 11, chương trình “bong bóng du lịch” giữa thành phố Đà Nẵng với một số địa phương sẽ được thực hiện, đầu tiên là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ninh.
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng dự kiến bắt đầu với 2 nhóm khách gồm người nhập cảnh làm công vụ, thăm thân nhân, hồi hương... và khách du lịch trọn gói, khép kín với những thị trường đã mở cửa du lịch, áp dụng hộ chiếu vaccine, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga.
Sau đó, Đà Nẵng sẽ đón khách bình thường khi Chính phủ khôi phục đường bay quốc tế. Khách Hàn Quốc khi đi du lịch Việt Nam trở về thì không phải cách ly; khách Nga khi trở về sẽ cách ly 7 ngày. Một đơn vị Hàn Quốc đề xuất, nếu được cho phép sẽ đưa vào thành phố Đà Nẵng 200 khách và một số khách góp ở địa phương. Thị trường Nga sẽ đưa 2.000-4.000 khách/tháng.
Ngay sau Đà Nẵng, Khánh Hòa cũng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine trên các chuyến bay thuê bao trọn gói đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Bãi Dài ở huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh từ tháng 11/2021. Sau đó, ngành du lịch mở rộng ra các khu du lịch nằm trên đảo, có tính biệt lập và xa khu dân cư. Đồng thời, tỉnh ưu tiên đón khách quốc tế ở những nước đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, có thời gian nghỉ dưỡng dài ngày như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật...
Đề xuất hướng khai thác du lịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng, trước tiên là phục hồi khách nội tỉnh, các hoạt động, quy trình sẽ được áp dụng như thời điểm chưa bùng phát đợt dịch thứ 4; tiếp đến là đón khách nội địa và sau đó là khách quốc tế. Tuy nhiên, đón khách nội địa hiện đang thiếu quy trình chung giữa các ngành du lịch, giao thông, y tế. Trong đó, những vấn đề phát sinh là di chuyển như thế nào khi qua vùng có dịch, quy định về cách ly, đối tượng khách được phục vụ...
Chẳng hạn, từ tháng 9/2021, tỉnh Lâm Đồng đã cho phép đón khách du lịch nội tỉnh với 50% công suất. Tuy nhiên, với tâm lý phòng dịch cũng như những quy định, thủ tục rườm rà nên hoạt động du lịch tại địa phương này chưa có sự phục hồi rõ ràng. Du khách muốn đến Lâm Đồng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành và có hợp đồng bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch theo quy định... “Các địa phương mới dừng lại ở việc mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Do vậy, các địa phương nên thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay để du khách và doanh nghiệp có thể sớm trở lại”, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel, kiến nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, ngành du lịch cần tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản phục hồi. Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi đó là cơ sở phát triển lại ngành. Còn Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Đại học RMIT, cho rằng rất cần đối thoại và hợp tác cởi mở cũng như sự trung thực giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch. Những bên liên quan gồm Chính phủ, các hãng hàng không, chủ sở hữu và người điều hành các khách sạn, đại lý du lịch và công ty lữ hành, các ban cố vấn và các đơn vị quảng bá du lịch. Toàn bộ những người này đều phải tham gia vào quá trình mở cửa lại ngay từ đầu và đưa ra ý kiến của mình.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Saigontourist, cho biết Công ty đang tiếp tục làm việc với từng địa phương, từng điểm đến là “vùng xanh” để có kế hoạch phục vụ khách. Thành phố hoàn toàn có thể đàm phán với các tỉnh đang là “vùng xanh” để tạo thêm sản phẩm du lịch. “Nơi nào mở và sẵn sàng đón khách là chúng tôi làm việc ngay. Lúc này, du lịch dạng “bong bóng khép kín” nối 2 địa phương với nhau và du khách, người làm du lịch đã tiêm đủ vaccine sẽ là cơ sở để kiểm soát an toàn, cũng là điều kiện mở lại tour liên tỉnh”, ông Yên chia sẻ.
Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc khối SHG (Sun Hospitality Group), cho biết Sun Group đã chuẩn bị sẵn sàng với những đối tác hàng đầu thế giới, với quy trình phối hợp cùng chính quyền địa phương cho việc sẵn sàng đón khách bay charter (thuê bao nguyên chuyến). Ngày 11/10 vừa qua, lễ ký kết giữa Sun Group và The Ascott Limited (Ascott) đã chính thức khởi đầu mối quan hệ hợp tác giữa 2 tên tuổi lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam và thế giới, trong việc vận hành siêu dự án Khu phức hợp cao cấp đa chức năng Tây Hồ View tại Hà Nội.
Được biết, dịch bệnh COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch kể từ khi bùng phát vào năm ngoái. Trong năm 2020, tổng thu ngành du lịch Việt Nam đã giảm 59% so với năm 2019. Sang 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư