‘Lý thuyết sốt cà chua và mù tạt’: Chiêu tâm lý của các hãng fast-food

‘Lý thuyết sốt cà chua và mù tạt’: Chiêu tâm lý của các hãng fast-food

Nhiều hãng đã dùng chiến thuật tâm lý về màu sắc để âm thầm tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng trong nhiều năm qua.

Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra rằng không ít thương hiệu đồ ăn nhanh như McDonald’s, Pizza Hut hay Burger King đều sử dụng màu đỏ trong logo của mình. Và điều này không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu đỏ có tính kích thích, đem lại sự phấn khích, khẩn trương và liên quan đến sự vận động. Màu đỏ cũng có thể làm tăng nhịp tim của chúng ta, dẫn tới việc nhiều báo cáo khẳng định rằng nó có thể kích thích sự thèm ăn.

Các hãng đồ ăn nhanh đã sử dụng chiến thuật tâm lý về màu sắc để âm thầm tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng trong nhiều năm qua. Trọng tâm của các chuỗi đồ ăn nhanh không phải là một nơi thoải mái, nhàn nhã mà là nơi bạn có thể đến và đi nhanh chóng sau khi mua đồ ăn. Do đó, còn màu nào phù hợp hơn màu đỏ – vốn thể hiện sự khẩn trương, năng động?

‘Lý thuyết sốt cà chua và mù tạt’: Chiêu tâm lý của các hãng fast-food

Màu đỏ và vàng gần như “thống lĩnh” trên logo của các hãng đồ ăn nhanh

Bên cạnh đó, màu đỏ rất dễ thu hút, đặc biệt là từ xa. Gần đường cao tốc có rất nhiều cửa hàng thức ăn nhanh và nếu chọn màu nhạt nhoà, thương hiệu sẽ không nổi bật.

Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ hàng nghìn năm trước. Người bình thường có thể nhìn thấy rất nhiều màu nhưng màu đỏ đặc biệt hơn cả. Đây là một trong những màu đầu tiên mà tổ tiên loài người nghĩ rằng nó đủ quan trọng để đặt một cái tên.

Vậy nên, chúng ta có kết nối sâu hơn với màu đỏ so với các màu khác trong quang phổ và phản ứng với màu này theo đúng cách mà các hãng đồ ăn nhanh mong muốn. Ở một khía cạnh nhất định, tiềm thức của chúng ta phản ứng tích cực và mãnh liệt với màu đỏ một phần do nguyên nhân từ xa xưa. Cuối cùng, dù có 5 giác quan nhưng 80% thông tin mà não bộ chúng ta xử lý hàng ngày đều đến từ đôi mắt.

Ngoài màu đỏ, vàng cũng là màu được nhiều thương hiệu chọn làm màu trong logo. Theo tâm lý học, vàng là màu có liên kết với cảm giác mãn nguyện, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng và thoải mái.

‘Lý thuyết sốt cà chua và mù tạt’: Chiêu tâm lý của các hãng fast-food

Màu đỏ thể hiện sự ham muốn, quyền lực và tình yêu. Khi kết hợp với nhau, chúng ta có một bộ đôi “quyền lực”. Các chuyên gia marketing gọi sự kết hợp này là “Lý thuyết sốt cà chua và mù tạt”. Người tiêu dùng phần nào bị ảnh hưởng trong tiềm thức mỗi khi nhìn thấy logo đỏ – vàng của một hãng đồ ăn nhanh, rằng họ đói bụng và cần mua một bữa ăn ngon tại đó.

Vàng và đỏ không phải những màu duy nhất được sử dụng để tác động tới người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tốt cho sức khoẻ thường có xu hướng chọn những màu như xanh lá cây và màu đất. Logo của của Subway, Starbucks và Whole Foods đều có những màu này. Marketing là kết nối với người tiêu dùng về cảm xúc, khai thác nỗi bất an, ước mơ và kì vọng của họ. Màu sắc đóng vai trò hàng đầu do cách mọi người xử lý chúng trong tiềm thức”, một chuyên gia marketing cho biết.

Màu sắc dễ nhận biết là yếu tố then chốt trong việc nhanh chóng chọn mua sản phẩm của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của tạp chí Management Decision, người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định về sản phẩm nhanh hơn 62% - 90% chỉ dựa vào màu sắc. Do đó, không có lý do gì mà các hãng đồ ăn nhanh lại không chọn đỏ hoặc vàng làm màu trên logo của mình để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Mộc Tiên
Nguồn CafeF