Chuyến vượt bão của "bếp ảo" Food Ngon

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

Lúc Food Ngon quyết định vẫn tiếp tục “đỏ lửa” trong khi rất nhiều đồng nghiệp ở ngành F&B đã “nghỉ khoẻ” đầu tháng 7/2021, mục đích chỉ là để phục vụ công tác thiện nguyện của bản thân và gia đình/ bạn bè, hỗ trợ thành phố chống dịch. Nhưng sau đó, họ tình cờ có mối đặt cơm B2B từ các bệnh viện và doanh nghiệp làm việc “3 tại chỗ”, rồi thậm chí có những đồng lời đầu tiên.

Food Ngon là dự án startup với mô hình kinh doanh kiểu cloud kitchen, ra mắt trong mùa dịch vào năm 2020.

Điều khác biệt lớn nhất của Food Ngon so với các mô hình cloud kitchen trên thị trường ở thời điểm hiện tại, đó là thay vì cho thương hiệu F&B đã thành danh trên thị trường thuê bếp hoặc ăn chia trên doanh thu/ lợi nhuận với các chủ cửa hàng, thì startup này tự làm từ A đến Z. Tức là, Food Ngon làm ra bếp trung tâm không phải để cho thuê, mà mình tự nấu nướng.

Food Ngon được sáng lập bởi Lê Trưởng – Founder của muabannhadat.com.vn – từng là website về bất động sản lớn thứ hai tại Việt Nam; thêm Co-founder Hoàng Quân – cựu chuyên gia của Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo VinAI, người đang lo tất cả những vấn đề về công nghệ của dự án.

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

Do Lê Trưởng vẫn đang “mắc kẹt” ở Úc, nên việc quản lý toàn bộ dự án tại Việt Nam do Hoàng Quân cáng đáng, Lê Trưởng sẽ đóng vai trò là người cố vấn. Với đội ngũ đầu bếp dày dặn kinh nghiệm từ các khách sạn 4-5 sao, hiện Food Ngon đã sáng tạo ra 18 thương hiệu ẩm thực – từ Âu đến Á.

Dù là người mới trên thương trường, song bởi các nhà sáng lập của Food Ngon không phải là “tay mơ” trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhờ vậy startup này đã có màn trình diễn đáng để nhiều thương hiệu F&B học tập trong vài tháng vừa qua.

Sau khi TP.HCM ra lệnh cấm bán sản phẩm đã chế biến sẵn đầu tháng 7, Food Ngon vẫn kiên gan ôm “súng ống” ra trận, mục tiêu là để nhân viên mình tiếp tục có việc làm và thu nhập, đồng thời hỗ trợ nấu các suất ăn từ thiện, sát cánh cùng TP.HCM chống dịch. Nhưng theo thời gian, với nhiều cơ duyên khác nhau, Food Ngon chính thức dấn thân vào mảng B2B. “Ở hiền gặp lành” là có thật.

Qua đại dịch lần này, Co-founder Hoàng Quân quyết định, trong tương lai, họ sẽ đi với 2 chân là B2C và B2B, thay vì chỉ B2C như trước.

Từ lòng trắc ẩn tới mô hình B2B

* Tâm trạng của các lãnh đạo Food Ngon như thế nào khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ngày càng căng thẳng, đặc biệt là anh Trưởng còn đang ở nước ngoài? Khi chỉ thị cấm bán thức ăn làm sẵn, vì sao Food Ngon không đóng cửa như các cloud kitchen khác, mà vẫn tiếp tục “đỏ lửa”?

Tại thời điểm đó, khi dịch trở lại, doanh thu xuống, anh em rất lo lắng vì có nhiều thứ ngoài tầm kiểm soát, chỉ có thể cố gắng tập trung vào những thứ trong khả năng của mình, ví dụ như quản lý chi phí tốt hơn, đảm bảo tuân thủ 5K và đặc biệt chủ động cho nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” từ trước khi có lệnh giãn cách để giảm thiểu rủi ro.

Khi có lệnh cấm bán thức ăn làm sẵn, một câu hỏi đầu tiên là có đóng cửa để cắt giảm chi phí hay không? Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định giảm lương nhân viên 30% bởi 2 lý do.

Đầu tiên, giảm lương nhiều hơn nữa thì cũng thương nhân viên, nên trước mắt cứ thế, đợi 2 tuần sau (khoảng thời gian cấm theo kế hoạch ban đầu), tuỳ theo diễn biến để quyết định tiếp.

Thứ hai, từ tháng 5, Food Ngon đã nấu cơm từ thiện, phát miễn phí cho người nghèo xung quanh. Đến lúc có lệnh cấm thì gia đình và mấy anh em Founder cũng bỏ tiền túi làm từ thiện.

Một số bạn bè muốn làm từ thiện mà không biết đóng góp ở đâu cũng gửi cho Food Ngon nấu cơm. Họ tự nguyện gửi tiền, rau củ... mà không phải do công ty kêu gọi làm từ thiện.

Lúc tình hình dịch lên cao trào, chúng tôi thấy rằng chuyện sinh tử thật sự mong manh và cũng không còn nghĩ gì đến chuyện thua lỗ, cảm thấy giúp được mọi người chút nào thì hay chút đó. Do đó, Food Ngon vẫn tiếp tục duy trì để nấu cơm từ thiện, khi đó cũng phát tầm 300 phần ăn mỗi ngày. Theo đó, đã có hơn 40.000 phần cơm yêu thương xuất phát từ các bếp ăn của Food Ngon được gửi đi khắp nơi tại TP.HCM trong hơn 4 tháng qua.

Có 1 điểm khác biệt giữa Food Ngon và các cloud kitchen khác đó là Food Ngon theo mô hình vertical integration. Như các cloud kitchen khác, nếu người thuê bếp không bán được thì họ chủ động đóng cửa, cloud kitchen không kiểm soát được. Food Ngon không cho thuê bếp mà tự nấu đồ ăn và xây dựng nhiều thương hiệu, nên có thể linh hoạt trong thời gian dịch, từ việc chủ động cho nhân viên bếp thực hiện 3 tại chỗ, đến chuyển sang làm từ thiện và sau đó là B2B.

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

* Vậy Food Ngon đã có những đơn hàng B2B đầu tiên như thế nào?

Với kênh bệnh viện, lúc đầu có đoàn bác sỹ từ Quảng Ninh vào, họ không ăn được cơm của đơn vị cung cấp hiện hữu, nên muốn tìm đơn vị cung cấp mới. Tình cờ đơn vị từ thiện quen bố mẹ anh Trưởng, nên giới thiệu họ đến Food Ngon, sau đó bố mẹ anh Trưởng đã hỗ trợ miễn phí phần ăn hoàn toàn cho đoàn.

Đoàn bác sỹ Quảng Ninh rất hài lòng với các phần cơm do Food Ngon chuẩn bị. Thậm chí, khi tỉnh Quảng Ninh gửi rau củ vào hỗ trợ, đoàn bác sỹ đó còn tặng lại cho Food Ngon.

Sau này khi dịch lên cao trào, mọi người không được ra khỏi nhà, thì Food Ngon cũng không phát cơm từ thiện phía trước mặt bằng của mình được nữa, nên đã liên hệ với nha sĩ Đoan – 1 người anh Trưởng quen biết lâu năm, để làm cầu nối cho Food Ngon có thể tặng cơm, hỗ trợ các y bác sĩ của nhiều bệnh viện khác nhau. Vì mọi người được ăn cơm ngon, chỉn chu, nên rất quý trọng tình cảm từ Food Ngon.

Một lần nọ, tình cờ có 1 bác sĩ ở bệnh viện Bình Chánh thấy hộp cơm chỉn chu của Food Ngon, nên đã liên hệ nhờ chúng tôi nấu suất ăn cho bệnh nhân, do nhà cung cấp hiện hữu của bệnh nhân có người dương tính với COVID-19, buộc phải đóng bếp. Đợt đầu tiên, họ đề nghị Food Ngon làm giúp 1.200 phần và nhờ phản hồi tốt, chúng tôi được nhận nấu hàng ngày luôn.

Và cùng lúc đó, một số bệnh viện khác trên địa bàn TP.HCM cũng bắt đầu đặt cơm cho cán bộ nhân viên của mình ở Food Ngon. Còn với các doanh nghiệp như Grab, Sacombank, Vietcombank, ACB… thì Food Ngon tiếp cận được nhờ một số đối tác giới thiệu giúp.

Ngoài ra, sở dĩ nhiều khách hàng B2B tìm đến với Food Ngon là bởi trong thời gian dịch căng thẳng, có rất ít nơi cung cấp suất ăn và khi khách hàng không hài lòng với đơn vị cung cấp hiện hữu, họ tìm đối tác mới và cơ hội rơi vào tay chúng tôi. Và như đã nói ở trên, nhờ chất lượng đảm bảo – giá tốt nên Food Ngon giữ được những khách hàng này.

* Food Ngon đã có những điều chỉnh gì trong quy trình hoặc nhân sự khi chuyển từ B2C sang B2B?

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

Giai đoạn này, thì mô hình cũng thay đổi do nấu ít món hơn với số lượng lớn. Hoạt động bếp đổi sang quy trình theo dây chuyền, mỗi ngày chúng tôi có thể nấu đến 3.000 phần.

Food Ngon cũng đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống dịch. Chúng tôi cho nhân viên thực hiện 3 tại chỗ, do Food Ngon có nhiều phòng ngủ riêng chăn nệm đầy đủ, 2-3 người ngủ 1 phòng đúng theo khoảng cách quy định. Food Ngon cũng cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân viên như vitamin, thuốc rửa mũi, thuốc xúc họng.

Để hạn chế nhân viên ra đường, Food Ngon dựa vào các công ty vận chuyển cũng như các tình nguyện viên hỗ trợ để giao những phần cơm đến tuyến đầu.

* Có thể tưởng tượng như thế này, lực lượng 3 tại chỗcủa Food Ngon trong vài tháng qua giống như đang sống trên một hoang đảo, ngoài giao tiếp với các đối tác đầu vào – đầu ra, thì không ai nữa. Vậy lãnh đạo đã có những động thái gì để ổn định tinh thần, khiến nhân viên không đòi về hoặc quá bức bối khi sống lâu trong một không gian hẹp?

Có thể là nhờ mặt bằng của Food Ngon khá lớn nên mọi người ở lại vẫn sinh hoạt thoải mái; chỗ ăn ngủ gì cũng tiện nghi như đang ở nhà.

Bên cạnh đó, do nhân viên của bếp cũng rất tâm huyết với chuyện nấu cơm từ thiện tiếp sức cho tuyến đầu, nên tất cả đều cảm thấy đây là một sứ mệnh quan trọng và đồng lòng cùng nhau vượt khó. Lãnh đạo cũng thường xuyên chia sẻ lại những feedback từ bệnh nhân hay y bác sỹ, những lời cảm ơn, những lời khen từ bệnh viện hay công ty, nên cũng tiếp thêm động lực cho mọi người.

Nhất là khi nghe bên ngoài có rất nhiều lời đồn về đồ ăn không đủ chất lượng và những hình ảnh chưa đẹp về những suất ăn cho lực lượng tuyến đầu, trong khi họ đang căng mình hy sinh tất cả cho cộng đồng; tập thể Food Ngon càng quyết tâm chăm chút cẩn thận từng suất ăn đi ra từ tay mình.

Vậy nên, tinh thần của team Food Ngon trong 3 tháng cao điểm đại dịch thực hiện “3 tại chỗ” rất tốt, do họ không những vẫn có việc làm mà những việc làm của mình còn tạo giá trị lớn cho cộng đồng, rồi vẫn có thu nhập và được tiêm vaccine đầy đủ.

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

* Trong vài tháng qua, thực phẩm thường xuyên khan hiếm nên vừa thiếu vừa mắc. Giải pháp của Food Ngon để bảo đảm luôn có nguyên liệu tươi ngon phục vụ cho khách hàng với giá khiến khách có thể chấp nhận được?

Có lẽ là do may mắn, nên ngay từ đầu chúng tôi đã chọn những nhà cung cấp có nguồn lực tốt, nên họ vẫn duy trì hoạt động – giao đầy đủ nguyên liệu trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, ví dụ như MM Mega Market hay 1 hợp tác xã nông sản lớn nhất ở Long An.

Thoát lỗ và có những đồng lời đầu tiên

* Mô hình B2B đã giúp Food Ngon không những chèo chống được qua mùa dịch mà còn có những đồng tiền lời đầu tiên cụ thể như thế nào?

Sự thật thì lúc ban đầu quyết định vẫn mở bếp, chúng tôi không nghĩ tới việc bán hàng qua kênh B2B mà chỉ nấu cơm từ thiện hay hỗ trợ nấu cơm cho các y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu. Nhưng sau đó, tình cờ có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, nên bắt đầu tìm thêm khách hàng thông qua các đối tác và nấu khoảng 800-1.000 phần mỗi ngày.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tin cậy và cũng dần đặt hợp đồng nấu cơm cho bác sĩ hay bệnh nhân. Nhờ đó, Food Ngon đã đạt được những thành quả hơn mong đợi, bắt đầu có lời một ít chứ không lỗ như trước dịch.

Chuyến vượt bão của bếp ảo Food Ngon

Co-founder Hoàng Quân

* Trong thời gian sắp tới, liệu Food Ngon có chuyển sang hẳn B2B hay quay trở lại B2C hoặc đi cả 2 chân”?

Trước đây, B2B là một mảng rất khó vì Food Ngon không có quan hệ cũng như đội ngũ sales để thâm nhập mảng này. Tuy nhiên, thời gian qua đã giúp Food Ngon tạo dựng quan hệ và niềm tin với một số doanh nghiệp. Nhu cầu đặt cơm văn phòng cho nhân viên cũng cao hơn trong thời gian tới, nên Food Ngon dự định vẫn sẽ tiếp tục tập trung phát triển mạnh mảng này.

Tuy nhiên, B2C vẫn là mảng cốt lõi của Food Ngon và đang dần hoạt động trở lại. Trong tương lai gần, mảng này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua giảm, tâm lý sợ lây nhiễm khi đặt đồ cũng như khó khăn ở lực lượng shipper.

* Những kinh nghiệm lớn nhất mà ban lãnh đạo Food Ngon thu lượm lại được khi trải qua 3 tháng sóng gió vừa qua? Và liệu nó có khiến Ban lãnh đạo lần nữa suy nghĩ lại về mô hình và chiến lược kinh doanh đã đề ra trước đó?

Như mọi doanh nghiệp khác, đúng là chúng tôi đã thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất, khâu cung cấp nguyên liệu rất quan trọng. Từ tháng 5/2021, Food Ngon đã dự đoán là tình hình sẽ ngày càng phức tạp, nên đã bắt đầu tích trữ những nguyên liệu có thể để lâu; rồi may mắn là những đối tác mà chúng tôi lựa chọn hợp tác trước đó, vẫn tiếp tục cung cấp nguyên vật liệu trong suốt 3 tháng qua.

Thứ hai, làm gì cũng cần xuất phát từ cái tâm. Food Ngon không đóng cửa khi có chỉ thị cấm bán thức ăn làm sẵn, một phần vì thương nhân viên, một phần vì muốn tiếp tục làm từ thiện. Và việc đội ngũ nhân viên tâm huyết tập trung vào chất lượng, giúp mở ra cơ hội cho mảng B2B.

Thứ ba, B2B là một thị trường hấp dẫn. Food Ngon vẫn đang cố gắng tìm thêm khách hàng ở mảng này. Tuy nhiên, phần quan trọng không kém chính là chất lượng món ăn – yếu tố giúp giữ khách và tạo tiền đề cho tăng trưởng.

Cuối cùng, 3 tháng sóng gió qua càng củng cố niềm tin vào mô hình vertical integration cũng như chiến lược đã đề ra trước đó. B2C thời gian tới sẽ khó khăn, nhưng 2 năm, 5 năm, 10 năm tới sẽ vẫn có nhu cầu ăn uống, dù là ăn tại chỗ hay giao hàng, Food Ngon đều có thể đáp ứng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, B2B sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi.

* Cảm ơn anh!

Quỳnh Như
Nguồn CafeF