Mobile Money đến sau còn lại gì?

Mobile Money đến sau còn lại gì?

Chen chân vào thị trường thanh toán đã chật chội, mobile money (tiền di động) sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Ông Đào Minh Tú, Phó Tổng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết dịch vụ mobile money sẽ được triển khai trong tháng 10 này. Việc thí điểm dịch vụ sẽ được triển khai đồng bộ cả nước, với thời gian thí điểm là 2 năm. “Sau thời gian thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này”, ông Tú nói.

Theo Cục Viễn thông, cả nước hiện có hơn 125 triệu thuê bao và 90% thị phần thuộc về Viettel, VinaPhone và MobiFone. Thị trường đã đạt điểm bão hoà và doanh thu viễn thông truyền thống đang giảm dần qua các năm. Đây là tình hình chung của ngành viễn thông toàn cầu và các nhà mạng đang chuyển hướng. Trong đó, mobile money là một trong các nhánh kinh doanh mới. Chính vì thế, quyết tâm gia nhập thị trường này của các nhà mạng là đã rõ sau khi bị lỡ lần ra mắt hồi tháng 8 năm nay.

Trước khi mobile money gia nhập, thị trường thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đang là sân chơi của các công ty fintech, điển hình là ví điện tử và ngân hàng. Với kênh ngân hàng, theo McKinsey, đa số khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, cả dịch vụ số và chi nhánh vật lý. Nghiên cứu cho thấy các ngân hàng chưa làm đủ để nắm bắt doanh số qua kênh kỹ thuật số, do hạn chế về các sản phẩm dịch vụ số và thiếu tương tác gắn kết với người sử dụng.

Mobile Money đến sau còn lại gì?

Trong khi đó, các công ty fintech có mức độ thâm nhập dịch vụ đạt 56% vào năm 2021, cao hơn mức trung bình 54% ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhóm này đầu tư rất mạnh vào hệ sinh thái để giữ chân người dùng, dễ dàng nhận ra nhóm ví điện tử phổ biến nhất đều đầu tư rất mạnh vào các dịch vụ có tần suất sử dụng thường xuyên trên mạng như mua sắm, di chuyển, đặt đồ ăn.

Xét về quy mô vốn, dù chống lưng cho các ví điện tử đều là những quỹ đầu tư lớn nhưng vẫn thua xa nếu so với tiềm năng của các nhà mạng. Tuy nhiên, nên nhớ rằng thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử là các sân chơi đòi hỏi tính sáng tạo cao, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cũng phải từ bỏ cuộc chơi.

Với vị thế là người đến sau, mobile money của các nhà mạng sẽ làm gì để chen chân vào thị trường cạnh tranh khốc liệt? “Trong giai đoạn đầu, việc các nhà cung cấp sẽ phải bù lỗ cho mobile money là điều khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT), nhận định khi không thể thu phí được từ các dịch vụ nhỏ như thanh toán cốc trà, mua sắm, ăn uống... Được biết, các doanh nghiệp viễn thông dự kiến đầu tư cho mobile money sẽ không dưới 1.000 tỉ đồng.

Nếu chọn giải pháp cạnh tranh, các nhà mạng sẽ khó tránh khỏi việc phải đầu tư mạnh vào hệ sinh thái để thu hút người sử dụng. Thực tế, các ví điện tử không sở hữu hệ sinh thái mua sắm hay giao nhận thực phẩm đang ráo riết đầu tư để đưa ra các giải pháp mới.

Điển hình như MoMo, sau khi mua lại công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo để cung cấp dịch vụ sản phẩm được cá nhân hoá dựa trên nhu cầu người dùng, đã hợp tác với TPBank đưa ra dịch vụ Ví trả sau. Đây là hình thức thanh toán trước, trả tiền sau với 3 hạn mức là 1 triệu đồng, 3 triệu đồng và 5 triệu đồng. Với mỗi hạn mức, hạn thanh toán sẽ tương ứng ngày 5, ngày 10, ngày 15 của tháng liền kề.

Mobile Money đến sau còn lại gì?

Tương tự, VNG cũng đầu tư 6 triệu USD vào nền tảng tặng quà trực tuyến Got It để đưa dịch vụ quà tặng cá nhân vào ZaloPay. Mô hình này đã được KakaoTalk (Hàn Quốc) và WeChat (Trung Quốc) áp dụng rất thành công.

Với các nhà mạng, Viettel đang sở hữu nhiều lợi thế so với 2 nhà mạng còn lại khi sở hữu sàn thương mại điện tử Vỏ sò và ứng dụng đặt xe Mygo. Tuy nhiên, công ty cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để gia tăng độ phổ biến của các dịch vụ này.

Ngược lại, nếu chọn giải pháp hợp tác, với lợi thế về độ phủ lớn của các nhà mạng, mobile money có thể giúp việc thanh toán trực tuyến dễ dàng hơn ở vùng nông thôn, từ đó giúp các sàn thương mại điện tử vươn tới khu vực này.

Ông Hoàng Quốc Quyền, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, cho biết, thương mại điện tử hiện chỉ phủ 20% dân số, vốn ở khu vực thành thị; 80% dân số còn lại ở các vùng nông thôn chưa được phục vụ. Các yếu tố khiến thương mại điện tử khu vực nông thôn chưa phát triển là nhận thức, hạ tầng dịch vụ giao nhận và thanh toán chưa phát triển. Hai trong số đó đã được đầu tư, riêng hạ tầng thanh toán khá phức tạp do việc sở hữu tài khoản ngân hàng chưa nhiều.

Đại diện của ví điện tử ZaloPay cho rằng, xét về độ phủ, các ví điện tử thông thường sẽ tập trung vào khai thác đối tượng khách hàng ở những thành phố lớn, còn mobile money hướng tới thúc đẩy tài chính toàn diện nên sẽ tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền cho các đối tượng khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng và ví điện tử. Vì vậy, với mobile money, các nhà mạng có thể bắt tay với những sàn thương mại điện tử đẩy nhanh tốc độ thâm nhập thương mại điện tử tại khu vực nông thôn trong thời gian tới.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư