World Bank ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2-2,5%
World Bank ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2-2,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo 4,8% mà đơn vị này từng công bố hồi tháng 9.
Theo thông tin cập nhật từ Ngân hàng Thế giới – World Bank về tình hình kinh tế Việt Nam, mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý III suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước); và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế.
Tuy nhiên, theo World Bank, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, World Bank nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động.
Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khoá mở rộng và sử dụng các công cụ tài khoá khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Thứ hai là mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho người lao động cả nhóm chính thức lẫn phi chính thức, cũng như các hộ gia đình. Nhờ vậy, người lao động có thể vượt qua khó khăn, sớm quay lại sản xuất bình thường.
Thứ ba, Việt Nam cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú.
Trước đó, trong Báo cáo được World Bank công bố ngày 28/9 giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 8 về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 là 4,8%. Tính toán này dựa trên giả định Việt Nam kiểm soát được lây nhiễm COVID-19 vào cuối quý III để nền kinh tế bật lại trong quý IV; kinh tế toàn cầu duy trì đà hồi phục, đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ở những thị trường chủ lực như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, World Bank cho rằng quá trình phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng chiến dịch tiêm chủng diện rộng giúp 70% dân số trưởng thành được tiêm vaccine vào giữa 2022, giúp ngăn ngừa các đợt dịch nghiêm trọng mới. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý, các dự báo còn phụ thuộc vào những rủi ro bao gồm dịch bùng phát dịch kéo dài, gây gián đoạn hoạt động kinh tế.
World Bank nhận xét, trong thời gian còn lại của 2021, chính sách tiền tệ được kỳ vọng tiếp tục nới lỏng và cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ. Chính sách tài khoá sẽ mang tính hỗ trợ hơn thông qua đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt sau khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Hải Bằng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư