Vinamit đơn độc chống “bão” thâu tóm

Là một trong số hiếm thương hiệu Việt còn đứng vững trước cơn bão thâu tóm từ vốn ngoại, ông chủ của Vinamit thừa nhận chống lại xu thế này rất khó khăn và cần phải có sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhà nước.

Chọn sản phẩm mang bản sắc Việt

Ngồi nói chuyện với chúng tôi về việc gây dựng thương hiệu, ông Viên không dưới chục lần nhắc đến cụm từ "bản sắc Việt Nam", và tự hào đó là khởi nguồn cũng như động lực để xây dựng thành công thương hiệu Vinamit.

Bắt đầu nổi lên vào năm 2004, nhưng ít ai biết từ khoảng cuối năm 1989 đầu 1990, ông Viên đã khăn gói qua Đài Loan học công nghệ sấy chân không áp dụng trong chế biến nông sản và đã có ý tưởng chọn trái mít, sau thêm khoai lang, khoai môn, chuối, xoài... để chế biến và xuất khẩu.

Đề án tốt nghiệp khóa học ở Đài Loan của ông là mít. Đối với ông, mít là một cây xóa đói giảm nghèo. Cũng bởi cây mít dễ trồng, hạt quăng ra vườn là sẽ có cây mọc lên. Cây mít cho người trồng tất cả: múi mít đưa vào ăn tươi hoặc chế biến đều giữ được mùi thơm độc đáo riêng; vỏ, ruột và hạt mít làm thức ăn gia súc hoặc phân bón; gỗ mít làm đồ mỹ nghệ.

Vinamit đơn độc chống “bão” thâu tóm

"Bản sắc của Việt Nam là nông nghiệp. Anh ra ngoài thế giới nói Việt Nam sản xuất ô tô thì người ta không tin, anh nói sản xuất mỹ phẩm thì người ta cũng xem xét lại, nhưng nếu anh nói anh chế biến sản phẩm nông nghiệp thì người ta tin hoàn toàn là của Việt Nam. Bản sắc là ở đó và Vinamit đi bằng bản sắc đó", ông Viên chia sẻ.

Nghĩ khác, làm khác

Kết thúc khóa học, ông Viên đầu tư thiết bị chế biến trái cây sấy khô và cho ra lò hai mặt hàng đầu tiên là mít và chuối sấy khô, rồi đích thân đem sản phẩm đi tìm khách hàng. Thời ấy, doanh nghiệp Việt Nam hầu như vẫn còn thói quen chờ khách hàng tìm đến, nhưng ông nghĩ và làm ngược lại.

Vinamit được mang sang chào hàng ở các chợ đầu mối bên Đài Loan, nhưng các bạn hàng lắc đầu do họ chưa biết. Ông đành phải mang ra bày bán tại vỉa hè. Các bà nội trợ Đài Loan xúm nhau nếm thử và bị thuyết phục, họ thêm vào trong giỏ hàng hóa của mình gói Vinamit. Các nhà buôn chứng kiến cảnh đó và không bỏ lỡ cơ hội. Vậy là Vinamit tìm được chỗ đứng ở thị trường này.

Sang Trung Quốc, ông lại đưa sản phẩm của mình tới khách hàng trên những chuyến xe lửa, với suy nghĩ hành khách có thêm một món nhâm nhi để vơi nỗi mệt đường dài. Và rồi những chuyến xe lửa đã đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.

Miệt mài sau nhiều năm, bây giờ thì nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống, nơi đó có sản phẩm của Vinamit. "Chiến lược của Vinamit là đánh từ ngoài vào, khi thị trường nước ngoài biết đến nhiều thì chúng tôi mới đồng loạt quảng bá trong nước. Lúc đó nhiều người còn lầm tưởng Vinamit là sản phẩm của nước ngoài, nhưng sự thật là thương hiệu Việt 100%", ông Nguyễn Lâm Viên kể.

Chiến trường đơn độc

Thương hiệu Vinamit đã có chỗ đứng vững chãi trên thị trường, nhưng ông Nguyễn Lâm Viên vẫn không hết những trăn trở. "Xây dựng thương hiệu khó thật, nhưng không khó bằng việc giữ được thương hiệu. Khi xây dựng thì chúng ta nỗ lực chinh phục, lúc đó không ai ăn cắp, không ai nhái, không ai nghĩ đến chuyện thôn tính hay lật đổ anh. Nhưng khi anh nổi tiếng rồi thì người ta sẽ nghĩ đến việc làm sao để làm nhái, làm giả của anh, làm sao để lật đổ anh và làm sao để thôn tính anh. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Vinamit đã trải qua những cuộc chiến nhiều năm để chống hàng nhái, hàng giả, để giành lại thương hiệu tại thị trường nước ngoài. Còn trong nước, xu hướng hiện tại nếu không chấp nhận chia sẻ thì sẽ bị "đạp chết", bắt buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc. Nếu khôn ngoan thì liên doanh bằng phần sản xuất mà không liên doanh thương hiệu, còn không thì phải bán hết, hoặc chia bớt lợi nhuận.

Vinamit đơn độc chống “bão” thâu tóm

Năm 2007, chúng tôi đã từng bán 20% cổ phần cho Quỹ đầu tư nước ngoài Indochina Capital nhưng chỉ sau đó vài tháng tôi đã trả lại tiền cho họ vì quỹ đầu tư này thể hiện rõ ý muốn sở hữu công ty hơn là muốn cùng Vinamit đi một chặng đường dài", ông Viên chia sẻ.

Cũng theo ông Viên "Doanh nghiệp đang rất đơn độc, đang rất yếu đuối trên đất nước mình". "Hiện các thương hiệu hoàn toàn do Việt Nam làm chủ như Vinamit còn rất ít. Thương hiệu Việt có còn hay không? Tôi khẳng định rằng rất mong manh, chỉ còn một số chủ DN có ý chí quyết tâm cao là còn trụ được.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, nếu tiếp tục để cho DN Việt đơn độc trong cuộc chiến thâu tóm thì đến một ngày, chúng ta sẽ thấy vẫn là thương hiệu VN, công nhân VN, nguyên liệu VN nhưng ông chủ không phải người VN, lợi nhuận thu được không phải của người VN. Đối với Vinamit, gần đây đã có những lời chào mời hợp tác, chia sẻ cổ phần hoặc thương hiệu với giá trị gấp mười lần, nhưng tôi không bán. Đến bây giờ cá nhân tôi vẫn đang nắm đến 98% cổ phần...", ông Viên nói.

Nguồn Chiến lược Marketing