Luật chơi mới của Insurtech
Insurtech kỳ vọng giải quyết triệt để những rào cản dịch vụ bảo hiểm đến với khách hàng.
Thị trường đang tăng trưởng tốt và tỷ lệ người sử dụng bảo hiểm vẫn còn thấp là lý do các công ty Insurtech (công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm) ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ được chú ý nhiều hơn trong thời gian tới.
Làn gió mới Insurtech
Mới đây, VinaCapital Ventures đã công bố đầu tư vào Global Care, một Insurtech thành lập từ năm 2017. Global Care đang cung cấp một giải pháp công nghệ hoàn chỉnh cho hơn 10 kênh phân phối lớn và 200.000 đại lý bảo hiểm. Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital Ventures, cho rằng: “Global Care cung cấp một sản phẩm giải quyết được điểm nghẽn quan trọng trong dịch vụ bảo hiểm, với kế hoạch kinh doanh rất rõ ràng và thực tế, có tiềm năng mở rộng quy mô”.
Ở Việt Nam, các Insurtech bắt đầu phát triển mạnh khoảng 3 năm trở lại đây và ngoài Global Care, thị trường Insurtech ở Việt Nam cũng khá nhộn nhịp khi có ít nhất 5 cái tên tham gia như Inso (trực thuộc NextTech), SaveMoney (VIISA), Papaya (nhận 1 triệu USD đầu tư từ Grab Ventures Ignite), OPES (có cổ đông là VPBank) và JetCare...
Trên thế giới, theo nghiên cứu của Sheehan (năm 2020), trong đại dịch COVID-19, mức độ tin tưởng của người tiêu dùng vào các công ty công nghệ lớn đã tăng lên. Nếu như năm 2016 chỉ có 17% người được khảo sát là chủ hợp đồng sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm với các công ty công nghệ lớn (Big Tech), thì đến quý IV/2020 con số này đã tăng lên 44%.
Tương tự, tại Việt Nam, Insurtech cùng hàng loạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm đã và đang được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn và doanh thu thị trường tiếp tục tăng trưởng 2 con số bất chấp khó khăn do dịch bệnh. Phần lớn các Insurtech Việt Nam hiện chỉ kết nối khách hàng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, vì đây là nhóm có giá trị hợp đồng thấp và không cần quá nhiều tư vấn.
Báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, tính đến hết tháng 6/2021, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 29.565 tỉ đồng, tăng trưởng 9,21% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Công ty Chứng khoán KBSV, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam năm 2019 chưa đến 3%, kém hơn 3 lần so với các thị trường phát triển. Việc mở rộng thị phần phụ thuộc rất lớn vào kênh bán hàng và ứng dụng công nghệ, cụ thể là kết hợp với các Insurtech, là cách các hãng bảo hiểm đang kỳ vọng tạo đột phá trong thời gian tới khi các kênh vật lý như ngân hàng và đại lý bán lẻ đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Lấy ví dụ như JetCare, dù chỉ mới thành lập 1 năm, nhưng đơn vị này hiện là đối tác phân phối bảo hiểm cho Lalamove, Be Group, LoShip, Atalink... trong thời điểm dịch bệnh và chỉ 5 nhân viên thực hiện công việc đó.
Đối tác hay đối thủ?
Dư địa tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn lớn, bởi vì tiềm năm của thị trường vào khoảng hơn 18,3 tỉ USD (khoảng 7% GDP), nhưng chỉ mới khai thác được 8,3 tỉ USD, xấp xỉ 3% GDP. Insurtech thay đổi phương thức chào bán bảo hiểm, cũng như chăm sóc khách hàng tại Việt Nam, qua đó giúp thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Việt Nam là thị trường với dân số trẻ, thích công nghệ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Các Insurtech thế giới đang vẽ ra bài toán sử dụng công nghệ để đưa ra sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với từng đối tượng. Còn ở Việt Nam, Insurtech phần lớn chỉ tập trung ở việc làm cánh tay nối dài cho các công ty bảo hiểm.
Cụ thể, Insurtech sẽ mở rộng tập khách hàng qua kênh phân phối là ứng dụng di động và sử dụng công nghệ giải quyết khiếu nại cho khách hàng. Điều này lý giải vì sao các ví điện tử, vốn có lượng người sử dụng áp đảo hơn các Insurtech giúp việc phân phối sản phẩm tốt hơn nhưng các quỹ đầu tư vẫn để mắt tới các công ty như Global Care, Papaya...
Ông Phan Đức Hùng, đồng sáng lập Papaya, cho biết, sử dụng công nghệ, Insurtech sẽ đảm trách phần giải quyết khiếu nại bảo hiểm với ít nhân lực hơn, từ đó giảm chi phí vận hành cho các công ty bảo hiểm. Điển hình như Papaya, nhờ sử dụng công nghệ nên chỉ với 4 nhân viên, công ty đang xử lý khoảng 1.000 hồ sơ mỗi tháng. Công ty đang thu phí các công ty bảo hiểm 6% phí bảo hiểm thường niên và 2% phí duy trì dịch vụ ứng dụng di động.
Hay như JetCare, trong lĩnh vực bảo hiểm vật chất ô tô, hệ thống đánh giá tình trạng xe thông qua ứng dụng của công ty đã được một số đơn vị bảo hiểm chấp thuận. Chính vì thế, JetCare được phép tự thẩm định và bồi thường, từ đó giúp rút ngắn quá trình giải quyết khiếu nại.
Ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị JetCare, cho rằng thị trường này cần các đơn vị sinh ra để giải quyết việc bồi thường và đó cũng là giá trị cốt lõi của các công ty Insurtech trong thời điểm hiện tại. “Yêu cầu của khách hàng và mức độ bồi thường của đơn vị bảo hiểm luôn luôn đối nghịch nhau. Phải có đơn vị đứng ra hoà giải việc đó”, ông Vũ nói.
Theo đó, Insurtech cùng những sáng kiến công nghệ trong làn sóng số hoá đang diễn ra mạnh mẽ sẽ trở thành xu thế tất yếu trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư