Thế Giới Di Động khó về đích năm 2021 trước thách thức chưa từng có

Thế Giới Di Động khó về đích năm 2021 trước thách thức chưa từng có

Tháng 8 vừa qua là tháng thấp điểm nhất kể từ đầu năm 2021 của Thế Giới Di Động (MWG) với doanh thu hơn 6.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỉ đồng, tương ứng giảm 25% và 32% so với cùng kỳ.

Do tác động của việc giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành để phòng chống dịch, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã phải trải qua thử thách chưa từng có khi gần 2.000 cửa hàng Thế giới Di động/ Điện máy Xanh (TGDĐ/ ĐMX) phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Ngoài ra, 50% tổng số cửa hàng Bách hoá Xanh (BHX) tại TP.HCM, một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi.

Tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm nhất kể từ đầu năm 2021 của MWG với doanh thu hơn 6.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỉ đồng, tương ứng giảm 25% và 32% so với cùng kỳ. Luỹ kế 8 tháng, MWG đạt 78.495 tỉ đồng doanh thu và 3.006 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, vẫn tăng lần lượt 8% và 12% qua đó thực hiện 63% mục tiêu cả năm đề ra.

Trước đó, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hồi giữa tháng 8, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG khẳng định công ty sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo sẽ cố gắng để tổn thất ít hơn thị trường chung và chuẩn bị cho sự phục hồi. Nếu quý IV tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công ty sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm với 125.000 tỉ đồng doanh thu và 4.750 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Dù vậy, dưới góc độ đánh giá của các CTCK, khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra của nhà bán lẻ này là không cao. Báo cáo mới nhất của SSI Research dự báo MWG có thể đạt 116.271 tỉ đồng doanh thu và 4.486 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, thấp hơn tương ứng 7% và 5,5% so với kế hoạch đề ra.

Thế Giới Di Động khó về đích năm 2021 trước thách thức chưa từng có

SSI Research dự phóng kết quả kinh doanh của MWG

Trước đó, BVSC thậm chí còn thận trọng hơn với dự báo lợi nhuận quý III của MWG có thể giảm hơn 50% so với cùng kỳ. CTCK ước tính doanh thu năm 2021 của MWG đạt 118.507 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.017 tỉ đồng, lần lượt tăng 9% và 3% so với năm ngoái nhưng vẫn còn kém xa so với mục tiêu của MWG.

Mảng ICT tăng trưởng âm

Gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp 85-90% giá trị doanh thu của hai chuỗi trong điều kiện bình thường. Do đó, không quá bất ngờ khi 2 chuỗi TGDĐ/ ĐMX chỉ mang về 3.500 tỉ đồng doanh thu trong tháng 8, tương đương 40% mức bình quân thời điểm trước dịch.

Luỹ kế 8 tháng, 2 chuỗi TGDĐ/ ĐMX đóng góp hơn 57.500 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Con số không tệ như dự báo nhờ chiến lược tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS) và chương trình khuyến mãi “mua hàng trước, nhận hàng khi hết giãn cách” trên kênh online.

Doanh thu online 2 chuỗi luỹ kế 8 tháng đạt gần 7.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8, các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 30% tổng doanh thu của TGDĐ/ ĐMX. Với 592 cửa hàng tại thời điểm 31/8, tỷ trọng đóng góp của ĐMS trong doanh thu của ĐMX lần lượt là 10% trong 8 tháng và hơn 15% chỉ tính riêng tháng 8.

Thế Giới Di Động khó về đích năm 2021 trước thách thức chưa từng có

Doanh thu TGDĐ và ĐMX tăng trưởng âm 8 tháng đầu năm

Trong báo cáo mới đây, VCBS vẫn tỏ ra khá thận trọng với triển vọng của 2 chuỗi TGDĐ/ ĐMX do thu nhập người tiêu dùng bị ảnh hưởng sau đợt giãn cách và nhu cầu sử dụng máy tính xách tay không còn cao như trong giai đoạn dịch, ngay cả khi tình hình dịch được kiểm soát trong quý III. Ngoài ra, việc giao hàng tiếp tục trở nên khó khăn sẽ khiến 2 chuỗi này của MWG rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong ngắn hạn.

Do đó, VCBS đã điều chỉnh giảm dự phóng doanh thu năm 2021 của TGDD và ĐMX lần lượt 11,1% và 9,3% so với dự báo trước đó tương ứng tổng doanh thu của 2 chuỗi đạt 86.739 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu đóng góp của chuỗi ĐMS chiếm 10.383 tỉ đồng, tương đương doanh thu trung bình/cửa hàng đạt 1,28 tỉ đồng/tháng.

Cùng quan điểm, SSI Research cũng dự báo mảng ICT (TGDĐ, ĐMX và đồng hồ) năm 2021 của MWG sẽ tăng trưởng âm trong đó riêng doanh thu chuỗi TGDĐ có thể giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bách hoá Xanh khó bùng nổ sau giãn cách

Tháng 8 vừa qua là tháng thấp điểm nhất kể từ đầu năm 2021 của MWG với doanh thu hơn 6.500 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỉ đồng, tương ứng giảm 25% và 32% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh 50% tổng số cửa hàng BHX tại TP.HCM, một số tỉnh Nam bộ không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp tại cửa hàng từ 23/8 trở đi, BHX đã thiết lập gần 2.000 nhóm Zalo kết nối với hơn 1 triệu khách hàng trong bán kính 2-3 km gần mỗi cửa hàng. Khách hàng có thể xem tồn kho thực tế tại một cửa hàng cụ thể và chọn mua sản phẩm giúp giảm thiểu tỷ lệ huỷ đơn, huỷ hàng.

Nhờ đó, BHX vẫn đáp ứng được 1/3 nhu cầu của khách hàng tại những khu vực mà 100% cửa hàng không thể đón khách trực tiếp. Với 1.928 cửa hàng, doanh thu tháng 8 của BHX đạt hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng đạt hơn 1,5 tỉ đồng.

Thế Giới Di Động khó về đích năm 2021 trước thách thức chưa từng có

Doanh thu BHX theo tháng

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu này ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ. Kênh bán hàng qua website có số lượng đơn hàng gấp 4,5 lần và doanh thu gấp 5,2 lần so cùng kỳ 2020.

Năm 2021, doanh số bán hàng cùng cửa hàng (SSSG) của BHX có thể tăng mạnh 10% nhờ đóng cửa chợ truyền thống và chợ bán buôn trong quý III và hành vi dự trữ hàng tiêu dùng trong quý II. Tuy nhiên, SSI Research dự báo SSSG của chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu này sẽ giảm đáng kể và trở về mức bình thường (3%) vào năm 2022.

Bộ phận này ước tính, doanh thu của BHX năm 2021 có thể đạt 31.289 tỉ đồng, tăng trưởng 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vào năm 2022 được dự báo sẽ giảm xuống còn 39% tương ứng đóng góp 43.525 tỉ đồng doanh thu cho MWG.

Thanh Hà
Nguồn BizLive