Big Tech “săn hàng”

Big Tech “săn hàng”

Các công ty công nghệ lớn đang nuốt chửng các đối thủ nhỏ hơn với tốc độ kỷ lục.

Thị trường M&A thế giới đang không ngừng dậy sóng với các thương vụ lớn trong lĩnh vực công nghệ như thương vụ sáp nhập 43 tỉ USD giữa Discovery và Warner Media, hay Microsoft thâu tóm Nuance Communications với giá 16 tỉ USD. Theo số liệu của GlobalData, chỉ tính riêng quý II/2021, đã có 356,3 tỉ USD giá trị thương vụ được công bố, tăng 20,4% so với quý trước và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2020. Xét về số lượng thương vụ, ngành công nghệ chứng kiến mức tăng 19,92% với 6.147 thương vụ chỉ trong quý II, so với mức trung bình 5.126 thương vụ của 4 quý trước đó.

Các thương vụ M&A công nghệ ở tất cả mọi quy mô lớn, nhỏ đã đạt kỷ lục mới trong năm 2021, một phần bởi vì các doanh nghiệp đã nâng cao được năng lực số hoá khi hàng triệu triệu người lướt web và sử dụng thương mại điện tử trong suốt đại dịch. “Trong đại dịch, công nghệ đã chứng minh được giá trị khi cho phép các doanh nghiệp tiếp tục vận hành suôn sẻ. Trong đó, tự động hoá và các công nghệ mới nổi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mọi người làm việc xuyên suốt trong một thế giới không ngừng thay đổi”, Tracy Pound, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Maximity, nhận định.

Big Tech “săn hàng”

Một xu hướng đáng chú ý là các công ty công nghệ lớn nhất thế giới (gọi tắt là Big Tech) đã và đang nuốt chửng các đối thủ nhỏ hơn với tốc độ kỷ lục. Số liệu từ Refinitiv cho thấy các hãng công nghệ đã bỏ ra ít nhất 264 tỉ USD mua lại các đối thủ tiềm năng trị giá chưa tới 1 tỉ USD kể từ đầu năm 2021, gấp đôi kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2000 trong suốt giai đoạn dotcom.

Hàng loạt thương vụ thâu tóm diễn ra bất chấp sự săm soi gắt gao hơn từ giới chức trách, nhất là Mỹ, vốn cáo buộc các tập đoàn công nghệ lớn – đặc biệt là Apple, Facebook, Google, Amazon và Microsoft – đã bóp nghẹt cạnh tranh và gây tổn hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Một diễn biến mới là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang mở cuộc điều tra đối với các thương vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp mà Facebook đã hoàn thành cách đây rất lâu. FTC cũng khuyến cáo có thể săm soi những giao dịch khác, thậm chí các thương vụ đã hoàn tất. Cơ quan này có quyền lực huỷ những thương vụ đã chốt nếu nhận thấy có dấu hiệu bất hợp pháp và sẽ ngăn chặn các thương vụ tương tự trong tương lai.

Mới đây, FTC đã công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu gây nhiều chú ý về hoạt động M&A công nghệ trong giai đoạn 2010-2019. Nghiên cứu đã chỉ ra một thập kỷ M&A có thể nói là “điên cuồng” ở tốc độ nuốt chửng các đối thủ nhỏ hơn của Big Tech.

Big Tech “săn hàng”

Lina Khan, Chủ tịch FTC, nhận định: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy cần phải xem xét tỉ mỉ các yêu cầu về công bố, báo cáo thông tin... cũng như nhận diện những lĩnh vực mà FTC có thể đã tạo ra các lỗ hổng mà các bên dựa vào đó để tiến hành những thương vụ ‘chìm’ qua mặt nhà chức trách”. Lấy ví dụ, theo quy định, các thương vụ có giá trị chưa tới 92 triệu USD không cần phải báo cáo lên cơ quan chức năng Mỹ.

Đồng quan điểm, Barry Lynn, Giám đốc Viện Các thị trường mở, cho biết: “Giao dịch M&A tồi tệ ở chỗ làm cho những công ty này trở nên quyền lực hơn rất nhiều. Nó gia tăng quyền lực của họ đối với những người làm việc cho họ, đối với các thị trường vốn và nhà đầu tư và nó ngăn cản loại cạnh tranh mà có thể mang đến sự cải tiến”.

Nghiên cứu của FTC cũng chỉ ra Apple, Facebook, Amazon, Google và Microsoft trong giai đoạn từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2019 đã thực hiện tổng cộng 819 thương vụ không đăng ký (vì không cần phải công bố thông tin theo quy định). Ngoài quy mô của thương vụ giao dịch, các trường hợp miễn công bố có thể còn có các thương vụ xuyên biên giới mà trong đó người mua không nắm quyền kiểm soát.

Big Tech “săn hàng”

Ảnh: medianama

Lian Khan cho biết nghiên cứu này đã cho thấy rất rõ Big Tech đã sử dụng một cách có hệ thống những thương vụ thâu tóm các startup để triệt tiêu đối thủ cạnh tranh. “Theo nghiên cứu, các công ty này đã bỏ ra nguồn lực khổng lồ để thâu tóm các startup, danh mục bản quyền sáng chế và các nhóm chuyên gia công nghệ và họ đã làm được như vậy phần lớn dưới tầm mắt của chúng ta”, Khan nói.

Các thương vụ dưới 92 triệu USD (ngưỡng phải báo cáo lên cơ quan chức năng) cũng đạt mức cao mọi thời đại trong năm nay, theo số liệu của Refinitiv, khi có tới 66 tỉ USD đã được bỏ ra mua lại các tài sản này, với 8.451 giao dịch, tăng tới 35% so với cách đây 1 năm.

Microsoft chính là người mua lớn nhất các tài sản quy mô nhỏ trong số 5 công ty được nêu tên trong nghiên cứu với 9 giao dịch dưới ngưỡng báo cáo của FTC. Công ty này cũng đã thực hiện một số thương vụ lớn hơn, như mua lại Nuance, công ty đi tiên phong trong công nghệ nhận diện giọng nói, với giá 16 tỉ USD. Người mua lớn thứ 2 các tài sản nhỏ là Amazon, với 8 giao dịch dưới 92 triệu USD. Công ty của Jeff Bezos cũng đã thực hiện một thương vụ khủng khi mua hãng phim MGM với giá 8,45 tỉ USD.

Báo cáo nghiên cứu FTC được công bố sau một sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 7/2021 nhằm kiềm hãm sự thống trị của các công ty lớn bằng cách triệt tiêu các hành động chống cạnh tranh. Sắc lệnh này – nhắm đến nhiều lĩnh vực từ công nghệ, vận tải cho đến chăm sóc sức khoẻ và ngân hàng – là một phần trong chiến lược mở rộng của chính quyền Biden nhằm đối phó với sự tập trung quyền lực doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Báo cáo của FTC cũng cho thấy Apple, Facebook, Amazon, Google và Microsoft đã thực hiện 616 thương vụ M&A trị giá hơn 1 triệu USD; trong đó, ít nhất 40% các công ty bị thâu tóm được thành lập chưa đầy 5 năm.

Rebecca Kelly Slaughter, thành viên của FTC, cho biết: “Tôi nghĩ việc thâu tóm hàng loạt như một chiến lược Pac-Man: mỗi một thương vụ, nếu đánh giá một cách độc lập, có thể không tạo ảnh hưởng đáng kể, nhưng sức ảnh hưởng tổng thể từ hàng trăm thương vụ thâu tóm nhỏ hơn có thể tạo ra một gã khổng lồ độc quyền”.

Chắc chắn sự săm soi vẫn sẽ không khiến các công ty công nghệ lớn chùn bước.

Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư