Rever thêm triệu USD, rộng đường cho proptech
Việc đưa công nghệ vào bất động sản mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn chủ đầu tư.
Startup bất động sản Rever vừa huy động được hơn 10 triệu USD, nâng tổng số vốn gọi được lên hơn 16 triệu USD sau 5 năm hoạt động. Trong đó, Quỹ Mekong Enterprise Fund IV là đơn vị tham gia vòng đầu tư mới nhất của Rever. Công ty định vị là đơn vị môi giới bất động sản nhưng ứng dụng công nghệ (proptech) để giảm thiểu chi phí tiếp cận khách hàng, đồng thời tăng năng suất bán hàng của nhân viên môi giới.
Propzy, đơn vị hoạt động cùng phân khúc với Rever, đã gọi được tổng cộng 37 triệu USD. Đơn vị này phát đi thông báo sẽ kết thúc vòng gọi vốn trị giá 50 triệu USD vào cuối năm nay. Dù cùng chung phân khúc nhưng có sự khác biệt giữa Rever và Propzy khi Rever chỉ tập trung kinh doanh mặt hàng là căn hộ chung cư (sơ cấp, thứ cấp và cho thuê) ở khu Đông và Nam TP.HCM. Tháng 7 vừa qua, công ty gây sốc trong lĩnh vực môi giới khi bán được 5 sản phẩm penthouse của một dự án ở quận 2, TP.HCM.
Theo thống kê của Rever, trong năm 2020, Rever thực hiện được 1.000 giao dịch với mức giá trung bình 2,5 tỉ VNĐ/sản phẩm. Với 300 nhân viên thực hiện toàn bộ giao dịch, ước tính năng suất một nhân viên Rever vào khoảng 5 giao dịch/năm.
Trao đổi với NCĐT, ông Phan Lê Mạnh, sáng lập Rever, cho biết mục tiêu đến năm 2025 công ty sẽ mở rộng ra 20 tỉnh, thành với 200 trung tâm giao dịch và mở rộng lên 20.000 môi giới. Còn trong năm sau, Rever sẽ mở rộng sang các thành phố còn lại là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đánh giá về thị trường trong tương lai, ông Mạnh cho rằng sẽ có sự chững lại nhưng nhu cầu nhà ở luôn tồn tại, thị trường có thể sẽ trầm lắng một thời gian nên đây là cơ hội tốt để công ty đầu tư vào hệ thống.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là cơ hội để thúc đẩy công nghệ trong lĩnh vực này và việc đàm phán với các chủ nhà cũng thuận lợi hơn. Việc đưa công nghệ vào bất động sản mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn chủ đầu tư khi giảm được khâu môi giới, giảm thời gian tiếp cận, chi phí giao dịch...
“Kinh nghiệm vận hành chuỗi và quản lý doanh nghiệp là điều chúng tôi nghĩ Mekong Capital sẽ hỗ trợ rất nhiều cho Rever trong thời gian tới”, ông Mạnh nói. Trên thực tế, dù proptech đang hưởng lợi trong mùa dịch ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam, không được như vậy vì hành vi mua sắm bất động sản truyền thống vẫn phổ biến. Mặt khác, việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp protech và cơ quan nhà nước vẫn chưa cùng tốc độ, phần lớn các thủ tục kiểm tra pháp lý sản phẩm vẫn phải được thực hiện theo cách truyền thống.
Nhiều doanh nghiệp proptech gia nhập nhưng chủ yếu ở khâu quảng cáo, rao vặt bất động sản vì chi phí đầu tư không cần quá lớn. Chính vì thế, số proptech hoạt động ở lĩnh vực môi giới và tồn tại 5 năm trở lên như Rever không nhiều ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Mạnh tin rằng bất động sản trực tuyến ở Việt Nam chưa phổ biến là vì thiếu thông tin. Môi giới thiếu thông tin về sản phẩm và khách hàng nên không thể tăng năng suất, người mua thiếu thông tin về dự án nên do dự trong quyết định mua hàng. “Chúng tôi hướng đến một nền tảng cung cấp đủ thông tin cho cả hai”, ông Mạnh cho biết.
Về phía môi giới, thông thường họ sẽ lên các phương tiện mạng xã hội đăng tin bán nhà, hàng hoá cũng bị phụ thuộc vào mối quan hệ xung quanh khu vực họ làm việc nên không đa dạng. Để thu hút lực lượng này, Rever cung cấp danh sách hàng hoá hơn 20.000 sản phẩm là phân phối F1 cho các môi giới. Công ty cũng cam kết cung cấp 160 giờ đào tạo miễn phí trước khi gia nhập hệ thống và 10 khách hàng hằng tháng cho môi giới.
Trong 5 năm qua, công nghệ của công ty chủ yếu tập trung vào việc tiếp thị, hỗ trợ bán hàng, theo dõi tiến độ làm việc cũng như tính toán thu nhập của môi giới. Giai đoạn năm 2025, công ty sẽ mở rộng rổ hàng bằng cách cho phép các môi giới thêm hàng hoá của họ vào. Mặc dù cách làm này có thể ảnh hưởng đến nguồn hàng của môi giới hay sẽ nhiễu loạn vì thông tin rác, nhưng ông Mạnh cho rằng thị trường trước đến nay vẫn hoạt động như vậy. Rever không tạo ra luật mới mà chỉ cung cấp công cụ giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn.
Về phía khách hàng, Rever sẽ chuyển sang tương tác livestream, video call. Có khoảng 20% dự án trên webstie Rever được giới thiệu dưới định dạng 3D và công ty sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ này trong thời gian tới. Song song đó là các chương trình khách hàng thân thiết như tặng bảo hiểm sức khoẻ.
“Bản chất của giao dịch bất động sản là giao tiếp giữa người với người để tìm kiếm thông tin minh bạch và an toàn. Trước dịch, khách gặp mặt trực tiếp, còn bây giờ dùng video call vẫn được, miễn là thông tin minh bạch”, ông Mạnh nhận định.
Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư