Quyết đoán nhưng không độc đoán
“Có lẽ thế hệ sau sẽ không biết nhiều về Mai Kiều Liên nhưng họ sẽ biết về Vinamilk. Bởi Vinamilk sẽ luôn phát triển cùng VN, vì người VN và góp phần làm rạng danh VN” - đó là những chia sẻ của người phụ nữ hai lần được tờ tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Forbes bầu chọn là “nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á”, đồng thời cũng là “nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á” - Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk.
Trong khi nhiều DN lao đao vì khủng hoảng thì từ năm 2011, Vinamilk lại có bước nhảy ngoạn mục để ghi tên vào danh sách các DN lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương với doanh thu trên 1 tỉ USD. Nhưng chị cho rằng: khủng hoảng đã "nằm trong kế hoạch", đã "lường trước" đối với Vinamilk.
Có lẽ những điều tưởng như sáo rỗng và lý thuyết đó lại chính là cách thức để Vinamilk thành công và để Mai Kiều Liên ghi danh vào bản đồ doanh nhân thành đạt thế giới.
Đi ngược xu thế
Theo tạp chí Forbes, Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất VN, đồng thời là blue-chip trên sàn chứng khoán. Kể từ khi niêm yết năm 2006, Vinamilk đã tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận.
Mặc dù năm 2012 là năm khó khăn với hầu hết các Cty VN nhưng doanh thu Vinamilk vẫn tăng 23%, lên 1,3 tỉ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng tăng gần 40%, lên 280 triệu USD. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa sản phẩm của Vinamilk ra thị trường quốc tế và đã xuất khẩu sang 26 nước.
* Dù “khủng hoảng đã nằm trong kế hoạch” nhưng rõ ràng chị phải có những quyết sách mạnh mẽ để vượt điều đó chứ?
- Khi xây dựng kế hoạch hàng năm, bao giờ tôi cũng nhìn lại những năm trước, rồi phân tích kỹ lưỡng, với sức mua của người tiêu dùng hiện nay thì phải biết mình hiện đang đứng ở đâu trong thị trường ? Đối thủ của mình ra sao?...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định, để cạnh tranh được trên thị trường, chất lượng phải là chất lượng quốc tế, nhưng phải phù hợp với nhu cầu của người VN. Vì vậy, thái độ phục vụ cũng phải thay đổi, cần nhất là xóa đi ấn tượng Vinamilk xuất phát là Cty nhà nước với cung cách phục vụ thời bao cấp.
Ngoài ra, Vinamilk theo chiến lược đạt sản lượng cao để phục vụ số đông và lấy doanh thu lớn, vì thế sản phẩm của chúng tôi có giá hết sức cạnh tranh. Điều này không đơn thuần là đem lại hiệu quả kinh doanh, mà hơn hết là người tiêu dùng có lợi. Họ được mua những sản phẩm với chất lượng tốt không thua kém sữa ngoại nhưng giá phù hợp, và nhờ thế người nghèo cũng có cơ hội uống sữa.
Nhưng hơn tất cả, đó là sự cố gắng không ngừng nghỉ với thái độ làm việc nghiêm túc. Tôi cũng như tất cả tập thể 5.000 CBCNV Vinamilk đều như vậy, điều quan trọng là tôi tổng hợp được sức mạnh tất cả mọi người lại.
Một yếu tố mang tính sống còn là sự sáng tạo, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế.
* Nhưng sáng tạo không có nghĩa là thành công, có lúc nào sự sáng tạo của Vinamilk, của chị phải trả giá?
- Có chứ, “ai nên khôn chẳng dại một đôi lần”. Cách đây khá lâu, nhiều ý kiến cho rằng, Vinamilk nên mở rộng đầu tư vào ngành hàng thực phẩm. Các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới cũng không chỉ làm có sữa, mà còn có đồ uống, bánh kẹo…
"Một yếu tố mang tính sống còn là sự sáng tạo, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế."
Chính vì vậy, tôi nghĩ Vinamilk cũng có thể trở thành tập đoàn thực phẩm. Chúng tôi đầu tư chế biến cà phê trong vòng 2 năm, nhưng sau đó thấy không có triển vọng, chúng tôi bán mảng kinh doanh đó, không bị lỗ, nhưng việc này thể hiện là mình suy nghĩ chưa tới.
* Liệu đó có thể coi là thất bại duy nhất của chị?
- Tôi không đặt tiêu chuẩn cho bản thân nên tôi không cảm thấy mình thất bại, chỉ có những cái mình muốn nhưng chưa được thì mình điều chỉnh và cố gắng nỗ lực đạt được mà thôi. Còn việc chúng tôi tạm ngưng đầu tư vào các mảng khác ngoài sữa theo tôi cũng không phải là thất bại. Sau này nếu có mảng kinh doanh nào tốt, chúng tôi vẫn mạnh dạn đầu tư.
* Vậy bí quyết thành công của chị cũng như của Vinamilk là?
- Tôi cho rằng sẽ chẳng DN nào có thể thành công được ngay, mà cần phải có quá trình phấn đấu, vươn lên. Tôi nghĩ nếu thành công trong mặt quản trị, áp dụng theo mô hình quản trị quốc tế mà các DN ở những nước tiên tiến đã áp dụng thành công hàng trăm năm nay, mình là người đi sau thì phải "đi tắt, đón đầu", tận dụng những công nghệ đó áp dụng thành công vào DN của mình. Nếu áp dụng khôn ngoan và hợp lí thì tôi đoán chắc là sẽ thành công.
Không điều hành bằng... giới tính
Nhiều người cho rằng, phụ nữ làm lãnh đạo thường khó khăn hơn nam giới bởi đặc tính chi tiết và… độ ít phóng khoáng - một đặc tính giới rõ ràng, nhưng trò chuyện với chị mới thấy ý kiến này… khiên cưỡng.
Chị khẳng định: Tôi nghĩ người lãnh đạo phải có tầm nhìn. Nhưng tầm nhìn chưa đủ, cần phải có kế hoạch chi tiết để hoàn thiện tầm nhìn. Ưu điểm của phụ nữ là thường có tính chi tiết, rất lo xa, họ làm gì cũng phải nghĩ tới nghĩ lui như nếu gặp tình huống xấu nhất thì sẽ ra sao, và xử trí như thế nào ? Còn nếu thuận lợi thì có thể đạt đến mức nào?
Từ đó họ biết phòng ngừa rủi ro tốt hơn khi quản trị DN. Tôi rất chi tiết trong công việc, nhưng tôi không chi tiết trong quan hệ. Ở Vinamilk, nhiều người gắn bó mấy chục năm, từ kỹ sư mới ra trường đến bây giờ đều là giám đốc điều hành và dưới giám đốc điều hành.
* Nhiều người cho rằng, làm lãnh đạo cần có sự độc đoán. Vậy chị chia sẻ quyền điều hành cho cấp dưới như thế nào?
Dưới tôi hiện có 5 - 6 giám đốc điều hành từng mảng do tôi phân công và chịu trách nhiệm trước tôi. Chúng tôi hợp thành một khối thống nhất, chia sẻ và ủy quyền để cùng thực hiện cho đúng những chiến lược đã đề ra, dựa trên quy tắc quản trị DN theo tiêu chuẩn quốc tế.
Khi làm việc thì bàn bạc, lắng nghe ý kiến của nhau, chúng tôi rất dân chủ. Nhưng khi đã ra quyết định, không bàn ra tán vào nữa, cứ thế mà làm. Nếu anh em gặp khó khăn, họ sẽ trình với tôi và tôi sẽ là người trực tiếp cùng anh em tháo gỡ, nếu quyết định của tôi có gì không ổn, thì tôi là người đầu tiên phải sửa.
Tôi nghĩ làm lãnh đạo không được độc đoán, thay vào đó là sự quyết đoán, tránh dao động sau khi ra quyết định. Văn hóa của Vinamilk là sẵn sàng lắng nghe từ toàn thể người lao động. họ có thể gửi mail cho tôi bất kỳ lúc nào. Chúng tôi có hộp thư riêng để tất cả mọi người phản ánh những bức xúc và chúng tôi có bộ phận kiểm tra, trả lời.
Nhiều khi họ đưa thư nặc danh chúng tôi cũng trả lời. Có nghĩa là sau khi kiểm tra sẽ trả lời, nếu họ đúng thì chúng tôi có biện pháp xử lý và đề nghị họ theo dõi những hiện tượng đó còn nữa hay không.
* Trong vai trò lãnh đạo, chắc chắn chị gặp không ít áp lực, có khoảnh khắc nào đó chị cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi?
- Quan điểm của tôi là không có gì mình không làm được, nên khi gặp khó khăn thì tôi lại càng tìm cách giải quyết cho bằng được. Những cái khó khăn nhất từ thời bao cấp, tôi đã vượt qua rồi, còn bây giờ, mình đã có đủ tài chính và nguồn lực về con người thì không có gì gọi là khó nữa.
Áp lực lớn nhất là làm sao để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Kế hoạch của chúng tôi là đưa thương hiệu Vinamilk trở thành thương hiệu toàn cầu, đến năm 2017 sẽ vào top 50 của các DN sản xuất sữa lớn nhất thế giới và đạt doanh thu 3 tỷ USD, hiện nay Vinamilk đứng thứ 53.
* Hơi đường đột nhưng liệu tôi có thể hỏi, còn với vai trò là một người phụ nữ trong gia đình, áp lực của chị là gì?
- Cũng như bao phụ nữ khác, về nhà tôi vẫn là một bà nội trợ chính với việc nấu nướng, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa... May mắn là vợ chồng tôi là bạn học từ hồi phổ thông, sau đó tôi đi học ở bên Nga còn chồng tôi học ở Ba Lan. chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ và đồng cảm với nhau, ngay cả trong những việc nhà.
Thường các buổi tối sau khi việc nhà xong, khoảng 22 giờ tối tôi thường mở mail xem có mail nào gửi cần xử lý không, tôi có thể liên hệ được tất cả các anh em ở tất cả các vùng miền khác nhau, bất cứ lúc nào.
Hơn nữa (cười), chính gia đình là chốn bình yên để tôi nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, giúp tôi lấy lại năng lượng để làm việc hiệu quả hơn.
* Xin hỏi chị câu cuối, với vai trò là một DN đứng đầu ngành sữa, chị nghĩ sao khi các DN có tên tuổi của VN lần lượt “bán mình” cho các DN ngoại ? Bởi nói thật nếu một ngày nào đó Vinamilk lại có “ông chủ” là người nước ngoài thì với tôi quả thật đáng thất vọng ?
- Tôi đánh giá đó cũng là việc bình thường thôi. Hiện VN, mà nhất là các DN đã hội nhập gần hơn với thế giới. Các nhà máy thế giới, mà tổ chức sản xuất tại VN thì cũng được gọi là DN Việt.
Còn việc giữ được thương hiệu Việt hay không thì đó còn là do khả năng của họ. Ví dụ, DN khi không thể đứng một mình phát triển được, nhưng kết hợp với DN nước ngoài lại ăn nên làm ra thì cũng nên làm lắm chứ.
Còn với Vinamilk ư? Có lẽ thế hệ sau sẽ không biết nhiều về Mai Kiều Liên nhưng họ sẽ biết về Vinamilk. Bởi Vinamilk sẽ luôn phát triển cùng VN, vì người VN và góp phần làm rạng danh VN.
* Chúc chị và Vinamilk tiếp tục gặt hái những thành công mới!
Bà Mai Kiều Liên sinh tại Pháp và tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành chế biến sữa tại Nga - một ngành còn rất mới mẻ ở VN thời đó. Năm 1976, bà trở về VN và làm việc tại Cty sữa và cà phê miền Nam - tiền thân của Vinamilk. Từ vị trí một kỹ sư, bà dần dần được phân công làm Trưởng ca, rồi Phó giám đốc kỹ thuật, Phó TGĐ phụ trách kinh tế, TGĐ và Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ sau khi DNNN này cổ phần hóa. Bà cũng là tác giả khai sinh ra việc sản xuất theo phương pháp công nghiệp các mặt hàng : sữa chua, sữa bột cho trẻ em, sữa tươi tiệt trùng... của Vinamilk và là người đi tiên phong trong cuộc “cách mạng trắng” tại VN.