Tại sao ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ tự phát triển chip riêng?

Tại sao ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ tự phát triển chip riêng?

Một số tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới đang tự phát triển chất bán dẫn của riêng mình.

Theo CNBC, Apple, Amazon, Facebook, Tesla và Baidu đang dần tránh phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip lâu năm và tự thực hiện một số lĩnh vực trong quá trình phát triển chip.

Giám đốc phụ trách chất bán dẫn toàn cầu Syed Alam tại Accenture cho biết: “Ngày càng có nhiều công ty muốn có chip tự sản xuất để phù hợp với các yêu cầu cụ thể cho các ứng dụng của mình hơn là sử dụng các chip giống như các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp họ kiểm soát nhiều hơn quá trình tích hợp phần mềm và phần cứng, đồng thời tạo ra điểm khác biệt với đối thủ”.

Ông Russ Shaw, cựu Giám đốc tại công ty chất bán dẫn Diaglog ở Anh, cho rằng chip tự thiết kế theo nhu cầu có thể hoạt động tốt hơn và lại rẻ hơn.

Tại sao ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ tự phát triển chip riêng?

Tình trạng thiếu chip toàn cầu hiện nay cũng là lý do khác khiến các công ty công nghệ lớn nghĩ lại về nguồn cung chip của mình. Theo ông Glenn O’Donnell, Giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester, đại dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung chip bị tổn thương nặng nề, khiến các công ty đẩy nhanh nỗ lực tự sản xuất chip. Nhiều công ty đã cảm thấy bị hạn chế trong tốc độ sáng tạo khi phụ thuộc vào lịch trình của các nhà sản xuất chip.

Hiện, mới chỉ một tháng trôi qua mà không có công ty công nghệ lớn nào thông báo dự án chip mới.

Nổi bật nhất là vào tháng 11/2020, Apple thông báo sẽ dần tách khỏi chip của Intel để sản xuất bộ xử lý M1 của riêng mình mà loại này đang hiện diện trong các máy iMac và iPad mới của Apple.

Gần đây, Tesla thông báo sẽ tự phát triển chip có tên Dojo để huấn luyện các mạng lưới trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trung tâm dữ liệu. Năm 2019, Tesla đã bắt đầu sản xuất ô tô bằng chip AI tuỳ chỉnh, giúp phần mềm trong xe tự ra quyết định phản ứng với tình huống đang diễn ra trên đường.

Tháng trước, Baidu cũng khởi động một chip AI được thiết kế để hỗ trợ các thiết bị xử lý lượng lớn dữ liệu và tăng cường khả năng tính toán. Baidu cho biết chip Kunlun 2 của mình có thể sử dụng trong các lĩnh vực như lái xe tự động và loại chip này đang được sản xuất hàng loạt.

Một số tập đoàn công nghệ lớn khác lại giữ bí mật một số dự án chất bán dẫn. Google được cho là đang tiến gần tới giai đoạn triển khai các bộ xử lý trung tâm (CPU) riêng cho máy tính xách tay Chromebook. Google định sử dụng CPU của mình trong Chromebook và máy tính bảng chạy bằng hệ điều hành Chrome của mình từ khoảng năm 2023.

Tại sao ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ tự phát triển chip riêng?

Tổng Giám đốc Điều hành Google Sundar Pichai nói về chip AI thế hệ ba của mình
Ảnh: CNBC

Amazon đang phát triển chip kết nối của riêng mình để chạy các thiết bị chuyển đổi phần cứng, chuyển dữ liệu trong các mạng lưới. Nếu hiệu quả, Amazon sẽ giảm phụ thuộc vào Broadcom. Amazon cũng đã thiết kế một số loại chip khác.

Trong khi đó, một nhà khoa học AI tại Facebook hồi năm 2019 cho biết công ty này đang nghiên cứu loại chất bán dẫn mới, loại sẽ hoạt động rất khác biệt so với các thiết kế hiện tại.

Tuy nhiên, tại giai đoạn này, không có tập đoàn công nghệ lớn nào tìm cách tự thực hiện mọi quá trình phát triển chip.

Ông Shaw nói: “Tất cả chỉ mới là thiết kế và hiệu suất chip. Tại giai đoạn này, họ chưa tính tới sản xuất và đúc, vốn rất tốn kém”.

Thành lập một nhà máy chip hiện đại như của TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc) tốn khoảng 10 tỉ USD và mất vài năm.

Theo ông O’Donnel, ngay cả Google và Apple cũng chưa thực hiện. Họ sẽ tới TSMC hoặc Intel để đặt làm chip của mình. Thung lũng Silicon cũng đang thiếu người có kỹ năng cần thiết để thiết kế các bộ xử lý cao cấp.

Minh Duy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư