Fintech trong “bình thường mới”

Fintech trong “bình thường mới”

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Sáng ngày 30/8/2021, nhận lời mời của Hội đồng Cố vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN – BAC), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Kim Anh đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN 2021 với chủ đề công nghệ tài chính (Fintech) và giáo dục tài chính.

Tại phiên thảo luận thứ nhất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ về vai trò của Fintech đối với phát triển bền vững và toàn diện trong khu vực ASEAN và một số kinh nghiệm của Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á trong suốt gần 2 năm qua, gây áp lực cho nền kinh tế toàn cầu, không chỉ là mối đe doạ đối với sức khoẻ và phúc lợi của con người mà còn làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế thế giới.

Fintech trong “bình thường mới”

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu tại diễn đàn
Ảnh: SBV

Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy đổi mới công nghệ, sáng tạo, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ tài chính, kỹ thuật số để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, khả năng chống chịu đối với rủi ro của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tài chính đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Kim Anh, Fintech có thể giúp người dân và doanh nghiệp duy trì và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngay cả khi lệnh phong toả được ban hành, hỗ trợ các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong “trạng thái bình thường mới” và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn.

Nguyên nhân do thói quen, tâm lý, hành vi người tiêu dùng đã được thay đổi cũng như sự phát triển của các giải pháp Fintech đổi mới sáng tạo giúp thanh toán thuận tiện, thúc đẩy mua bán hàng hoá, dịch vụ; giảm chi phí giao dịch; các giải pháp Fintech về tín dụng góp phần rút ngắn thời gian xét duyệt cấp vốn và bơm vốn vào nền kinh tế…

Fintech trong “bình thường mới”

Fintech đổi mới sáng tạo giúp thanh toán thuận tiện
Ảnh: Baochinhphu

Do vậy, Fintech có tiềm năng lớn trong việc giải quyết các thách thức, trở ngại do đại dịch gây ra, đồng thời cũng là cơ hội cho các tổ chức tài chính truyền thống tại ASEAN tăng tốc chuyển đổi số, rút ngắn đáng kể lộ trình số hoá hoạt động ngân hàng.

Không chỉ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế như nêu trên, Fintech còn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế một cách bền vững. Fintech sẽ mở ra những cơ hội mới cho các nền kinh tế trên thế giới nói chung và nền kinh tế ASEAN nói riêng vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy tăng trưởng xanh. Fintech có thể hỗ trợ trong việc cung cấp các dữ liệu và công cụ chất lượng để giúp các tổ chức và cá nhân đưa ra các quyết định tối ưu nhất về đầu tư Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG).

Tại Việt Nam, Fintech đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, đặc biệt từ khi bùng phát dịch COVID-19, qua đó góp phần đáng kể vào việc tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và giải quyết phần nào những khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19.

Nhật Lệ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư