Họp trực tuyến cuộc đua từ vạch COVID-19
Họp trực tuyến đang là xu hướng công nghệ nổi bật trong bối cảnh dịch bệnh.
Kể từ khi lệnh giãn cách được áp dụng, họp trực tuyến hằng ngày để triển khai công việc đã là một hoạt động thường xuyên của anh Việt Dũng (quận 11, TP.HCM). So với mô hình họp trực tuyến trước kia, vốn diễn ra trong các phòng họp công ty cùng các thiết bị chuyên dụng, họp trực tuyến ngày nay đã dễ dàng hơn rất nhiều vì chỉ cần máy tính, điện thoại kết nối internet, người tham gia có thể ở bất cứ đâu. Thậm chí, nhiều ứng dụng họp trực tuyến còn cung cấp chức năng phông nền “ảo” để người tham gia trông chuyên nghiệp hơn.
Theo Business Wire, thị trường hội nghị truyền hình tại Châu Á – Thái Bình Dương được định giá 1,3 tỉ USD vào năm 2019 và dự kiến tăng lên con số 3,4 tỉ USD vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 11,4% trong giai đoạn 2020-2027.
Các quốc gia ở khu vực này đang chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh nhu cầu họp trực tuyến trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khoẻ, giáo dục... Việt Nam dù chưa được liệt kê trong báo cáo vì thị trường còn mới nhưng gần như các tay chơi lớn trong lĩnh vực này không hẹn đều có mặt ở đây. Có thể kể đến Zoom, Amazon Chime, Google Meet, Cisco Webex, Microsoft Team... Đại điện Việt Nam có Zavi (Zalo), Mobifone Meeting, OnMeeting (FPT), CoMeet (CMC TS), TranS (Nam Việt)...
Đáng chú ý, TranS dù mới tham gia nhưng đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Theo ông Conor Mc Namara, Tổng Giám đốc Amazon Web Services (AWS), đối tác công nghệ của TranS, đơn vị này đã phát triển từ 1.000 khách hàng lên 450.000 chỉ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, Zavi là cái tên được kỳ vọng trong cuộc đua họp trực tuyến ở Việt Nam vì sỡ hữu nền tảng người sử dụng quy mô lớn từ ứng dụng chat Zalo và tiềm lực của Tập đoàn VNG.
Đơn vị này đơn cung cấp tính năng họp trực tuyến miễn phí cho quy mô 100 người. Mặc dù còn một số hạn chế như không hiển thị tốt các file văn bản nhưng ứng dụng vẫn đang được hoàn thiện và tương lai sẽ tích hợp tính năng nhận dạng giọng nói để ghi lại biên bản cuộc họp.
“Kể từ khi bắt đầu đại dịch, chúng tôi đã chứng kiến việc áp dụng rộng rãi các cuộc trò chuyện video trong những cuộc gặp gỡ cá nhân và công việc”, ông Umesh Sachdev, Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập Uniphore, cho biết trong một khảo sát gần đây. Dù đại diện Việt Nam khá đông đảo nhưng cho đến nay cán cân dường như vẫn nghiêng về nhóm công ty nước ngoài. “Công nghệ chỉ chiếm một phần, đây giống như cuộc đua xem ai trường vốn hơn sẽ giành được thị trường”, Giám đốc một công ty công nghệ có trụ sở ở TP.HCM nhận xét.
Theo đó, các công ty cung cấp nền tảng hội họp trực tuyến có nguồn thu từ việc thu phí thành viên. Như gói dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Zoom có giá khoảng 190,9 USD/năm, hay Google Meeting có giá 8 USD/người dùng/tháng.
Nhưng các công ty nước ngoài đang áp dụng hình thức “cho để nhận” bằng cách đưa các gói miễn phí rất hấp dẫn để thu hút người sử dụng: miễn phí 40 phút cho các cuộc họp lên đến vài chục người với chất lượng nghe, gọi không quá khác biệt so với hình thức trả phí.
Bản chất các công ty cung cấp nền tảng trực tuyến là công ty phần mềm như dịch vụ (SaaS). Đặc điểm của nhóm này là quy mô càng lớn thì chi phí hoạt động càng thấp. Phần lớn các công ty nước ngoài đều có quy mô trên toàn cầu và chi phí tốt hơn nên cho nhiều hơn và cũng là hình thức để cản đường các doanh nghiệp khác. Nhóm công ty Việt Nam, do không có lợi thế về quy mô, sẽ chịu áp lực khá lớn từ chiến lược này. Bên cạnh đó, do thị trường Mỹ áp dụng hình thức trực tuyến khá lâu dẫn đến ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý người sử dụng nên các công ty này có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý. Điển hình như Microsoft Team đang đưa ra chức năng giúp họ đưa ra lịch làm việc trong ngày, Zoom đưa thêm các bộ lọc mới, như một chiếc sừng kỳ lân để giúp người sử dụng đỡ căng thẳng. Đơn vị này cũng đưa thêm chức năng mã hoá nhằm giảm bớt lo ngại về quyền riêng tư của người sử dụng sau sự cố bảo mật gần đây.
Nhiều dự báo cho thấy, kể cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì việc sử dụng nền tảng họp trực tuyến vẫn được doanh nghiệp cũng như người dùng duy trì vì nhiều tính năng thuận tiện, giúp tiết giảm chi phí. Vì vậy, các nền tảng online vẫn có nhiều đất để phát triển tiếp. Vì vậy, cơ hội dành cho doanh nghiệp nội địa trong thị trường này vẫn còn với việc tham gia các lĩnh vực đòi hỏi độ bảo mật và tính địa phương cao, như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn chẳng hạn. “Thông qua trí tuệ nhân tạo (A.I) và công nghệ tự động hoá, các công ty và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, thu thập những tín hiệu phi ngôn ngữ mà họ có thể đã bỏ lỡ và cung cấp thông tin chi tiết bằng cách sử dụng dữ liệu có thể giải mã và hành động được”, ông Umesh Sachdev nhận định về giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc họp và gặp gỡ trực tuyến.
Dựa trên nhu cầu này, mới đây, FPT ra mắt giải pháp họp trực tuyến OnMeeting với ưu tiên về mặt băng thông và kết nối cho thị trường Việt Nam. Theo ông Hoàng Việt Anh, Tổng Giám đốc FPT Telecom, sự phát triển của các giải pháp họp trực tuyến trong nước nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có chiến lược như thế nào để tận dụng cơ hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay, thúc đẩy cung cấp giải pháp tới khách hàng.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư