Sự trỗi dậy của Xiaomi là “sản phẩm” từ sự sụp đổ của Huawei
Thị phần smartphone của Huawei đang giảm nhanh chóng tại các khu vực chính và báo cáo tài chính mới nhất cho thấy Xiaomi đã hưởng lợi từ khó khăn của Huawei.
Theo SCMP, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Trong khi đó, một công ty công nghệ khác của Trung Quốc lại đang gặt hái được nhiều lợi ích.
Tập đoàn Xiaomi đã lấp đầy khoảng trống mà Huawei để lại từ thị trường Châu Âu, Đông Nam Á đến Trung Quốc. Xiaomi đang hướng đến việc cung cấp các chức năng tiện ích cao cấp nhưng ở mức giá thấp hơn so với các đối thủ.
Trong tháng 6, không có công ty nào trên toàn cầu bán được nhiều điện thoại hơn Xiaomi, theo tổ chức nghiên cứu thị trường Counterpoint Research. Trong quý II/2021, Xiaomi cũng vượt qua Apple để lần đầu tiên giữ vị trí số 2 thế giới.
Ở Châu Âu, Xiaomi chiếm vị trí đầu bảng, với thị phần gần như tăng gấp đôi lên 24% so với năm trước. Tại các thị trường nhạy cảm về giá như Tây Ban Nha, cứ 5 chiếc điện thoại được bán ra thì có 2 chiếc là do Xiaomi sản xuất trong quý II vừa qua. Công ty này cũng là nhà cung cấp hàng đầu ở Đan Mạch, Bỉ, Ukraina và Nga.
Giám đốc điều hành của Xiaomi Lei Jun cho biết sẽ đưa Xiaomi đứng vững vị trí thứ 2, sau đó truất ngôi Samsung trong vòng 3 năm để trở thành nhà bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Trong một sự kiện ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 8, ông Lei Jun cho biết: “Chúng tôi đã vươn lên dẫn đầu thị trường Châu Âu và trở thành số một. Lần đầu tiên một công ty Trung Quốc đạt được điều này”. Ông cũng tự tin rằng trở thành nhà cung cấp số 1 thế giới là điều nằm trong tầm tay của công ty.
Doanh số smartphone một lần nữa chiếm hơn một nửa tổng doanh số của Xiaomi. So với quý III/2020, sản lượng smartphone của Xiaomi được xuất xưởng trong quý IV tăng 32%. Báo cáo cho thấy khách hàng Xiaomi ưa chuộng các mẫu đắt tiền hơn.
Mức độ thành công của Xiaomi được cho là nhờ vào khả năng nhanh chóng lôi kéo những khách hàng quay lưng với Huawei. Tại Trung Quốc, công ty đã xuất xưởng nhiều smartphone hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019, với thị phần đạt gần 15%. Ở Châu Âu, Xiaomi cũng được hưởng lợi từ sự sụp đổ của Huawei, trong đó hãng trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới về doanh số, chỉ sau các đối thủ Apple và Samsung.
Tuy đạt được thành công gần đây nhưng Xiaomi đã cảnh báo về những khó khăn phía trước đối với công ty. Chủ tịch Wang Xiang cho biết, tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến các sản phẩm trên nhiều chủng loại không chỉ smartphone. Điều này gây ra thách thức cho Xiaomi trong năm nay và năm tới. Mặc dù vậy, công ty vẫn kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng trong năm nay.
Xiaomi đã hồi sinh sau nhiều năm tăng trưởng bị đình trệ. Vào năm 2013, Xiaomi là công ty điện thoại hàng đầu Trung Quốc, cho đến khi bị làn sóng các đối thủ xô đổ, bao gồm cả Huawei. Giống như Huawei, Xiaomi cũng có thời gian ngắn bị chính quyền ông Trump đưa vào danh sách đen tài chính hồi đầu năm. Nhưng công ty đã đấu tranh thành công với hành động này.
Sự nổi lên của Xiaomi là sản phẩm từ sự sụp đổ của Huawei. Mới chỉ một năm trước đây, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới sau khi chiếm 1/5 thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Tuy nhiên, các đợt trừng phạt của Mỹ đã cắt đứt Huawei khỏi nguồn cung chip và phần mềm máy tính quan trọng. Cùng với đó, doanh số bán hàng quý II của hãng đã giảm hơn 80% so với một năm trước đó.
Song song với sự thúc đẩy vào các thiết bị cao cấp gần đây, Xiaomi vẫn là một thương hiệu tập trung vào giá thành. Theo so sánh của nhà phân tích Neil Shah từ Counterpoint, Mill Ultra của Xiaomi ngang ngửa với mẫu Galaxy S21 cao cấp nhất của Samsung về các tính năng, nhưng giá thiết bị của Xiaomi rẻ hơn khoảng 400 USD. Ông nói, Xiaomi đang dần đạt đến đẳng cấp của Samsung.
Minh Duy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư