Rải tiền cho fintech

Rải tiền cho fintech

Chỉ cần lượng tiền không ngừng chảy, nhiều công ty fintech có thể cùng tồn tại và tiếp tục thăng hoa trong một thị trường tài chính đang bùng nổ.

Theo Tech in Asia, VNLife, công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay, vừa huy động thêm 250 triệu USD cho vòng gọi vốn Series B. Vòng gọi vốn này được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1 cũng tham gia rót vốn.

Dòng vốn kìm nén trước dịch bệnh

Số tiền huy động trong vòng Series B sẽ được VNLife sử dụng để tận dụng hơn nữa các cơ hội thị trường rộng lớn trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Trước đó, năm 2019 VNLife từng nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC và SoftBank Vision Fund 1. Với hơn 500 triệu USD huy động được, VNLife có thể xem là một trong các startup ở Việt Nam gọi vốn với quy mô lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Sức hấp dẫn của VNLife nằm ở mảng kinh doanh cốt lõi là VNPay, đơn vị vận hành ứng dụng di động của 22 ngân hàng trong nước như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Theo VNLife, các ứng dụng ngân hàng này cho phép hơn 15 triệu người dùng hằng tháng chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại di động, đặt vé xe buýt, thậm chí mua sắm hàng hoá. VNLife đang điều hành VNPay-QR, một mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt có thể tương tác phục vụ 22 triệu người dùng và hơn 150.000 nhà cung cấp.

Rải tiền cho fintech

Sức hấp dẫn của VNLife nằm ở mảng kinh doanh cốt lõi là VNPay

Dịch bệnh không làm cuộc đua thị phần trong lĩnh vực fintech giảm sức nóng, hàng loạt công ty fintech Việt Nam khác cũng công bố các đợt huy động mới hoặc đầu tư mới từ công ty mẹ để cạnh tranh với nhóm ngoại, cụ thể Moca (Grab) và ShopeePay (Sea).

Trước đó, VNG thông báo dự kiến năm 2021 sẽ lỗ 619 tỉ VNĐ (khoảng 30 triệu USD) để đầu tư cho ZaloPay. MoMo, một ví điện tử khác ở Việt Nam, cũng công bố hoàn thành gọi vốn Series D với tổng số vốn đầu tư đã nhận đến nay là hơn 230 triệu USD.

Các công ty này đang trong cuộc đua mở khoá thị trường tiềm năng ở Việt Nam là dịch vụ tài chính cá nhân. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 có đến 70% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng nhưng hơn một nửa số đó không tiếp cận được tín dụng. Không như các nước phát triển, Việt Nam đang thiếu một cơ chế chấm điểm tín dụng cá nhân. Chính vì thế, thông qua các ứng dụng cài đặt điện thoại thông minh và thực hiện các giao dịch trực tuyến thông qua nó, các fintech kỳ vọng sẽ “vẽ” được bức tranh tài chính của từng cá nhân và tiến hành cho vay chính xác hơn.

Rải tiền cho fintech

VNG thông báo sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD cho ZaloPay

Dư địa để thực hiện hoài bão của các công ty fintech là tỷ lệ sử dụng smartphone và internet ở Việt Nam đều cao. Theo Statista, Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng di động thông minh lớn thứ 2 Đông Nam Á với hơn 60 triệu thiết bị. Tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam cũng thuộc 1 trong 20 nước có tần suất cao, với 70% (theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020).

Theo Do Ventures, nguồn vốn rót vào lĩnh vực fintech tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm qua. Cụ thể, năm 2017 lượng vốn đổ vào fintech chỉ đạt 11 triệu USD. Đến năm 2018, con số này tăng lên 108 triệu USD. Và lượng vốn cao nhất lên tới 340 triệu USD được đầu tư vào năm 2019. Đến nửa đầu năm 2020, nguồn vốn đã giảm còn 22 triệu USD do đại dịch bùng phát. Nhưng nếu nhìn vào xu hướng phát triển toàn cầu, dòng vốn được kỳ vọng sẽ nhanh chóng tăng trở lại và Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư ưa thích so với các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á.

Rải tiền cho fintech

Công ty tư vấn YCP Solidiance dự đoán giá trị giao dịch của thị trường fintech Việt Nam sẽ đạt 22 tỉ USD vào năm 2025, một mức tăng đột biến so với 9 tỉ USD của năm 2019. Các loại hình fintech ở Việt Nam chủ yếu là những công ty thanh toán trung gian và cho vay tài chính. Số lượng các công ty này chiếm hơn 2/3 trên tổng số các loại hình fintech so với mức trung bình 57% ở những thị trường mới nổi khác.

Phân khúc công nghệ bảo hiểm (insurtech) và công nghệ đầu tư (investech) phát triển chậm hơn. Ngoài 4 ngân hàng lớn ở Việt Nam là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, thì các ngân hàng công nghệ mới (challenger bank) hay ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn (neobank) cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, quản lý tài sản (wealth management) cũng là phần khá quan trọng trong fintech khi gần đây có một vài công ty đã phát triển trong mảng này.

Bài học từ Trung Quốc

Rải tiền cho fintech

Ant Group (Alibaba – Trung Quốc) là hình mẫu cho các quỹ đầu tư kỳ vọng fintech sẽ bùng nổ ở các nước có nền kinh tế tiêu dùng phát triển tại Đông Nam Á, như Việt Nam chẳng hạn. Ant Group tiền thân là Alipay, được thành lập năm 2004, là nền tảng thanh toán trực tuyến phục vụ cho khách hàng mua sắm trên các website thuộc hệ sinh thái Alibaba. 5 năm sau, Alipay chiếm hơn 50% thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc. Năm 2011, Alipay tách ra khỏi Alibaba để phát triển ngoài Trung Quốc.

Ant Group ra đời vào năm 2014 để cung cấp dịch vụ tài chính như cho vay và quản lý tài sản cho các tài khoản sử dụng Alipay. Dịch vụ này bắt đầu hoạt động mạnh từ năm 2015, khi Ant Group đưa ra dịch vụ chấm điểm tín dụng mang tên Sesame Credit. Theo báo cáo của Ant Group, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020, nền tảng này đã xử lý lượng giao dịch trị giá 17,2 tỉ USD, cho vay 209 tỉ USD, quản lý tài sản 173 tỉ USD và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 107 triệu người.

Các quỹ đầu tư và doanh nghiệp fintech ở Việt Nam đã nhìn thấy đường đi của Ant: trước hết họ cần là nền tảng thanh toán trực tuyến phổ biến nhất và sẽ có nguồn thu từ mỗi giao dịch. Và khi dữ liệu đủ lớn có thể chấm điểm uy tín từng người dùng, họ sẽ kết nối với công ty cung cấp dịch vụ cho vay và thu phí “chấm điểm công nghệ” như cách Ant Group và Tencent đã và đang làm.

Rải tiền cho fintech

Tổng số vốn đầu tư MoMo đã nhận đến nay là hơn 230 triệu USD

Kinh tế Việt Nam được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2022, kinh tế phát triển sẽ kích thích tiêu dùng và là đòn bẩy cho tài chính cá nhân phát triển. Các quỹ đầu tư và doanh nghiệp fintech hiểu rõ điều này và họ cần đầu tư lớn vào thị trường thu hút người sử dụng để chiếm lợi thế. Ông James Vương, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Infina, một nền tảng chuyên về đầu tư và tích luỹ, cho rằng fintech Việt đang đứng trước những cơ hội lớn. Trước hết, đó là sự tham gia vào thị trường tài chính của thế hệ trẻ và trong tương lai gần là Gen Z, đang và sẽ thay đổi cuộc chơi. “Những điều này mở ra cơ hội phát triển cho các ứng dụng mobile có trải nghiệm người dùng tốt”, ông James nói.

“Nhưng điều kiện ở Việt Nam không giống Trung Quốc”, lãnh đạo một công ty fintech có trụ sở ở TP.HCM chia sẻ. Trong khi Alipay vào thời điểm ra đời không bị quản lý bởi các chính sách thì tại Việt Nam lại rất chặt chẽ. Điển hình như Thông tư 23 sửa đổi ban hành yêu cầu khách hàng mở ví điện tử muốn nạp tiền vào ví phải thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ATM của khách hàng là chủ ví.

Rải tiền cho fintech

Giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam có thời điểm tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020

Hay nói cách khác, muốn mở ví, khách hàng phải có tài khoản ngân hàng. Điều này khiến các ví điện tử không thực sự tiện lợi như Alipay hay WeChat (Tencent) lúc triển khai ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường thanh toán trực tuyến đang chứng kiến sự tham gia của các ngân hàng và sắp tới là các nhà mạng, với dịch vụ Mobile Money. Cả 2 đều được đánh giá cao hơn về điều kiện pháp lý hoặc độ phủ người sử dụng so với các ví điện tử.

Thứ 2, thị trường fintech ở Việt Nam phân mảnh hơn chứ không tụ về một dịch vụ như Ant Group. Thay vào đó, mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tham gia một mảng, rồi mới bắt đầu mở rộng sang các dịch vụ khác.

Trả lời Nikkei Asia, ông Takahiro Suzuki, Đối tác Quản lý của Genesia Ventures, dự báo thị trường fintech cuối cùng có thể hợp nhất 2 hoặc 3 người chơi. “Các nhà đầu tư đứng sau doanh nghiệp đều có lượng tiền rất lớn. Chỉ cần lượng tiền không ngừng chảy, nhiều công ty có thể cùng tồn tại”, ông Takahiro Suzuki nói.

Rải tiền cho fintech

Điều này tương tự như thị trường thương mại điện tử Việt Nam cách đây 4 năm khi các doanh nghiệp thi nhau hút vốn giành thị phần nhưng cuối cùng chỉ các đơn vị có “chống lưng” vững chãi mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, khác với thương mại điện tử, đối với các công ty fintech, quan trọng nhất là dữ liệu đầu vào chất lượng để phân tích hầu bao người dùng. Theo The Economist, dù nhiều đơn vị công nghệ tham gia, kể cả Tencent với dữ liệu có tần suất cao tương tự Ant nhưng giá trị thấp và ít phong phú hơn do Ant sở hữu dữ liệu bán lẻ trực tuyến của hơn một nửa người dân Trung Quốc.

Vì thế, mục tiêu của các ví điện tử ở Việt Nam là tiếp tục tìm mọi cách đón dòng tiền thanh toán trực tuyến người tiêu dùng Việt Nam qua hệ thống của họ, tập trung vào tầng lớp trung lưu vốn đang dẫn dắt thị trường thương mại điện tử. Các chương trình trợ giá, miễn phí phí giao dịch sẽ được kích hoạt cho cả người sử dụng và doanh nghiệp chấp nhận điểm thanh toán.

Rải tiền cho fintech

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc MoMo, cho biết hiện 80% thương mại vẫn là ngoại tuyến, việc mua một ly cà phê là một giao dịch hợp túi tiền và đủ phổ biến để khuyến khích người dùng mở ứng dụng MoMo hằng ngày, hoặc thậm chí nhiều lần trong ngày. Điều đó có thể làm tăng cơ hội sử dụng các dịch vụ khác của MoMo, chẳng hạn như mua vé xem phim, đặt đồ ăn, đặt vé máy bay hoặc chơi trò chơi. “Chúng tôi đã xây dựng một doanh nghiệp khá cân bằng. Vì vậy, MoMo tự tin rằng ngay cả trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp vẫn sẽ có thể duy trì ít nhất 70% doanh thu của một tháng bình thường”, ông Tường nói.

Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có phần yếu thế hơn khi so với các nền tảng ngoại như ShopeePay, sở hữu nền tảng thương mại điện tử hay Moca, sở hữu nền tảng gọi xe phổ biến ở Việt Nam... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng tốc phát triển mạng lưới và người sử dụng. Điển hình như VNPay vào tháng 3 vừa qua đã đưa tính năng tạo ví cho thành viên trong gia đình, theo đó từ một ví chính, chủ ví có thể tạo thêm các ví phụ tuỳ theo số lượng thành viên trong gia đình.

Năm 2020, ZaloPay đã hợp tác cùng các đối tác chiến lược như Lazada, Baemin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C ở nhiều mảng khác nhau (thương mại điện tử, mua sắm, sức khoẻ, làm đẹp). Ví điện tử này hợp tác cùng 269 đối tác mới, trong số đó có Google Play, GS25, Sendo, Bee... Việc tiếp tục bù lỗ năm 2021 cho thấy chiến lược mở rộng mạng lưới đối tác của ZaloPay chưa dừng lại.

Rải tiền cho fintech

Gần đây, việc đầu tư 6 triệu USD vào nền tảng quà tặng trực tuyến Got It cũng được cho là nằm trong chiến lược thúc đẩy sự phổ biến của ZaloPay thông qua hình thức tặng quà cá nhân, vốn rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc (KakaoTalk) và Trung Quốc (WeChat). Tương tự như việc MoMo mua lại công ty chuyên trí tuệ nhân tạo (A.I) để cung cấp, dịch vụ sản phẩm được cá nhân hoá dựa trên nhu cầu người dùng. Mới đây, MoMo đã hợp tác với TPBank đưa ra sản phẩm Ví trả sau, một hình thức thanh toán trước, trả tiền sau với 3 hạn mức là 1 triệu VNĐ, 3 triệu VNĐ và 5 triệu VNĐ. Với mỗi hạn mức, hạn thanh toán sẽ tương ứng ngày 5, ngày 10, ngày 15 của tháng liền kề.

Trong khi đó, nhóm công ty cho vay tài chính, điển hình như Mcredit, MFast thông qua đối tác là các công ty tài chính ở thị trường Việt Nam sẽ mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng bằng những dịch vụ tài chính mới. Dòng vốn huy động được sẽ được tập trung vào mục tiêu này.

Ông Nguyễn Mạnh Khang, Giám đốc Công nghệ Mcredit, đặt mục tiêu phục vụ 10 triệu người trong 5 năm tới. Tốc độ ra mắt dịch vụ là yếu tố giúp công ty đạt được mục tiêu trên, ví dụ như ứng dụng Đu Đủ cứ 2-4 tuần sẽ có dịch vụ mới. Bằng chiến lược này, công ty đang giữ đà tăng trưởng khá tốt. Năm 2020, lợi nhuận tăng 1,7 lần so với năm 2019. Năm 2021, dù nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn tự tin với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận gấp 2,5 lần so với năm 2020.

“Ngành tài chính tiêu dùng là ngành cạnh tranh cao, không có khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ, đơn vị nào có dịch vụ thuận tiện với người sử dụng nhất sẽ có lợi thế hơn”, ông Nguyễn Mạnh Khang nói.

Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư