Đòn bẩy Got It của VNG

Đòn bẩy Got It của VNG

Thương vụ đầu tư 6 triệu USD vào Got It cho thấy tham vọng của VNG muốn thay đổi ngôi vương trong cuộc đua Fintech.

Các lệnh giãn cách do dịch bệnh không cản được tốc độ tăng trưởng quà tặng trực tuyến ở Hàn Quốc. KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin có nhiều người sử dụng nhất của Hàn Quốc, cho biết tần suất tặng quà trực tuyến qua KaKaoTalk Gift đã tăng 52% tính đến cuối tháng 12/2020.

Động lực từ Hàn Quốc

Có khoảng 21,7 triệu người đã sử dụng dịch vụ này của KakaoTalk. Theo Korea Bizwire, ngành công nghiệp quà tặng trực tuyến ở Hàn Quốc có quy mô khoảng 3,1 tỉ USD mỗi năm và KakaoTalk đang thống trị về thị phần.

Dịch vụ quà tặng qua KakaoTalk được ra mắt từ năm 2010, mức giá phổ biến cho mỗi món quà từ 8-16 USD. Theo loại quà tặng, các mặt hàng bán chạy nhất theo thứ tự ưu tiên là cà phê, kem, phiếu mua hàng, gà và các mặt hàng bánh. Gần đây, nước hoa và quần áo đang leo lên bảng xếp hạng.

Từ 15 đối tác bán hàng trên KakaoTalk Gift, hiện đã có 6.000 doanh nghiệp tham gia, tăng 400 lần. Tập khách hàng theo đó cũng mở rộng lên từ giới văn phòng ở độ tuổi 20-30 đến những người từ 40 tuổi trở lên.

Đòn bẩy Got It của VNG

Theo Korea JoongAng Daily, dựa trên dữ liệu KakaoTalk Gift tích luỹ được kể từ khi ra mắt dịch vụ vào tháng 12/2010, sự phổ biến của dịch vụ này vì nó là một hành vi đã có sẵn của xã hội. Trước đây, tặng quà được coi là hoạt động dành cho bạn thân và người yêu nhưng đòi hỏi một quy trình rườm rà, khiến người tặng phải ghé thăm các cửa hàng truyền thống, chọn đúng mặt hàng và dành thời gian để gói quà. Còn bây giờ, quà điện tử đã giúp đơn giản nhiều công đoạn hơn.

Thực ra, biểu đồ tăng trưởng doanh thu của KakaoTalk Gift luôn đi thẳng kể từ khi ra mắt, các lệnh giãn cách vì dịch bệnh không thể kiềm hãm đà tăng trưởng của nó mà chỉ là chất xúc tác để dịch vụ phổ biến hơn mà thôi.

Giống như nhiều quốc gia Châu Á khác, người Hàn Quốc thường xuyên tặng quà nhau vào các dịp lễ trong năm, như đám cưới và cả đám tang. Kakao Pay là bộ phận hưởng lợi khi dịch vụ quà tặng trực tuyến lên ngôi. Theo phân tích năm 2020 của Shinhan Investment Corp, Kakao Pay có 35 triệu người đăng ký và tăng trưởng gấp 2 lần trong dịch bệnh vì người sử dụng dùng để tặng quà trực tuyến, đám cưới/ đám tang.

Sự chuẩn bị của VNG

Quay lại câu chuyện VNG, thành công của KakaoTalk là điều mà đơn vị này đang muốn áp dụng cho Zalo và ZaloPay. Nhìn chung, dù sở hữu ứng dụng nhắn tin có quy mô lớn nhất Việt Nam, 100 triệu người sử dụng nhưng công ty này chưa tạo được nhiều dấu ấn trong việc phát triển thương mại điện tử qua Zalo.

Tương tự, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, năm 2020 ZaloPay đang xếp thứ 3 sau MoMo, Moca về tần suất sử dụng cũng như giá trị thanh toán hằng ngày. VNG cần các chiến lược đột phá và ít tốn kém hơn để tận dụng nền tảng người sử dụng Zalo nâng hạng ZaloPay trong thời gian ngắn. Việc đầu tư vào Got It, startup chuyên cung cấp dịch vụ quà tặng trực tuyến, là động thái dễ hiểu sau câu chuyện của KakaoTalk, WeChat, các ứng dụng chat hàng đầu Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đòn bẩy Got It của VNG

Thời điểm nhận đầu tư từ VNG, Got It đã cung cấp được phiếu quà tặng điện tử cho hơn 500 doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp đa quốc gia và các tập đoàn trong nước, triển khai những chương trình chăm sóc khách hàng, thưởng nhân viên và thực hiện các chiến dịch quảng bá thương hiệu.

Trong 6 năm qua, Got It đã xây dựng được mạng lưới quà tặng điện tử hơn 12.000 cửa hàng ở 64 tỉnh, thành cùng hơn 160 đối tác đa ngành nghề trong và ngoài nước như cà phê và bánh, thời trang, nhà hàng, giải trí, mỹ phẩm, mẹ và bé, mua sắm, tiện ích. Tính đến cuối năm 2020, có hơn 20 triệu voucher điện tử đã được phát hành thông qua nền tảng Got It.

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNG, cho biết chuyển đổi số cũng như công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới hoặc hơn.

“Đây là cơ hội cho VNG nhưng chúng tôi cũng không thể đầu tư tất cả mọi lĩnh vực nên sẽ tìm cách tham gia các cơ hội đó bằng việc đầu tư vào những đối tác tiềm năng”, ông Minh nói.

Theo đánh giá của bà Thuỳ Bùi, Giám đốc Quan hệ đối tác của Got It, công ty vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của Got It vẫn phát triển 100% so với cùng kỳ năm ngoái. “Với quy mô hiện tại thì năm 2021 chúng tôi vẫn tiếp tục dự kiến tăng trưởng đạt mức 150% và sẽ phát hành thêm 15 triệu voucher đến tay người dùng”, bà Thùy nói.

Việc hợp tác với Zalo là lợi thế vì ứng dụng này đang sở hữu người sử dụng lớn ở Việt Nam. Bà Thuỳ ước tính nếu mỗi combo quà tặng bao gồm cà phê, bánh mì khoảng 70.000 đồng thì chỉ cần 40% người sử dụng Zalo chấp nhận đã là một thị trường rất lớn.

Nếu làm tốt hơn, ngân sách tặng quà trực tuyến có thể tăng lên mức 500.000 đồng/lần. Trước mắt, Got It đang thử nghiệm tất cả các bước mà khách hàng trải nghiệm trên nền tảng Zalo, ví dụ như khách hàng mua quà, tặng quà như thế nào để có được trải nghiệm tốt nhất.

“Khi thử nghiệm hoàn thành, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thông qua các chương trình tiếp thị, chiến dịch quảng bá để phổ biến thói quen tặng quà trực tuyến”, bà Thuỳ nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư