Bỏ lỡ cơ hội mua Club Penguin với giá 4 triệu USD, 2 năm sau Disney phải trả tới 350 triệu USD để mua lại chính startup này
Những ý tưởng tuyệt vời không phải lúc nào cũng được đánh giá cao ngay từ đầu.
Những ý tưởng khởi nghiệp mới luôn được các doanh nhân coi trọng. Chúng tạo nên động lực thúc đẩy họ xây dựng và phát triển doanh nghiệp của mình. Tuy vậy, những ý tưởng này vẫn mang tới nhiều thách thức riêng. Bởi vì quá phấn khích với ý tưởng mới, những doanh nhân này cho rằng rất nhiều người khác cũng nghĩ giống mình. Điều đó khiến họ ám ảnh về việc ai đó sẽ ăn cắp ý tưởng của họ.
Đây chính xác là điều đã xảy ra với doanh nhân Lane Merrifield, khi ông cho ra mắt một trang mạng xã hội cung cấp trò chơi trực tuyến được thiết kế cho trẻ em với tên gọi Club Penguin. Ông ấy đã bán trò chơi này cho Disney với giá 350 triệu USD. Tuy nhiên, thời gian trước đó ông luôn sống trong lo ngại về việc những công ty lớn như Disney sẽ lấy cắp ý tưởng của mình.
Hầu hết các doanh nhân đều có cùng mối lo về việc bị ăn cắp ý tưởng như Lane Merrifield. Nhưng thực tế họ đã sai. Để hiểu lý do tại sao, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quá trình Lane Merrifield xây dựng và bán trò chơi của mình như thế nào.
Câu chuyện này dựa theo một Podcast và một cuộc phỏng vấn được thực hiện với Lane Merrifield vào ngày 4/5/2021.
Giải thích về Club Penguin cho những người lớn tuổi
Về phương diện cá nhân, tôi không có số liệu nhân khẩu học chính xác về trò chơi này. Thực chất, Club Penguin là trò chơi trực tuyến nhiều người chơi (MMOG) trở nên phổ biến với trẻ em vào những năm 2000. Club Penguin là một trang web dựa trên một trò chơi, trong trò chơi này bạn sẽ trở thành một chú chim cánh cụt. Bạn có thể tự chọn màu sắc cho chú chim của mình, chọn tên trên màn hình và bạn có thể trang trí lều tuyết, hoặc trang trí những bộ trang phục cho chúng...
Thế giới trò chơi này được chia thành nhiều phòng chơi, bạn có thể thấy cùng lúc từ 50-100 chú chim cánh cụt khác nhau chung phòng với mình. Bạn cũng có thể đi vòng quanh và ném những quả bóng tuyết vào những chú chim khác, trò chuyện với nhau và chơi những trò chơi nhỏ để kiếm tiền. Số tiền đó sẽ được dùng để trang trí cho chim cánh cụt hoặc lều tuyết.
Dựa trên mô tả trên, bạn hoàn toàn có thể hình dung ra tại sao những người từng chơi Club Penguin đều cảm thấy nó không thú vị cho lắm. Tuy nhiên trong thời kỳ hoàng kim, những đứa trẻ đều rất thích trò chơi này. Sự thật là Club Penguin đã có hơn 200 triệu người dùng đăng ký.
Chính xác là vậy, vào thời kỳ đầu của một trò chơi trực tuyến nơi những đứa trẻ đi xung quanh một vùng băng tuyết, hoá thân thành chim cánh cụt. Club Penguin thực sự đã từng là một trong những cộng đồng lớn và phổ biến nhất trên thế giới. Nếu bạn cũng bất ngờ trước sự thật đó như tôi, thì bạn sẽ hiểu tại sao ý tưởng này không bị ai đánh cắp.
Cái nhìn độc đáo tạo nên ý tưởng mang tính cách mạng
Mặc dù quan sát bên ngoài ý tưởng của Club Penguin có vẻ vô lý, nhưng Lane Merrifield lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Thậm chí ông luôn lo ngại rằng mọi người sẽ đánh cắp ý tưởng của mình.
“Tôi còn trẻ và còn thiếu hiểu biết về điều chúng tôi đang thực hiện. Cái cách mà chúng tôi nghĩ về ý tưởng và giải quyết các vấn đề rất tự nhiên. Điều đó khiến tôi cảm thấy những người khác cũng sẽ nghĩ như vậy”.
Nhiều doanh nhân khác cũng có suy nghĩ giống với Lane Merrifield. Nhưng tất cả nên biết rằng, ý tưởng của họ trông có vẻ rõ ràng nhưng thực chất đây chỉ là đánh lừa chính mình. Và dĩ nhiên, thoạt đầu ai cũng nghĩ ý tưởng của mình tốt. Nhưng mỗi ý tưởng là sự kết hợp của cá nhân với kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm sống của mỗi người lại có sự khác biệt, nên việc nhiều người có cùng niềm tin và ý tưởng rất khó xảy ra.
Những chuyện đã xảy ra với Lane Merrifield khi ông cố gắng liên hệ với Yahoo chính là minh chứng:
“Yahoo đang tìm kiếm một trò chơi... nên chúng tôi muốn giới thiệu với họ về một trò chơi như một thế giới ảo mà chúng tôi tạo ra. Họ đã đồng ý. Nhưng sau 10 phút theo dõi họ không mấy quan tâm và nói rằng: Trò chơi này thật ngu ngốc, sẽ không ai chơi nó. Chúng tôi không cảm thấy hứng thú chút nào”.
Yahoo không phải công ty duy nhất bỏ qua tiềm năng của Club Penguin, Lane Merrifield cũng từng liên hệ với Disney – công ty sau này mua lại Club Penguin, nhưng họ cũng từ chối. Ông cho biết:
“Thật sự tôi đã liên hệ với Disney, vào thời điểm đó chúng tôi sẵn lòng bán Club Penguin với giá 4 triệu USD. Và chúng tôi mong đợi nhận được một lời đồng ý và mọi người sẽ thấy nó thành công như thế nào. Chúng tôi đã lầm tưởng Disney dễ liên hệ hơn Yahoo! Nhưng họ chỉ phản hồi một cách thân thiện rằng nếu họ muốn một thứ gì đó như thế này họ có thể tự tạo ra chúng – kèm theo một lời cảm ơn”.
Đúng là vậy, một công ty sẵn sàng mua Club Penguin với giá 350 triệu USD đã từng bỏ lỡ cơ hội mua nó với giá 4 triệu USD, chỉ vì nghĩ đây là ý tưởng tồi tệ vào 2 năm trước.
Bị từ chối không hẳn là điều xấu
Những ý tưởng tuyệt vời hiếm khi được coi trọng khi nó mới hình thành. Thay vào đó người ta coi nó là ý tưởng tồi tệ cho đến khi giá trị của nó được chứng minh.
Những lo ngại ban đầu của Lane Merrifield về việc những công ty khác muốn đánh cắp ý tưởng của ông là vô căn cứ. Nhưng ông không thể ngừng lo lắng về điều này, Lane Merrifield chia sẻ:
Vào giây phút mọi người từ chối sản phẩm chúng tôi cố gắng xây dựng, cuộc săn như được bắt đầu... giống như có ai đó đang cầm cây súng nhắm vào chúng tôi. Tôi nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng thợ săn phía sau mình. Tôi chỉ biết rằng mình cần chạy trước, tập trung vào mục tiêu và chạy nhanh nhất có thể.
Lane Merrifield có cảm giác như mình đang bị rượt đuổi (mặc dù không phải vậy), điều này khiến ông cố gắng xây dựng ý tưởng thật nhanh mặc dù nỗi sợ bị đánh cắp ý tưởng là không có thật.
Tuy những công ty khác không có hứng thú với ý tưởng của ông. Nhưng tất nhiên họ vẫn muốn chiếm thị trường. Họ chạy theo ông vì thành công mà Club Penguin đạt được.
Câu chuyện cho chúng ta thấy rằng ý tưởng của Lane không phải thứ giá trị. Chính sự thành công của nó mới mang lại giá trị. Hay nói cách khác, những ý tưởng tuyệt vời hiếm khi được coi trọng khi nó mới hình thành. Thay vào đó người ta coi nó là ý tưởng tồi tệ (trừ người tạo ra ý tưởng đó) cho đến khi giá trị của nó được chứng minh.
Mộc Dương
Nguồn CafeBiz