Bà Cao Thị Ngọc Dung kể chuyện tìm ‘người kế vị’ ở PNJ

Bà Cao Thị Ngọc Dung kể chuyện tìm ‘người kế vị’ ở PNJ

“Doanh nghiệp càng lớn, càng thành công, việc tìm người kế thừa càng khó” – nhận định của ông Trần Bằng Việt – CEO Dong A Solutions khá chuẩn với trường hợp của đại gia bán lẻ trang sức PNJ.

Chủ tịch HĐQT PNJ Cao Thị Ngọc Dung chọn người kế vị từ những năm 2009-2010, nhưng vị này xin rút vài năm sau đó, một ứng cử viên khác cho vị trí CEO PNJ trước thời khắc quyết định đã viết một lá thư trong đêm, cũng xin rút và đề cử ông Lê Trí Thông.

“Việc lựa chọn đội ngũ kế thừa cho một tổ chức là cực kỳ khó”, Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) – nhìn nhận.

Chia sẻ tại sự kiện “Phát triển kế thừa – Nghệ thuật hay Kỹ thuật”, bà Dung cho biết trong suốt quá trình mấy chục năm, PNJ có đào tạo các vị trí kế thừa. Tuy nhiên tuỳ thời kỳ, khi doanh nghiệp lớn, đôi khi nhân sự hội tụ đầy đủ về cái tâm, lại không hội tụ đủ về cái tài, do quy mô doanh nghiệp đi nhanh quá.

Hạt giống CEO thời kỳ đầu: Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh

Bà Cao Thị Ngọc Dung kể chuyện tìm ‘người kế vị’ ở PNJ

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh

Cái tên Cao Thị Ngọc Dung đã gắn với PNJ từ khi thành lập vào năm 1988, gây áp lực rất lớn lên vai người kế nhiệm. PNJ tiền thân là Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Đá quý Quận Phú Nhuận, được thành lập vào tháng 4/1988, trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận. Đến năm 2004, công ty cổ phần hoá và chính thức đổi tên thành CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

Theo cơ chế của PNJ, khi có quy hoạch cán bộ, sẽ không vội công bố. Người được quy hoạch sẽ được thông báo, và khi nhận được sự đồng thuận của nhân sự chủ chốt, thì vị trí kế thừa mới công bố ra bên ngoài. Với vị trí CEO PNJ cũng vậy.

Thời điểm sau cổ phần hóa, trở thành một công ty bán lẻ và có sự tham gia của tư vấn nước ngoài, PNJ quy hoạch mạng lưới tổ chức công ty mới, đồng thời có sự chuẩn bị nhân sự thay bà Dung đảm nhận vị trí CEO PNJ.

Bà Dung tiết lộ, việc chuẩn bị nhân sự thay thế bà trong vị trí CEO được thực hiện từ những năm 2009-2010. Người được chọn ngày ấy là ông Nguyễn Tuấn Quỳnh. Ông Quỳnh có bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Công nghệ Paramount (Hoa Kỳ), giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc CTCP Gas Sài Gòn từ năm 2005.

Bà Cao Thị Ngọc Dung kể chuyện tìm ‘người kế vị’ ở PNJ

“Tôi từng được đánh giá là một trong số người điều hành kinh doanh gas giỏi nhất thị trường thời điểm đó, năm 35 tuổi”, ông Quỳnh cho biết trên một talkshow mới đây.

Năm 2007, ông chuyển sang PNJ giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc, phụ trách mảng Ðầu tư – Tiếp thị kiêm Phó chủ tịch HĐQT Vinagas – một công ty con kinh doanh gas của PNJ. Năm 2012, ông Quỳnh có một ghế trong Hội đồng quản trị công ty, chính thức chuẩn bị cho công việc kế thừa vị trí ghế CEO của bà Cao Thị Ngọc Dung.

“Một thời gian sau, anh Quỳnh xin rút vì thấy không phù hợp”, bà Dung kể.

Tại Đại hội cổ đông PNJ năm 2017, ông Quỳnh miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT. Dàn ứng cử viên HĐQT có gương mặt mới – ông Lê Trí Thông.

Thời điểm đó, trả lời cổ đông về vị trí Tổng Giám đốc, bà Dung cho biết sau 3 năm đào tạo nhân sự bài bản, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh xin rút vì lý do cá nhân. “Bà Dung sẽ tạm thời tiếp tục điều hành PNJ cho đến khi đào tạo thành công người thay thế. Phương án nhân sự thay thế PNJ luôn có nhưng chưa thể chuyển giao”, biên bản ĐHCĐ cho biết.

Ông Quỳnh sau đó tìm được niềm đam mê với sách, và khởi nghiệp Saigon Books ở tuổi 44.

Lá thư trong đêm đề cử ông Lê Trí Thông

Bà Cao Thị Ngọc Dung kể chuyện tìm ‘người kế vị’ ở PNJ

Ông Lê Trí Thông

Nhân sự tiếp theo được quy hoạch vào vị trí CEO là ông Lê Hữu Hạnh, cũng là Phó Tổng Giám đốc PNJ phụ trách kinh doanh thời điểm đó. Nhưng đến năm 2016, khi công ty phát triển tới tầm doanh thu 8.500 tỉ đồng, đồng thời với sự xuất hiện của ông Lê Trí Thông, bà Dung kể lại là ông Hạnh có cảm giác “như được giải phóng”.

“Theo kế hoạch, năm 2018 – kỷ niệm 30 năm thành lập công ty, chúng tôi sẽ quyết định chuyển giao cho nhân sự nào, thì một đêm anh Hạnh viết cho tôi một lá thư, trong đó viết rằng ‘Dù chị giận em, em cũng phải nói một điều. Em đề nghị chị phải quy hoạch anh Thông, em xin rút lui khỏi vị trí được quy hoạch’”, bà Dung kể.

Tháng 3/2018, PNJ tuyên bố chuyển giao vị trí CEO từ bà Cao Thị Ngọc Dung sang ông Lê Trí Thông. Ông Thông là anh trai của bà Lê Diệp Kiều Trang, sở hữu bằng MBA tại Đại học Oxford, với nhiều năm kinh nghiệm tại Ngân hàng TMCP Đông Á và Tập đoàn tư vấn quản trị BCG Vietnam.

Việc phát triển đội ngũ kế thừa, bà Dung cho rằng cần cả kỹ thuật lẫn nghệ thuật. Với PNJ, nếu phân rõ Tài và Đức, thì PNJ sẽ chọn Đức. “Năng lực có thể 7 điểm, nhưng đạo đức, cách phù hợp với văn hoá tổ chức thì chúng tôi đòi hỏi rất cao”, bà Dung nói.

Với PNJ, nếu phân rõ Tài và ĐỨC, thì PNJ sẽ chọn Đức.

“Giá trị, lẽ sống của PNJ là niềm tin. Khi đội ngũ lãnh đạo chúng tôi tham gia PNJ thì phải hiểu văn hoá, lẽ sống PNJ là gì, và tầm nhìn sứ mệnh từng thời kỳ, giá tri cốt lõi… Một nhân sự chúng tôi tuyển dụng và nằm trong đội ngũ succession plan (tạm hiểu: kế hoạch phát triển đội ngũ kế thừa) phải là người thấu hiểu lẽ sống, sống trong lẽ sống của PNJ. Bạn không phù hợp văn hoá thì không phải do bạn đúng hay sai, nhưng khi nằm trong đội ngũ kế thừa, bạn phải hiểu văn hoá và sống trong văn hoá đó”.

33 năm phát triển, PNJ từ một cửa hàng có 10 nhân viên trở thành doanh nghiệp 6.300 nhân viên (tính đến cuối tháng 3/2021). 5 tháng đầu năm 2021, PNJ đạt 10.626 tỉ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 685 tỉ đồng, lần lượt tăng 62,9% và 90,6% so với cùng kỳ.

PNJ mở thêm 3 cửa hàng PNJ Gold và ra mắt thương hiệu quốc tế Pandora theo mô hình shop-in-shop nhằm khai thác phân khúc khách hàng mới, lấn sân sang các dòng sản phẩm có mức giá vừa phải, phù hợp với nhiều đối tượng, tối ưu hoá không gian, chi phí và lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 5/2021, mạng lưới bán lẻ của PNJ có 343 cửa hàng.

Bảo Bảo
Nguồn CafeBiz