Dược Hậu Giang kinh doanh khởi sắc trong quý II

Dược Hậu Giang kinh doanh khởi sắc trong quý II

Dược Hậu Giang nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực nên tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý II, nhờ Dược Hậu Giang tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực của công ty, tổ chức chặt chẽ các hệ thống phân phối và kết nối với khách hàng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được tiết giảm phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) trong quý II năm nay khởi sắc hơn cùng kỳ 2020. Doanh thu thuần đạt gần 948 tỉ đồng, tăng hơn 15%. Trong đó, chiếm đa số là doanh thu hàng của Công ty Dược Hậu Giang, các khoản thu khác chiếm tỷ trọng thấp nhưng tăng trưởng hơn 83%. Giá vốn bán hàng tăng nhanh hơn doanh thu khiến biên lợi nhuận gộp kỳ này giảm nhẹ về khoảng 49%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang có 1.965 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong đó, hơn 80% là hàng DHG. Lợi nhuận sau thuế đạt 404 tỉ đồng, tăng 11,5% so với 6 tháng đầu năm 2020. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành một nửa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Dược Hậu Giang kinh doanh khởi sắc trong quý II

Trong giai đoạn 2022-2025, Dược Hậu Giang đưa ra mục tiêu tăng trưởng bình quân 8-10% mỗi năm
Ảnh: TL

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Công ty Dược Hậu Giang đạt hơn 4.500 tỉ đồng. So với các công ty cùng ngành, tổng tài sản của Dược Hậu Giang luôn được giữ ở mức cao, kỳ này gấp đôi Imexpharm, gấp 3 lần Trapaco và gần 4 lần OPC. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hàng tồn kho của hãng dược này vào khoảng 990 tỉ đồng, tăng gần 20%. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản nợ xấu gần 100 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Giá trị có thể thu hồi ước tính vào khoảng hơn một nửa con số trên.

Dược Hậu Giang hiện có gần 2.200 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng, tăng nhẹ so với đầu năm. Dù vậy, tiền lãi công ty thu về lại giảm còn gần 30 tỉ đồng.

6 tháng qua, Dược Hậu Giang có hơn 1.100 tỉ đồng nợ phải trả. So với đầu năm, con số này tăng gần 27% chủ yếu do tăng gấp đôi vay ngắn hạn. Các khoản vay chịu lãi suất từ 0,18-0,28% một tháng. Tuy vậy, công ty không có khoản vay ngắn hạn nào quá hạn thanh toán.

Trong giai đoạn 2022-2025, Dược Hậu Giang đưa ra mục tiêu tăng trưởng bình quân 8-10% mỗi năm. Mức này thấp hơn tỷ lệ 11% chung của ngành dược mà công ty nghiên cứu thị trường IBM từng dự báo.

Sơn Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư