“Hãy đứng trên vai của người khổng lồ, chứ đừng ngủ gật trên vai của họ” qua case study từ Tập đoàn Phú Thái
Theo Chủ tịch Phú Thái, “đứng trên vai người khổng lồ” nên là một chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp Việt cần cân nhắc, bởi chỉ khi đứng gần ‘người khổng lồ’ mình mới biết được mình là ai và cơ hội học tập, tiến bộ thì ‘bao la bát ngát’. Cho dù ‘cạm bẫy’ cũng khá nhiều: bị ‘đá’ giữa chừng vì trình độ mình mãi không tiệm cận họ, ảo tưởng về sức mạnh, khả năng…
Tập đoàn Phú Thái đang là nhà phân phối tại Việt Nam cho những ‘ông lớn’ như P&G, Dutch Lady – Friesland Campina, Cuckoo, Kewpie, Rohto, Paloma, Chang Beer…
Với 28 năm lèo lái Tập đoàn Phú Thái ‘đứng trên vai nhiều người khổng lồ’, Chủ tịch Phạm Đình Đoàn có lẽ là một những người có nhiều kinh nghiệm, để có thể chia sẻ với các doanh chủ về con đường này.
Trung thực, cầu thị và nghiêm túc, đấy cũng là tài sản vô hình quan trọng
“Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng: cơ hội để có thể ‘đứng trên vai người khổng lồ’ của các doanh nghiệp Việt rất lớn. Khi các tập đoàn nước ngoài muốn vào Việt Nam, đầu tiên, người ta muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam, vì họ cần điểm tựa ở địa phương.
Trừ phi, không tìm được đối tượng phù hợp, do các doanh nghiệp Việt nhỏ bé – quá yếu, thì họ mới lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài”, ông Phạm Đình Đoàn nhận định trong Chương trình BNI Business Booster Series số 8: Kinh doanh với chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”.
Trong quá trình giao kết, ngoài xem xét kế hoạch kinh doanh, sứ mệnh và văn hoá doanh nghiệp Việt; đối tác nước ngoài còn thẩm định con người của chúng ta. Họ muốn tiếp xúc từng thành phần trong Ban lãnh đạo, để xem có làm được hay không; hay đang thuê một công ty tư vấn để vẽ ra những kế hoạch hoành tráng.
Ngoài ra, mỗi đối tác đến từ các quốc gia khác nhau, có cách thẩm định con người khác nhau. Các doanh nghiệp Trung Quốc hay xem tướng số. Doanh nghiệp Nhật không xem tướng số, nhưng họ tiếp cận ở các cấp độ lãnh đạo – nhân sự và môi trường khác nhau; sau đó, họ định ra tính cách, tư duy của chúng ta như thế nào. Doanh nghiệp Âu Mỹ thì đề cao tính cá nhân, người ta sẽ tiếp xúc nhiều với các yếu nhân trong công ty.
“Thế nên, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có định hướng xây dựng thương hiệu kiểu trung thực, cầu thị và nghiêm túc: đấy cũng là tài sản vô hình quan trọng.
Nhiều tỷ phú nước ngoài, khi gặp tôi và Phú Thái cũng hay nói: ‘Chúng tôi đánh giá cao sự chân thành’. Có lẽ, Phú Thái được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tin tưởng, cũng vì chúng tôi rất chân thành, làm việc rất trung thực và gắn bó với người ta trong mọi hoàn cảnh
Hơn nữa, tôi cũng là người đưa ra quan điểm phát triển cho Phú Thái: luôn hết sức minh bạch. Nôm na, tôi là người không đi theo hướng phát triển không lành mạnh, tức phát triển dựa vào thế lực này, thế lực kia. Nếu muốn doanh nghiệp mình phát triển quy mô lớn, thì cần phải tuân thủ pháp luật cao và minh bạch ngay từ đầu”, Chủ tịch Phú Thái tiết lộ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải có định hướng xây dựng thương hiệu kiểu trung thực, cầu thị và nghiêm túc.
Cũng theo nhận định của ông, thì Việt Nam đã có khá nhiều doanh nghiệp thành công khi đi theo chiến lược ‘đứng trên vai người khổng lồ’. Ví dụ: Asanzo có giai đoạn thành công với tốc độ phát triển rất tốt; Novaon đứng trên vai người khổng lồ như Google, Facebook, Alibaba; Egroup có chiến thuật ‘mượn, giành, dẫn’; Trung Nguyên tận dụng Starbucks để quảng bá thương hiệu…
Ông giải thích thêm: ông không nói là các doanh nghiệp nêu phía trên sẽ thành công mãi mãi, nhưng họ đã có giai đoạn thành công trong việc tiếp cận các tập đoàn lớn trên thế giới hay phân phối cho các tập đoàn lớn, hoặc người ta liên doanh – co-branding – bán cổ phần hoặc sáp nhập. Tuy nhiên, sau này họ có tiếp tục đi về phía trước hay không là 1 câu chuyện khác nữa.
Trong ‘cơ’ cũng đầy rẫy ‘nguy’
“Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt khi hợp tác với ‘người khổng lồ’ là để chúng ta có cơ hội biến thành ‘người khổng lồ’ khác. Thế nên, nếu chúng ta quá dựa dẫm vào họ là không được.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đi theo chiến lược này, thoạt trông rất hoành tráng, nhưng nhìn sâu thì cảm giác họ mãi không lớn mạnh, vì cứ lệ thuộc ‘người khổng lồ’. Biết đâu, đến một lúc nào đó, ‘người khổng lồ’ cũng không cần mình nữa”, Chủ tịch Phú Thái tiếp tục phân tích.
Phần Phú Thái, khi làm phân phối cho những tập đoàn đa quốc gia, họ luôn phải nghĩ tới giai đoạn mình có thể tự sản xuất và có những sản phẩm riêng.
Hiện tại, mảng kinh doanh của Phú Thái rất đa dạng, từ máy móc công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng, dược phẩm, thú y, trường học, hệ thống nhà hàng… Và khi họ có ý định phát triển ở lĩnh vực gì, đều đặt mục tiêu: phải nằm trong top 3 thị trường, thì mới làm. Hiện tại, lĩnh vực thú y có thể nằm ở top 3, ở các lĩnh vực khác đang ở top đầu. Phú Thái sẽ đầu tư nhiều lĩnh vực mới và tiềm năng, nếu họ cảm thấy có cơ hội.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đã triển khai sản xuất một số mảng hàng hóa nhất định. Xu hướng là trong tương lai gần, Phú Thái sẽ mở rộng mảng sản xuất của mình hơn nữa, khép kín chuỗi cung ứng. Chiến lược này được Phú Thái học tập từ mô hình của 1 số doanh nghiệp lớn của Nhật, như Tập đoàn Sumitomo hay Mitsubishi.
“Trước đó, những tập đoàn này chỉ đơn thuần là tập đoàn thương mại, sau đó người ta mới nghĩ đến sản xuất – bán lẻ, nghĩ đến logistic. Như Tập đoàn Itochu, sau này họ còn trồng chuối, bởi họ muốn khép kín chuỗi cung ứng từ trồng trọt – chế biến – vận chuyện – bán lẻ – bán online. Họ làm hết.
Phú Thái vẫn đang chọn lựa lĩnh vực sản xuất có tính hiệu quả cao. Hơn nữa, nếu sau này, các thương hiệu toàn cầu có ý định sản xuất trực tiếp tại thị trường Việt Nam, chúng tôi sẽ tham gia cùng. Mặc dù, có những doanh nghiệp 60 đến 70 năm chỉ làm phân phối, bởi các hãng sản xuất luôn cần có hệ thống phân phối, chứ họ không muốn tự làm”, Chủ tịch Phú Thái tiết lộ.
‘Cạm bẫy’ thứ hai: ảo tưởng về sức mạnh và khả năng. Bởi khi đạt được một số thành công nhất định nhờ dùng những tài nguyên có sẵn của đối tác, vài doanh nghiệp lập tức tung hô bản thân, quên mất mình đang đứng trên vai người khác. Những doanh nghiệp như thế sẽ chẳng là gì, nếu họ bị ‘người khổng lồ’ bỏ xuống dưới đất.
Một khi chúng ta ảo tưởng về sức mạnh, sẽ làm giảm khả năng học hỏi. Khi sử dụng quá đà những tiện ích – công cụ ‘người khổng lồ’ đã trải thảm, chủ doanh nghiệp có thể mất dần khả năng học hỏi từ người xung quanh; mất khả năng tư duy – sáng tạo, đi vào lối mòn của người đi trước. Hậu quả: doanh nghiệp quá lệ thuộc vào người khác và sợ cái mới.
“Hãy đứng trên vai của người khổng lồ, chứ đừng ngủ gật trên vai của họ”, ông Phạm Đình Đoàn mượn lời người đi trước để nhắn nhủ.
Hãy cứ dũng cảm tham chiến, ‘chia ly’ là một phần của cuộc chơi
Ngoài những ‘cạm bẫy kể trên’, thực tế là không ít doanh nghiệp Việt bị ‘người khổng lồ’ đá ra khỏi liên doanh giữa cuộc chơi. Vậy chiến lược ‘đứng trên vai khổng lồ’ có đáng để chúng ta theo đuổi?
“Bây giờ, tỷ lệ ly hôn ở khu vực thành thị Việt Nam khoảng từ 30% đến 50%, có khi ở các nước phát triển còn nhiều hơn. Đó là hệ quả của con đường đi của chồng – vợ khác nhau. Hai người trong liên doanh cũng thế thôi.
Người ta hay bảo doanh nghiệp Việt chỉ góp vốn bằng đất – nói thế chứ mình phải góp bằng chiến lược và nhiều thứ khác.
Bởi, doanh nghiệp Việt Nam, nếu không thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong liên doanh, thì người ta cũng không muốn đi cùng. Tập đoàn quốc tế người ta suy nghĩ 5 sao, mình cứ lẹt đẹt 1,5 sao đến 2 sao, tất nhiên không thể đi cùng nhau lâu dài. Hoặc nữa, dù hợp tác trong giai đoạn đầu ổn, nhưng nếu mình không theo kịp, ‘người khổng lồ’, có thể thôn tính mình nhanh”, ông nhận định.
Phát triển doanh nghiệp như cuộc chạy tiếp sức vượt rào, phải có nguồn lực hậu thuẫn chúng ta. Có doanh nghiệp 10km đầu luôn dẫn đầu và bỏ xa người khác, nhưng những km sau thì chùng lại và không về đích đầu tiên. Việc làm thế nào để lượng sức nhằm phát triển bền vững vô cùng quan trọng.
Ví dụ: Việc doanh nghiệp có nguồn vốn không nhiều lắm mà muốn phát triển chuỗi hoặc kinh doanh quy mô lớn. Kinh doanh quy mô lớn cần nguồn vốn lớn – khoảng 500-1.000 tỉ, mà với số vốn đó trong giai đoạn đầu, Ngân hàng sẽ không bao giờ cho vay. Vậy mà, nhiều doanh nghiệp cứ lao vào làm, kết cục không thành công được bởi hụt vốn giữa chừng.
Tuy nhiên, nếu giữa chừng chúng ta được tiếp sức bằng những đối tác mạnh, có thể chúng ta sẽ thành công.
“Chỉ khi đứng gần ‘người khổng lồ’, chúng ta mới biết mình khổng lồ hay không, hay mình bao lớn. Giống như Phú Thái, khi đi làm việc với các tỷ phú và tập đoàn thế giới, cũng học tập họ rất nhiều và cách làm việc của mình cũng khác. Như khi làm việc với cấp phường, khác cấp tỉnh và khác cấp nhà nước. Đây là những nguồn lực vô hình mà các lãnh đạo cần biết, để tận dụng đi trước trong các công cuộc cạnh tranh”, ông Phạm Đình Đoàn kết luận.
Quỳnh Như
Nguồn CafeF