Leflair trở lại, lợi hại còn không?

Leflair trở lại, lợi hại còn không?

Leflair đang tìm đường trở lại thị trường Việt Nam ngay sau khi về tay chủ mới.

Society Pass (Sopa), công ty công nghệ Mỹ, sẽ là đơn vị chủ quản mới của Leflair và cho biết sẽ đưa website này hoạt động trở lại Việt Nam vào quý III năm nay. Trước Leflair, công ty đang vận hành website ẩm thực Sopa và Hottab, một đơn vị cung cấp hệ thống POS cho nhà hàng ở Việt Nam.

Công ty cho biết sẽ tích hợp Leflair vào hệ sinh thái của 2 doanh nghiệp nói trên. Điều này sẽ giúp Leflair bổ sung giải pháp và kết nối tiếp thị cùng hạ tầng thiết bị hỗ trợ thanh toán trung gian, dịch vụ quản lý dữ liệu khách hàng thân thiết và phân tích hành vi tiêu dùng cũng như chăm sóc khách hàng hậu mãi.

Leflair trở lại, lợi hại còn không?

Được biết, Sopa được lập năm 2018 tại New York (Mỹ) bởi ông Dennis Nguyễn. Năm 2019, Công ty sáp nhập với #Hottab, Sopa tham vọng xây dựng một nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nhà hàng, đồ uống (F&B) đặt hàng trực tuyến, đồng thời cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng tích điểm.

Sopa không thu phí hoa hồng mỗi đơn hàng phát sinh mà thu phí những dịch vụ bổ sung trong hệ sinh thái. Theo thông tin tham khảo từ website Zoominfo, tính đến thời điểm hiện tại, Sopa có 23 nhân viên với doanh thu ước tính 4 triệu USD. “Chúng tôi đã dành 2 năm để phát triển Sopa với hệ thống nền tảng rất tinh vi”, ông Dennis Nguyễn chia sẻ. Trước khi bị đóng cửa, Leflair có 5 năm hoạt động theo mô hình giảm giá có thời hạn hàng hiệu ở Việt Nam.

Cần lưu ý rằng có 2 định nghĩa về hàng hiệu mà người tiêu dùng Việt Nam hay nhầm lẫn là hàng có thương hiệu phổ thông và hàng thương hiệu cao cấp. Leflair kinh doanh mặt hàng thứ nhất. Năm ngoái, các nhà cung cấp Việt Nam đã tố đơn vị này nợ hơn 2 triệu USD tiền hàng. Theo email của đại diện truyền thông Society Pass trả lời NCĐT, thương vụ M&A của Society Pass hoàn toàn không liên quan đến pháp nhân cũ từng vận hành Leflair, đơn vị đã tuyên bố phá sản và được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định pháp luật Việt Nam.

Leflair trở lại, lợi hại còn không?

Leflair trở lại trong bối cảnh thị trường có nhiều tín hiệu tích cực. Theo WeAreSocial, thời trang và làm đẹp ở Việt Nam có doanh thu hơn 1,4 tỉ USD trong năm 2020. Ngành này đứng thứ 3 về ngành hàng có doanh thu cao nhất. Ước tính, thời trang và làm đẹp ở Việt Nam có mức tăng trưởng hơn 37% so với năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao thứ nhì xét về tỉ lệ phần trăm, chỉ xếp sau ngành hàng thực phẩm và chăm sóc cá nhân.

Thứ đến, theo Công ty AccessTrade, do thời gian qua, Facebook, Google không chỉ tăng chi phí quảng cáo mà còn mở chiến dịch điều tra các tài khoản bất hợp pháp làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp thị nên các doanh nghiệp đã chuyển sang sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử, hạ tầng giao nhận trong thời gian qua đã được đầu tư rất lớn, phát triển các chính sách đổi, cơ chế khiếu nại các cửa hàng có dấu hiệu lừa đảo nên độ tin tưởng của người dùng ngày càng cao.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển vàng son. Tính chung cả năm ngoái, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử tăng trưởng 15%, đạt quy mô khoảng 13 tỉ USD. Dự báo giai đoạn 2021-2025 là thời gian phát triển nhanh của lĩnh vực này với mức tăng trưởng 29% và năm 2025 quy mô kinh tế số của Việt Nam có thể đạt tới 52 tỉ USD. Vì thế, dư địa của thị trường còn rất lớn để phát triển.

Thực tế, rất nhiều hãng thời trang có tiếng ở Việt Nam đều tham gia sàn thương mại điện tử để thu hút khách hàng nên sự trở lại của Leflair, với định vị là sàn thương mại điện tử chuyên về ngành thời trang ít nhiều có lợi thế nhất định về mặt thương hiệu. “Chúng tôi đã mua lại quyền sở hữu thương hiệu Leflair với sự tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà thương hiệu này đã xây dựng trong 5 năm qua tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục mang theo trong tương lai”, ông Ray Liang, Giám đốc Vận hành của Sopa, cho biết.

Leflair trở lại, lợi hại còn không?

Ảnh: TL

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, thử thách dành cho Leflair dưới thời Sopa cũng không ít. Thứ nhất, cho đến nay Leflair vẫn chưa tiết lộ cách thức bán hàng mới của mình. Như trước đây, Leflair cho khách hàng đặt hàng và chờ từ 7-14 ngày để nhận hàng (đối với hàng nước ngoài).

Nhưng thị trường thương mại điện tử thời trang đã khác so với trước kia, khi nhiều nhãn hàng nước ngoài đã hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn, rút ngắn thời gian giao hàng nên khả năng thu hút khách hàng của Leflair vẫn là một thách thức lớn.

Thứ 2, Leflair được cho là thừa hưởng hạ tầng tiếp thị và tập khách hàng của Sopa và #hottab. Đây là bước đi chiến lược vì tiếp thị chéo có thể sẽ giúp Sopa tiếp kiệm được rất nhiều chi phí tiếp thị. Tuy nhiên, vấn đề là cả 2 doanh nghiệp này mới thành lập trong 2 năm trở lại đây. Cuối cùng là dấu hỏi về tiềm năng của Sopa khi tham gia cùng lúc 2 lĩnh vực thương mại điện tử được đánh giá là “chảo lửa” ở Việt Nam là F&B và thời trang. Cụ thể, sản phẩm Sopa phải cạnh tranh cùng lúc với Now, GrabFood, Baemin hay Shopee, Lazada...

Cũng có thể việc đặt chân cùng lúc vào những lĩnh vực nóng nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á là cách Sopa tiếp cận nhà đầu tư. Nhìn chung, sự trở lại của Leflair luôn được chào đón trong một thị trường có dân số trẻ và tỉ lệ truy cập internet cao như Việt Nam. Tuy nhiên, Sopa có lẽ hiểu rất rõ Việt Nam cũng là thị trường cạnh tranh gay gắt nhất khi có rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử phải dừng cuộc chơi trong hơn 5 năm qua.

Vũ Phi
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư