Mekong Capital rót triệu USD cho lĩnh vực làm đẹp

Mekong Capital rót triệu USD cho lĩnh vực làm đẹp

Quỹ MEF IV của Mekong Capital vừa hoàn tất khoản đầu tư vào HSV, đánh dấu bước tiến sâu vào ngành bán lẻ mỹ phẩm.

Đây là thương vụ thứ 3 liên tiếp của Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) diễn ra chỉ trong vòng vài tháng. Trước đó, tháng 3/2021, quỹ này đã đầu tư vào Marou, doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối chocolate. Tiếp đó, vào tháng 6, MEF IV rót khoảng 10 triệu USD cho Mutosi, một công ty hoạt động trong ngành phân phối, sản xuất nước và điện gia dụng.

Ở khoản đầu tư mới nhất vào Tập đoàn HSV, Mekong Capital cho biết rót khoảng 10-30 triệu USD. Ông Chris Freund, Tổng Giám đốc Mekong Capital, chia sẻ: “Mekong Capital đã làm việc với HSV khoảng 6 tháng rồi mới chính thức đầu tư”.

Trong nhiều năm qua, khi mô hình Sephora, SaSa, Ulta Beauty ở Mỹ và nhiều công ty khác ở các nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan phát triển thành công, lãnh đạo Mekong Capital cũng hướng sự chú ý đến ngành bán lẻ mỹ phẩm và làm đẹp. Ở Việt Nam, quỹ này đã chọn đầu tư vào HSV, nhà bán lẻ mỹ phẩm lớn nhất nước.

Mekong Capital rót triệu USD cho lĩnh vực làm đẹp

Thương vụ này hoàn toàn phù hợp với chiến lược quỹ đã vạch ra từ trước. Đó là chọn lựa đồng hành cùng những công ty đã thiết lập được mạng lưới chuỗi cửa hàng nhất định, hoạt động trong những ngành tăng trưởng tốt như bán lẻ, giáo dục, nhà hàng, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, Quỹ coi trọng sự cởi mở, chủ động của những nhà sáng lập. Mekong Capital đã tìm thấy điều đó ở bà Lê Thị Bích Phượng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của HSV.

Trước mắt, MEF IV sẽ giúp HSV đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới cửa hàng và đa dạng hoá các thương hiệu bán lẻ. Thương vụ hợp tác cũng sẽ giúp HSV củng cố văn hoá doanh nghiệp, nâng cao năng lực của đội ngũ lãnh đạo. Mục tiêu đến năm 2025, HSV sẽ trở thành hình mẫu về trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam.

HSV đã có những bước tiến dài sau 17 năm thành lập. Từ chỗ chỉ là nhà phân phối độc quyền cho The Face Shop, một thương hiệu mỹ phẩm của LG Cosmetics (Hàn Quốc), sau 12 năm (2017), HSV đã trở thành nhà phân phối cho thương hiệu đồ thể thao adidas (không độc quyền) và Reebok (độc quyền). Đặc biệt, năm 2018, nhận thấy cơ hội từ bán lẻ mỹ phẩm đa thương hiệu, HSV đã xây dựng chuỗi cửa hàng Beauty Box, với hơn 7.000 sản phẩm của trên 70 thương hiệu khác nhau.

Thị trường bán lẻ mỹ phẩm được đánh giá rất tiềm năng. Euromonitor ước tính thị trường bán lẻ sức khoẻ và sắc đẹp Việt Nam sẽ đạt khoảng 11,59 tỉ USD năm 2021 và 14,42 tỉ USD năm 2025. Trong khi đó, theo Nielsen, chi tiêu mỹ phẩm bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 4 USD so với 20 USD ở Thái Lan.

Mekong Capital rót triệu USD cho lĩnh vực làm đẹp

Thị trường bán lẻ mỹ phẩm được đánh giá rất tiềm năng
Ảnh: TL

Chưa kể, như báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam còn phân mảnh nên dư địa và cơ hội giành thị phần cho các chuỗi bán lẻ mỹ phẩm vẫn rất lớn. Có thể thấy, kể từ năm 2019, chuỗi Guardian của Singapore đã tăng gấp đôi số lượng, đạt gần 100 cửa hàng. Pharmacity từ chỗ chỉ có 6 cửa hàng năm 2017 ước đạt 1.000 cửa hàng đến năm 2021.

Ngay FPT Retail, đơn vị sở hữu chuỗi FPT Shop, cũng đã lấn sân sang bán lẻ mỹ phẩm khi ra mắt chuỗi FBeauty. Hay Watsons, một trong những chuỗi bán lẻ dược mỹ phẩm lớn nhất thế giới, cũng đã nhảy vào Việt Nam, trở thành một đối thủ đáng gờm. Gần đây hơn, thị trường có sự góp mặt của Matsumoto Kiyoshi (Nhật). Thông qua liên doanh, Matsumoto Kiyoshi đặt mục tiêu trong 5 năm mở 10-15 cửa hàng và tiến tới hàng trăm cửa hàng trong tương lai xa hơn.

Thị trường bán lẻ mỹ phẩm có vẻ đang trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Với những công ty trong nước như HSV, lợi thế là tham gia thị trường sớm và chọn cách tiếp cận riêng. Cụ thể, cả 3 chuỗi The Face Shop, Beauty Box, Club Clio của HSV đều bán lẻ mỹ phẩm Hàn Quốc. Theo Worldpanel Division, đây là sản phẩm mỹ phẩm thu hút người mua nhất. Từ 3 năm trước, mỹ phẩm Hàn Quốc đã chiếm 1/3 giá trị mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Đến nay, mỹ phẩm Hàn Quốc ngày càng mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại Việt Nam khi cứ 4 người lại có 1 người theo chu trình làm đẹp hơn 4 bước và mua ít nhất 4 loại sản phẩm cho mỗi bước.

Mekong Capital rót triệu USD cho lĩnh vực làm đẹp

Ngoài ra, HSV thu hút khách hàng bằng cách tạo trải nghiệm. Chẳng hạn, HSV thiết lập cửa hàng Beauty Box theo mô hình Retail-tainment (vừa bán lẻ vừa giải trí) cũng như chú ý dịch vụ tư vấn tại chỗ và khuyến khích khách hàng chia sẻ câu chuyện, xu hướng làm đẹp. Giống như các chuỗi bán lẻ mỹ phẩm khác, HSV cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng online. Theo báo cáo của We Are Social, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất, tăng 30-45%.

Tuy nhiên, các mục tiêu kể trên đều không dễ thực hiện. Bởi như Guardian đã gặp phải khó khăn trong mở rộng cửa hàng do chi phí thuê mặt bằng cao và nguồn nhân lực hạn chế. “Việt Nam không phải là một thị trường đơn giản để vận hành một chuỗi bán lẻ”, ông Pawin Sriusvagool, Giám đốc Điều hành chuỗi Guardian Việt Nam, từng chia sẻ.

Hay khảo sát toàn cầu của Ipsos chỉ ra, giao dịch trực tuyến có những thách thức như giao hàng chậm trễ, hết hàng. Vì thế, các nhà bán lẻ mỹ phẩm cần phải nhanh chóng giải quyết những vấn đề phát sinh này để giúp trải nghiệm khách hàng được tốt hơn.

Watsons từng lên kế hoạch chi 160 triệu USD trong 3 năm để cải thiện các nền tảng công nghệ và phân tích dữ liệu lớn, xây dựng nhà kho mới... Rõ ràng, cuộc chơi bán lẻ mỹ phẩm đòi hỏi đầu tư lớn và tính chuyên nghiệp cao.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư