Masan và Phúc Long: Cú bắt tay vươn ra biển lớn

Masan và Phúc Long: Cú bắt tay vươn ra biển lớn

Vốn đi lên từ một công ty chuyên sản xuất trà, sự chuyển mình tạo chuỗi F&B của Phúc Long đã tạo nên đột phá và được giới trẻ ưa chuộng.

Sự kết hợp tạo chuỗi bàn đạp sang thị trường Mỹ

Nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và mở rộng chuỗi hệ thống khắp nhiều tỉnh thành, nhưng tham vọng của Phúc Long không dừng lại ở đó, đích đến của thương hiệu này chính là bước chân ra thị trường thế giới. Với sự hỗ trợ của Masan, con đường này ngày càng dễ dàng hơn.

Về với Masan, Phúc Long như “mọc thêm cánh” khi tập đoàn này có nguồn tài chính đủ mạnh để hậu thuẫn, cùng kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thực phẩm. Thêm vào đó, Masan cũng đang hoàn thiện hệ thống khép kín gồm sản xuất, phân phối, bán lẻ, xuất khẩu... và liên tục thực hiện nhiều thương vụ M&A trong thời gian vừa qua.

Masan đã mua lại 20% Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sở hữu thương hiệu Phúc Long. Thương vụ có giá trị 15 triệu USD, tương đương với việc Masan định giá chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD (hơn 1.700 tỉ đồng).

Masan và Phúc Long: Cú bắt tay vươn ra biển lớn

Phúc Long chia sẻ về chiến lược vào thị trường Mỹ trong tháng 7
Ảnh: Fanpage Phuc Long Coffee & Tea

Ngay sau thương vụ, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Phúc Long đã thông báo sắp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Mỹ trên fanpage Phuc Long Coffee & Tea. Theo giới thiệu, cửa hàng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 7/2021 tại Garden Grove, California, USA.

Phúc Long có gì để tự tin vào thị trường Mỹ? Thực tế, thương hiệu được “thai nghén” và ra đời tại Bảo Lộc, vùng đất nổi tiếng bởi những đồi chè xanh mướt trứ danh. Mục tiêu của Phúc Long là mang lại cho người Việt một sản phẩm trà chất lượng, được làm từ nguyên liệu thuần Việt. Giữa những năm 70, nhà máy sản xuất đầu tiên của Phúc Long tại TP.HCM chính thức ra đời.

Bắt đầu từ đó, hệ thống Phúc Long đã nhanh chóng phát triển. Sản phẩm được phân phối đi khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Hiện nay, các nhà máy đang được đầu tư mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất và nhân lực, sẵn sàng nguồn cung cho nhu cầu trong nước và quốc tế.

Masan và Phúc Long: Cú bắt tay vươn ra biển lớn

Hệ thống Phúc Long giờ đây đã có thể sánh ngang với nhiều chuỗi thức uống nổi tiếng trên thị trường hiện tại
Ảnh: Masan

Cùng với sự tăng trưởng của ngành F&B, hiện hệ thống Phúc Long đã dần chuyển mình. Các cửa hàng Phúc Long xuất hiện khắp các con phố đắc địa. Hình ảnh thương hiệu mới đã và đang được đón nhận rộng rãi. Dễ dàng nhận thấy, hệ thống này giờ đây đã có thể sánh ngang với nhiều chuỗi thức uống nổi tiếng trên thị trường hiện tại. Cộng thêm hậu thuẫn từ Masan, Phúc Long có thể tự tin vươn ra thế giới và chắc chắn điều này đã được chuẩn bị từ trước đó.

Nhiều thương hiệu Việt từng và sẽ bước ra thế giới

Phúc Long không phải thương hiệu đầu tiên của Việt Nam tuyên bố bước ra thế giới, nhiều thương hiệu khác cũng đã từng “xuất ngoại” với nhiều kết quả khác nhau. Có thể kể đến như: Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Highland Coffee... nhưng kết quả chưa được như mong đợi.

Thậm chí, một số thương hiệu thực phẩm Việt cũng đã tham gia “cuộc chơi” như nước mắm Lê Gia; thương hiệu chuỗi Phở Thìn đã vào Nhật Bản, Australia và đang lên kế hoạch vào các thị trường khó tính khác như Châu Âu... Thương hiệu sữa Vinamilk cũng từng vươn ra thế giới... Mới đây, gạo ST25 của Việt Nam cũng liên tục bị nhiều doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, Australia... Gần nhất, hãng xe Vinfast cũng tuyên bố sẽ bán ra hằng trăm nghìn xe điện vào thị trường Mỹ năm 2026.

Masan và Phúc Long: Cú bắt tay vươn ra biển lớn

Thương hiệu xe Vinfast cũng tuyên bố sẽ bán ra hằng trăm nghìn xe điện vào thị trường Mỹ năm 2026
Ảnh: Vinfast

Tại thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu mạnh đang lên kế hoạch tiến vào thị trường Mỹ và các thị trường lớn khác. Đây là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của các thương hiệu Việt.

Ở góc độ nhà nước, nhiều chương trình cũng được tổ chức nhằm đưa thương hiệu mạnh ra thế giới. Chẳng hạn như chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) được xem là động lực quan trọng để doanh nghiệp định vị thị trường. Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chia sẻ với báo chí đây sẽ là cầu nối để doanh nghiệp bước ra thế giới nhanh chóng, mà không cần phải đi đường vòng hay phải qua một đơn vị gia công nào khác nữa.

Từ 30 doanh nghiệp năm 2008, đến năm 2020, chương trình THQG Việt Nam đã có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm được công nhận, trong đó có nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Hải Bằng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư