Quảng cáo mì Omachi: Đánh tráo khái niệm?
“Không có sự khác biệt”
Theo số liệu thống kê không chính thức, tại Việt Nam có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền với sản lượng 6 tỷ gói/năm. Điều này cho thấy, nước ta là thị trường rất hấp dẫn đối với sản phẩm này, vì thế đã xảy ra những cuộc cạnh tranh khốc liệt và các chiêu thức quảng cáo cũng được nhiều doanh nghiệp lợi dụng triệt để, hòng giành lợi thế về mình.
Do xem quảng cáo quá nhiều, không ít người tiêu dùng mặc định cho rằng sợi mì Omachi được làm từ khoai tây, ăn loại mì này đảm bảo chất lượng và không bị nóng. Những lời quảng cáo đánh trúng tâm lí tiêu dùng khiến giá cả và số lượng tiêu thụ loại mì này tăng theo cấp số nhân.
Trước đây, các phương tiện truyền thông từng xôn xao việc nhãn hiệu mì Omachi quảng cáo 100% làm từ khoai tây, nhưng bên trong bao bì của gói mì, lượng bột khoai tây chỉ có 5%. Điều này cũng khiến người tiêu dùng hoang mang một thời gian, rồi mọi việc lại chìm vào quên lãng.
Cho đến nay, khi vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm trong nước tiếp tục đặt ra, nhiều người tiêu dùng mới cảm thấy băn khoăn, không biết chất lượng các sản phẩm này có thực sự như quảng cáo?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, để sản xuất mì gói, ngoài bột mì, nhà sản xuất còn đưa những loại bột khác vào thay thế như: ngô, sắn, thậm chí là bột gạo, bột từ củ như khoai tây. Nhưng tất cả các loại bột ấy đều thua kém bột mì vì hàm lượng gluten thấp.
Do lượng gluten thấp nên những loại bột này chỉ là giải pháp thay thế cho bột mì khi nguồn nguyên liệu này bị hạn chế.
Bên cạnh đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, các loại mì ăn liền chỉ được pha chế một lượng bột khoai tây nhất định. Ngoài thành phần đó, có thể nhận thấy hàm lượng thành phần của mì khoai tây so với mì khác không có sự khác biệt. Thực tế, khoai tây cũng giống như loại củ quả cung cấp tinh bột khác, đều gây ra cảm giác nóng cho người sử dụng.
Người nói “nóng”, kẻ rao “mát”
Sự thật này bị “tố cáo” ngay trong clip quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh “ăn bánh snack, khoai tây chiên… nóng trong người…”.
Trong khi nhà sản xuất mì khoai tây Omachi “rao giảng”, rằng sử dụng các sản phẩm từ khoai tây không lo bị nóng thì các nhà sản xuất trà Dr. Thanh lại cho rằng ăn khoai tây chiên sẽ có cảm giác nóng trong người. Vẫn chỉ là khoai tây, nhưng các sản phẩm này lại được gắn mác bổ dưỡng, thanh mát. Vậy đâu là sự thật?
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, về cấu trúc, khoai tây, sắn, gạo, dong riềng… đều là tinh bột cả, khi vào cơ thể phải qua quá trình từ tinh bột chuyển hóa thành đường, rồi từ tinh đường vào cơ thể mới sản sinh ra năng lượng…
Tinh bột đó tiêu hóa nhanh bao nhiêu thì khả năng sinh ra năng lượng càng lớn và sinh nhiệt càng nhanh. Vì vậy bột sắn, ngô, khoai tây đều qua quá trình thủy phân, không có cái gì nhanh hơn cái gì.
Cũng có loại bột, mạch tinh bột quá dài thì quá trình phân cắt lâu hơn thì nó tiêu hóa chậm hơn… Tuy nhiên bột khoai tây là tinh bột sợi ngắn, vì vậy tiêu hóa còn nhanh hơn tinh bột sắn. Do đó, không có lí gì nói bột khoai tây sinh ra năng lượng chậm hơn tinh bột sắn cả. Nếu lượng tinh bột như nhau thì sinh ra năng lượng như nhau, vậy không thể nói nóng hay không nóng.
Quảng cáo mì khoai tây Omachi cho người tiêu dùng thấy mì lạ do làm từ khoai tây, ít mỡ, dai, ngon mà không sợ nóng… Tuy nhiên, nhìn nhận từ quan điểm khoa học, bột khoai tây khó có thể có chất lượng tốt hơn so với bột mì. Với những phân tích của PGS.TS. Nguyễn DuyThịnh ở trên thì dù có hay không hàm lượng khoai tây, thì mì Omachi cũng như sản phẩm khác, đều gây cảm giác nóng trong người.
Đánh tráo khái niệm
Theo Ths. Trần Ngọc Hà, chuyên gia truyền thông - maketing, các nhà sản xuất đưa ra những khái niệm để người tiêu dùng nhầm lẫn, hay còn gọi là đánh tráo khái niệm, khiến người tiêu dùng tưởng rằng chất lượng tốt, nhưng thực ra, thành phần tốt thực lại rất ít.
Công nghệ sản xuất mì gói thì ai cũng biết, đều làm từ bột mì và các chất phụ gia khác, nhưng nếu chỉ có một thành phần rất nhỏ như vậy mà quảng cáo nhiều lên thành một thông điệp quảng cáo không bình thường thì đây là đánh tráo khái niệm, làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn, để tin rằng mì được làm từ 100% khoai tây.
Bên cạnh đó, clip quảng cáo mì khoai tây Omachi cho người tiêu dùng nhận thức là ngoại trừ mì này, sử dụng loại khác đều bị nóng? Điều đó cho thấy quảng cáo này dựa trên sự sợ hãi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, rất khó lừa được người tiêu dùng thông thái, bởi quảng bá sản phẩm giữa các doanh nghiệp đều có sự mâu thuẫn, chẳng hạn ví dụ về trà Dr. Thanh và mì Omachi.
Từ sự không rõ ràng này cho thấy sự thiếu trung thực trong quảng cáo, cũng như qua lời quảng cáo mâu thuẫn giữa hai sản phẩm này, người tiêu dùng thông thái sẽ biết đâu là sự thật.
Điều 168 Bộ Luật hình sự có quy định rõ về quảng cáo gian dối. Việc quảng cáo gian dối, ảnh hưởng đến người tiêu dùng có thể bị xử phạt từ 10-100 triệu, thậm chí bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.