Start-up định giá thế nào?
Việc startup nhiều khi bị nói "ngáo giá" chủ yếu xuất phát từ việc đưa ra mức định giá thiếu căn cứ, hoặc không được lượng hóa một cách thuyết phục. Để tránh điều này, cách đơn giản nhất hãy bám chắc vào doanh thu của công ty, từ đó đưa ra mức định giá phù hợp.
Nhiều người thường hỏi "Tôi có một start-up và dự định gọi vốn trong thời gian tới. Khi xem một số chương trình về khởi nghiệp, tôi thấy các start-up thường bị chê là "ngáo giá". Vậy start-up nên làm thế nào để định giá chính xác nhất?". Để hiểu rõ về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo phần tư vấn của đại diện quỹ Nextrans Việt Nam và ThinkZone Ventures dưới đây.
Bị nói "ngáo giá" vì đưa định giá thiếu căn cứ
Việc định giá cho start-up nhất là khi công ty ở giai đoạn sớm sẽ khó có công thức cố định nào. Tuy nhiên logic được hầu hết các quỹ áp dụng là start-up càng có nhiều "tractions" (Tạm dịch: Kết quả start-up đạt được) thì việc định giá càng chính xác. Với giai đoạn đầu, dữ liệu định giá phổ biến thường gồm doanh thu, biên lợi nhuận, số lượng khách hàng, chi phí để có được một khách hàng... Khi công ty phát triển ở giai đoạn muộn hơn, báo cáo tài chính là phần không thể thiếu khi phân tích mức định giá.
Việc start-up nhiều khi bị nói "ngáo giá" chủ yếu xuất phát từ việc họ đưa ra mức định giá thiếu căn cứ, hoặc không được lượng hóa một cách thuyết phục. Để tránh điều này, cách đơn giản nhất hãy bám chắc vào doanh thu của công ty, từ đó đưa ra mức định giá phù hợp.
Định giá cần dựa vào tình hình kinh doanh thực tế của start-up
Thông thường các start-up sẽ tính toán dựa theo số lượng vốn cần huy động và số cổ phần start-up chấp nhận đổi để đưa ra định giá. Tâm lý của nhà sáng lập, người dành rất nhiều tâm huyết cho start-up thì thường sẽ không chấp nhận đánh đổi lượng cổ phần lớn. Điều này dẫn đến những mức định giá trên trời, đặc biệt là với các start-up trong giai đoạn early stage (giai đoạn đầu) khi mà còn rất nhiều điều chưa rõ ràng về sản phẩm và thị trường, dẫn đến rủi ro dành cho nhà đầu tư. Do vậy, đội ngũ sáng lập không thể định giá dựa theo cảm tính, mà cần có cơ sở để đưa ra định giá đó.
Việc định giá cần dựa vào tình hình kinh doanh thực tế cũng như kế hoạch phát triển của start-up trong tương lai. Công ty cần chứng minh được mô hình kinh doanh của mình có tiềm năng, được thị trường và khách hàng chấp nhận, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai trước khi kêu gọi đầu tư. Đội ngũ sáng lập cần tư duy, nghiên cứu và có kế hoạch tăng trưởng rõ ràng, dài hạn và khả thi cũng như thuyết phục nhà đầu tư được về cơ sở cho tăng trưởng đó để chứng minh cho định giá của mình. Công ty cũng cần chứng minh được năng lực thực thi và triển khai kế hoạch kinh doanh thông qua các kết quả hiện có cùng năng lực của đội ngũ sáng lập để có thể khẳng định giá trị của doanh nghiệp mình.
Các phương pháp định giá mà start-up có thể tham khảo là Revenue Multiples - định giá dựa vào doanh thu hoặc Discounted Cashflow Model - định giá dòng tiền tương lai. Những phương pháp này sẽ dựa vào doanh thu và kế hoạch tăng trưởng để đưa ra định giá doanh nghiệp. Với Revenue Multiples, phương pháp này sử dụng thông tin tương quan giữa các công ty trong ngành để đưa ra tiêu chuẩn ước lượng so sánh cho các start-up. Tỷ số thường được sử dụng nhiều nhất là EV/EBITDA - tỉ số giữa giá trị doanh nghiệp trên thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (Earning Before Interest, Taxes, Depreciation and Amortization).
Giả sử trung bình, các công ty trong thị trường này có tỷ số EV/EBITDA là 5x, và EBITDA của start-up là 1 triệu USD, thì định giá pre-money của start-up đó là 5 triệu USD (Pre-money là giá trị của công ty trước khi gọi vốn). Với DCF, doanh nghiệp sẽ định giá dựa trên dòng tiền doanh nghiệp mình có thể kiếm được trong tương lai từ 3-5 năm tới để chứng minh cho định giá.
Ngoài ra, các start-up cũng cần tìm hiểu mức định giá với những mô hình tương tự trong ngành hoặc trên thế giới để có cơ sở định giá phù hợp.
Linh Lam
Nguồn CafeF