Động lực khiến 2 “ông lớn” Gojek và Tokopedia sáp nhập?

Động lực khiến 2 “ông lớn” Gojek và Tokopedia sáp nhập?

Mục tiêu chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng ở Indonesia và Mỹ, áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mạnh như Grab, Sea Group là các lý do khiến GoTo Group ra đời.

Ngày 17/5, hãng gọi xe và thanh toán Gojek cùng công ty thương mại điện tử Tokopedia thông báo sáp nhập để tạo thành tập đoàn mới GoTo Group. Thương vụ này tạo ra một công ty Internet lớn nhất ở đất nước đông dân thứ 4 thế giới, với các mảng kinh doanh trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ gọi xe, thanh toán số cho đến thương mại điện tử, giao hàng. Andre Soelistyo, đồng Giám đốc Điều hành Gojek sẽ đảm nhiệm chức Giám đốc Điều hành GoTo Group. Chủ tịch Tokopedia Patrick Cao ngồi ghế Chủ tịch GoTo Group.

Sử dụng mô hình giống tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, GoTo Group duy trì sự hoạt động độc lập của Gojek và Tokopedia nhưng hai công ty sẽ hợp tác ở mảng thanh toán, logistics và giao đồ ăn. Trong năm 2020, Gojek và Tokopedia thực hiện tổng cộng hơn 1,8 tỉ lượt giao dịch với tổng giá trị hơn 22 tỉ USD. Hai công ty này có tổng cộng hơn 100 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, hai triệu tài xế đối tác tính đến cuối năm ngoái. Riêng Tokopedia có 11 triệu đối tác bán hàng. Chủ tịch Patrick Cao kỳ vọng GoTo Group sẽ đóng góp hơn 2% GDP của Indonesia.

Động lực khiến 2 “ông lớn” Gojek và Tokopedia sáp nhập?

Gojek và Tokopedia thông báo sáp nhập để tạo thành tập đoàn mới GoTo Group
Nguồn: Campaign Asia

Giá trị của giao dịch không được tiết lộ nhưng Gojek tuyên bố thoả thuận này đánh dấu thương vụ sáp nhập lớn nhất lịch sử Indonesia. Các nguồn tin nắm rõ thương vụ cho biết, trong quá trình đàm phán, hai công ty này được định giá 18 tỉ USD và các cổ đông của Gojek sẽ nhận được 58% cổ phần của công ty mới, phần còn lại thuộc về các cổ đông của Tokopedia. Mục tiêu cuối cùng của thương vụ sáp nhập được cho là nhằm tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với GoTo Group ở Indonesia và Mỹ, với mức định giá dự kiến từ 35-40 tỉ USD. Các nhà đầu tư lớn nhất của GoTo bao gồm Alibaba, SoftBank, quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, Alphabet và Tencent đều ủng hộ thương vụ này.

Andre Soelistyo, Giám đốc điều hành GoTo Group nói rằng các tài xế Gojek sẽ giao nhiều gói hàng hơn từ Tokopedia, đồng thời hai công ty này sẽ sử dụng quy mô kết hợp để mở rộng dịch vụ cho vay đối với những người dân chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng ở Indonesia và trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng 50% trong số 270 triệu dân Indonesia không có tài khoản ngân hàng nhưng hầu hết đều đang sở hữu điện thoại di động. Gojek và Tokopedia cho biết sự kết hợp sẽ tạo ra một hệ sinh thái bổ sung cho nhau và riêng biệt trên toàn cầu giữa lúc hai công ty tìm cách gia tăng cạnh tranh với Grab và nền tảng thương mại điện tử Shopee thuộc sở hữu của Sea Group (Singapore).

Động lực khiến 2 “ông lớn” Gojek và Tokopedia sáp nhập?

Thương vụ sáp nhập Gojek – Tokopedia có giá trị lớn nhất Indonesia

Báo chí nhiều lần thông tin về việc Gojek và Grab đàm phán sáp nhập. Tuy nhiên các cuộc đàm phán này nhiều lần đổ bể vì cả hai bên không thể thống nhất tỷ lệ phân chia cổ phần trong liên doanh mới. Việc Gojek “kết duyên” với Tokopedia cũng dễ dàng hơn bởi các mảng kinh doanh không chồng lấn nhau, sẽ ít bị các cơ quan quản lý giám sát hơn so với thương vụ sáp nhập Gojek – Grab.

Thương vụ sáp nhập giữa hai startup công nghệ lớn nhất Indonesia diễn ra giữa lúc sự cạnh tranh công nghệ ở Đông Nam Á ngày càng nóng, đặc biệt là khi Sea Group đang thâm nhập mạnh mẽ vào các lĩnh vực là lãnh địa quen thuộc lâu nay của Gojek và Tokopedia, bao gồm giao đồ ăn và dịch vụ tài chính bằng các chương trình khuyến mãi lớn. Thương vụ này giúp Gojek và Tokopedia gia tăng cạnh tranh với Grab và Sea Group, công ty đang niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq (Mỹ) và có mức vốn hoá thị trường hơn 112 tỉ USD.

Tháng trước, Grab cũng công bố thương vụ sáp nhập với Altimeter Growth, một công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC), với trị giá gần 40 tỉ USD để niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq.

Việc sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia báo trước một làn sóng niêm yết mới tại Indonesia. Công ty thương mại điện tử Bukalapak và ứng dụng du lịch Traveloka dự kiến niêm yết trong năm nay. “Xu hướng này chứng minh cách các công ty khởi nghiệp địa phương có thể phát triển ở quy mô từ Indonesia ra thế giới”, Willson Cuaca, người sáng lập East Ventures và cổ đông của Gojek cho biết.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive