3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

Sự sụp đổ của các thương hiệu TV Nhật là điều không thể tránh khỏi bởi tình trạng trì trệ diễn ra nhiều năm.

Cuộc đua tam mã

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu GfK, tính đến hết quý III/2020, 3 thương hiệu đang dẫn đầu thị trường TV tại Việt Nam là Samsung, Sony và LG. Trong đó, Samsung chiếm thị phần lớn nhất, lên đến 44,7%. Từ năm 2018, Samsung và LG dần gia tăng 1-5% thị phần qua mỗi năm. Trong khi đó, TV Sony có thị phần giảm từ mức 32,6% năm 2018 còn 25,9% vào cuối tháng 9 năm nay.

Báo cáo của GfK cho thấy thị trường TV màn hình lớn từ 55 inch trở lên có xu hướng tăng trưởng mạnh bất kể đại dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 9, người tiêu dùng Việt mua 919.300 TV ở phân khúc này, tăng 29% so với năm 2017. Thị phần TV màn hình lớn hơn 55 inch lên tới 44%.

Đại diện một hệ thống siêu thị điện máy nhận định giá cả hấp dẫn, mẫu mã đẹp và chính sách bán hàng tốt giúp TV của Samsung và LG tăng trưởng những năm qua. TV của hai thương hiệu Hàn Quốc có dải sản phẩm trải khắp các phân khúc, từ vài triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Chất lượng, độ bền sản phẩm được chứng minh sau nhiều năm cũng khiến TV của hai hãng này tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

Ba thương hiệu đang dẫn đầu thị trường TV tại Việt Nam
Nguồn: TechTimes

Hệ điều hành Tizen OS (Samsung) và Web OS (LG) tối ưu hoá giúp TV hoạt động ổn định mượt mà cũng là điểm “ăn tiền” so với các đối thủ. “TV nhiều hãng khác trong đó có Sony chạy hệ điều hành Android nặng nề, hay xảy ra lỗi. Các thương hiệu này tỏ ra chậm chân trong việc phát triển phần mềm riêng cho TV như Samsung hay LG”, chuyên gia công nghệ Mai Triều Nguyên đánh giá.

Ngoài TV phổ thông, hai hãng này còn có những model TV kiểu dáng khác biệt, như model “dán tường” của LG, hay loạt TV khung tranh The Frame, The Serif hay The Sero của Samsung. Kiểu dáng đẹp và liên tục thay đổi cũng là điểm mạnh của sản phẩm Samsung hay LG bởi TV không còn là tài sản trong nhà như trước mà trở thành một món đồ trang trí cho ngôi nhà. Những người trẻ tuổi thích công nghệ mới, thích trang trí nhà cửa sẽ chọn TV Hàn Quốc thay vì các sản phẩm Nhật Bản đơn điệu.

3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

TV đã trở thành một món đồ trang trí cho ngôi nhà
Nguồn: Cafef

Loạt tên tuổi dừng cuộc chơi

Ngoài 3 ông lớn Samsung, Sony, LG, các hãng tới từ Trung Quốc, Thái Lan cũng có những sản phẩm TV để cạnh tranh như TCL, Mobell, Falcon, Casper... Tổng thị phần của các hãng này là hơn 11%.

Trong khi đó, sản phẩm của 3 thương hiệu TV nổi tiếng đến từ Nhật Bản là Panasonic, Toshiba và Sharp không còn xuất hiện trên kệ hàng ở các đại lý điện máy tại Việt Nam. Tại một số cửa hàng hay siêu thị điện máy nhỏ, TV Toshiba hay Panasonic vẫn còn xuất hiện, nhưng chủ yếu là hàng trưng bày. Trong khi đó, các dòng TV của Sharp chủ yếu thuộc phân khúc giá rẻ, không có model mới và khá cũ về công nghệ, tính năng so với các đối thủ.

Theo đại diện Toshiba Việt Nam, hãng dừng hoàn toàn việc bán TV ở thị trường trong nước. Các sản phẩm còn xuất hiện trên kệ là hàng trưng bày và tồn kho. Sau hàng chục năm được sản xuất tại Việt Nam, Toshiba phải đóng cửa các dây chuyền sản xuất và chuyển sang nhập khẩu TV từ Indonesia. Tuy nhiên, việc bán hàng vẫn tiếp tục khó khăn khiến hãng buộc phải khai tử mảng kinh doanh này và tập trung vào các mặt hàng đồ điện tử gia dụng nhỏ lẻ khác.

3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

TV Toshiba vẫn còn xuất hiện ở một số cửa hàng
Nguồn: VietnamPlus

Mảng TV của Toshiba đi xuống từ nhiều năm trước khi hãng phải bán một phần công ty cho tập đoàn Đài Loan – Compal Electronics, đồng thời chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh ở Bắc Mỹ vào năm 2015. Tại nhiều thị trường, Toshiba cũng đang cố gắng thương thảo để bán lại thương hiệu TV.

Panasonic cũng gặp tình cảnh tương tự Toshiba. Hãng này vừa ra thông báo ngừng sản xuất TV giá rẻ tại nhà máy ở Việt Nam để cắt giảm thua lỗ. Trước đó, các dòng TV trung và cao cấp của Panasonic bán tại Việt Nam chủ yếu nhập từ Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu giảm mạnh trong 3 năm gần đây. Với Sharp, đa phần mẫu TV bán tại Việt Nam của hãng được nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, số lượng và mẫu mã đều rất khiêm tốn.

3 “ông lớn” thống trị thị trường TV Việt

Cạnh tranh khốc liệt ở thị trường TV Việt

Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng tuyên bố VinSmart sẽ dừng sản xuất điện thoại di động và TV. Trên thị trường này, Vsmart mới giới thiệu 5 dòng sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2019. Việc phân phối, bán hàng chưa được công ty triển khai nên doanh số TV Vsmart không đáng kể.

Chuyên gia công nghệ Mai Triều Nguyên nhận định: “Sản phẩm TV Vsmart tương tự mảng điện thoại. Công ty Việt Nam không chủ động được việc sản xuất do khủng hoảng linh kiện toàn cầu nên phải dứt khoát dừng cuộc chơi”.

Nói về sự chia tay của Panasonic, Toshiba và Sharp, đại diện một hệ thống điện máy ở TP.HCM chia sẻ: “Các hãng Nhật Bản không còn lợi thế cạnh tranh nào trên thị trường. Không sở hữu công nghệ mới như Samsung, LG, thương hiệu Nhật còn chậm thay đổi mẫu mã, giá luôn cao hơn đối thủ 30%. Tình trạng này diễn ra nhiều năm và sự sụp đổ là điều không thể tránh khỏi”.

Bảo Nhi
Nguồn BizLive