Smartphone Việt rẽ trái hay đi thẳng?
Đã đến lúc Việt Nam nên dừng tham vọng sản xuất smartphone và chuyển hướng cho phát triển ứng dụng?
VinSmart phát đi thông điệp ngừng sản xuất smartphone, tivi thông minh. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, là “việc sản xuất điện thoại, tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo giá trị khác biệt cho người dùng”.
Trước đó, Công ty nghiên cứu thị trường GfK cho biết VinSmart đã chiếm 16,7% thị phần sau 15 tháng ra mắt. Dù sản phẩm bán được phần lớn là smartphone giá rẻ (dưới 3 triệu đồng), nhưng đây cũng là thành tích cao nhất một doanh nghiệp Việt đạt được trong lĩnh vực smartphone 5 năm trở lại đây.
Sự rút lui của VinSmart, tập đoàn có tiềm lực tài chính dồi dào, tiếp tục là lời cảnh báo cho những doanh nghiệp Việt Nam có tham vọng chinh phục lĩnh vực phần cứng điện thoại. Đây là nghịch lý khi Việt Nam đang trên đường trở thành công xưởng sản xuất điện thoại toàn cầu. Nếu so với doanh số 1,25 tỉ chiếc điện thoại di động tiêu thụ trên toàn cầu năm 2020, thì sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam đang chiếm tới 20% nguồn cung cho cả thế giới.
Nhưng sự rút lui của VinSmart là “bình thường” trong bức tranh chung của thị trường smartphone thế giới. Nhiều doanh nghiệp từng có thị phần lớn trong ngành phải chật vật tìm chỗ tồn tại hoặc buộc phải rút lui.
LG (Hàn Quốc), chẳng hạn, đang đánh giá lại khả năng cạnh tranh sau 23 quý liên tiếp thua lỗ. Giới phân tích đánh giá rằng LG nhiều khả năng cũng không thoát khỏi viễn cảnh của HTC, đơn vị từng là nhà sản xuất điện thoại Android thứ 2 thế giới, sau đó phải bán mảng phần cứng cho Google.
Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo và Vivo là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trật tự trong lĩnh vực smartphone toàn cầu. Dựa vào thị trường nội địa hơn 2 tỉ dân, chiến lược xuất khẩu của các hãng này là chấp nhận lợi nhuận thấp, đưa ra các sản phẩm cạnh tranh để chiếm thị phần.
Báo cáo năm ngoái của Counterpoint cho thấy lợi nhuận của các hãng điện thoại Trung Quốc dao động từ 2% đến dưới 10%. Con số này của Samsung là 17% và Apple là hơn 60%. Xiaomi là hãng có lợi nhuận thấp nhất trong tất cả. Xiaomi đang thiết lập một rào cản các doanh nghiệp tới sau bằng dải sản phẩm rộng và giá rẻ. Cứ thế các nhà sản xuất Trung Quốc đã định hướng tiêu dùng của khách hàng về 2 thái cực: một là điện thoại cao cấp, nơi Samsung và Apple thống trị; hai là sân chơi của họ.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, Xiaomi sẽ giành thêm 1-2% thị phần từ việc Vsmart rời thị trường. Thực tế chứng minh trong thời gian qua, không doanh nghiệp nào chịu nổi chiến lược chấp nhận lợi nhuận thấp để chiếm lĩnh thị trường của các nhà sản xuất Trung Quốc. Tại Việt Nam, trước VinSmart, nhiều thương hiệu smartphone Việt khác cũng lặng lẽ bỏ cuộc chơi như Q-Mobile, F-mobile, Masstel, HKPhone, Bavapen... Bên cạnh Bkav, một số doanh nghiệp nội khác cũng nhảy vào smartphone như Viettel, VNPT Technology... nhưng chưa tạo dấu ấn gì về thị phần.
Theo Strategy Analytics, từ con số 1% thị phần toàn cầu trong 2 thập kỷ trước, các hãng điện thoại Trung Quốc nay đã chiếm ưu thế với 57% thị phần. “Tương lai không xa có thể tất cả điện thoại bán ra ngoài Apple và Samsung, còn lại là điện thoại của các thương hiệu Trung Quốc”, ông C.K Lu, chuyên gia phân tích tại Gartner, nhận xét.
Nhìn chung, cơ hội vẫn có nếu các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận mức lãi thấp hơn mức các hãng điện thoại Trung Quốc đang thiết lập cùng kế hoạch sản xuất toàn cầu để có lợi thế về quy mô. Hoặc doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường ứng dụng điện thoại với vốn đầu tư ít, phân phối sản phẩm dễ dàng hơn cùng với mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Statista, doanh thu ứng dụng di động năm 2020 là hơn 580 tỉ USD, tăng 126% trong khi doanh thu điện thoại chỉ đạt 409 tỉ USD, giảm 22% so với cùng kỳ vì ảnh hưởng dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Đến năm 2023, doanh thu thị trường ứng dụng được dự báo có thể đạt hơn 900 tỉ USD. Trên thực tế, đã có các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vươn ra toàn cầu nhờ bắt kịp xu hướng này. Nhà sản xuất ứng dụng âm nhạc Amanotes là một ví dụ. Báo cáo gần đây của App Annie cho biết đã có 1 tỉ người tải về các ứng dụng âm nhạc mang thương hiệu Amanotes. Ông Võ Tuấn Bình, nhà sáng lập Amanotes, cho biết đang phát triển một nhánh mới cho công ty là học nhạc trên ứng dụng di động.
Ngoài trò chơi, ứng dụng dạy tiếng Anh Elsa cũng là cách doanh nghiệp Việt đặt tên mình trong bản đồ smartphone. Đầu năm nay, doanh nghiệp này đã gọi vốn thành công 15 triệu USD, nâng tổng số vốn gọi được lên hơn 22 triệu USD sau 6 năm hoạt động.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng bên cạnh vốn đầu tư, một lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường này là tận dụng được nguồn nhân lực lập trình viên chất lượng trong nước.
Đa phần các công ty ứng dụng di động thành công đều có tuổi đời trung bình từ 5 năm trở lên. Điều này cho thấy dù sở hữu nhiều lợi thế về vốn và nhân lực so với đầu tư phần cứng nhưng phát triển ứng dụng di động đòi hỏi doanh nghiệp tập trung không kém. Tuy nhiên, một cánh cửa hé mở vẫn có nhiều cơ hội lọt qua hơn một cánh cửa đã đóng hẳn
Phi Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư