Foodmap trên bản đồ nông sản Việt

Foodmap trên bản đồ nông sản Việt

Sau khi kết nối được hệ sinh thái nông nghiệp, Foodmap đến giai đoạn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam.

2 năm xây dựng hạ tầng công nghệ hỗ trợ người nông dân đưa sản phẩm ra thị trường, anh Phạm Ngọc Anh Tùng đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo: Xuất khẩu nông sản thương hiệu Việt Nam. Mới đây, trên Facebook cá nhân, anh Phạm Ngọc Anh Tùng, Sáng lập Công ty Công nghệ và Thương mại UFO, đã thu hút được khá nhiều bạn bè quan tâm bởi thông tin về việc xuất khẩu sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm. Đích đến là thị trường Mỹ thông qua 2 trang web gọi vốn cộng đồng phổ biến ở đây là Indiegogo và Kickstarter. Lý do, theo anh Tùng, mật hoa dừa là sản phẩm thay thế mật ong dành cho người tiểu đường nhưng có giá thành thấp hơn 30% và Mỹ là thị trường tiềm năng khi có đến 30 triệu người bị bệnh tiểu đường. “Sokfarm không phải là sản phẩm duy nhất chúng tôi xuất khẩu trong năm nay”, anh Tùng nói.

Foodmap trên bản đồ nông sản Việt

Cái tên Phạm Ngọc Anh Tùng bắt đầu được truyền thông chú ý với dự án sàn thương mại điện tử mô hình B2B2C Foodmap ra mắt hồi cuối năm 2018. Thời điểm đó, Foodmap được nhắc đến như các trang giải cứu nông sản nhưng anh Tùng tập trung vào mục tiêu sâu xa hơn: Tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Hơn 2 năm qua, anh đã kết nối các nhà sản xuất nông sản với sàn Foodmap và đưa sản phẩm của người tiêu dùng và các khách hàng sỉ như nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, Foodmap đóng vai trò như một nền tảng kết nối công nghệ nhà sản xuất, nhà vận chuyển, thanh toán và người mua hàng. Thông tin hàng hoá luân chuyển trong nền tảng này đều được minh bạch cho 3 bên. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 500 nhà sản xuất và khoảng 2.000 mặt hàng tham gia Foodmap.

Mô hình Foodmap đã được áp dụng khá nhiều ở các quốc gia có lĩnh vực nông nghiệp phát triển và các công ty hoạt động như vậy được gọi là “công ty nông nghiệp thế hệ mới”. Meicai (Trung Quốc) là một cái tên tiêu biểu trong ngành khi đã gọi được 1,5 tỉ USD và hiện được định giá vào khoảng 7 tỉ USD chỉ sau 7 năm hoạt động. Có 2 rào cản của các công ty nông nghiệp thế hệ mới phải giải quyết. Thứ nhất là chủ doanh nghiệp phải làm người tiêu dùng có niềm tin vào nguồn gốc hàng hoá rau củ quả, thậm chí là thịt tươi sống, vốn khó hơn rất nhiều so với các hàng hoá phổ thông khác. Thứ 2 là giải bài toán “con gà, quả trứng” kinh điển trong kinh doanh thương mại điện tử.

Đối với thị trường lớn như Trung Quốc, Meicai chỉ cần cung cấp rau quả cho các nhà hàng, quán ăn là đã đủ doanh số. Nhưng ở Việt Nam, các công ty cần phải đa dạng tập khách hàng. Đó là lý do Foodmap phải vừa bán sỉ và bán lẻ.

Foodmap trên bản đồ nông sản Việt

Ảnh: TL

Bán sỉ có thể đảm bảo số lượng nhưng chiết khấu trên mỗi sản phẩm và công nợ không hấp dẫn. Bán lẻ chiết khấu cao hơn nhưng bài toán giao nhận thương mại điện tử khá phức tạp, đó là chưa kể phải chọn phân khúc khách hàng né sân chơi các doanh nghiệp bán lẻ lớn, đã có thương hiệu như Bách Hóa Xanh, Big C... “Startup thì làm gì có lựa chọn, nhiệm vụ chúng tôi là phải tối ưu cả 2 mô hình bằng công nghệ”, anh Tùng nói.

Cho đến thời điểm hiện tại, UFO vẫn đang cân đối tốt nguồn thu từ 2 tập khách hàng này trên Foodmap với tỉ lệ 50-50. Công ty xây dựng hệ thống giao nhận in-house và thuê ngoài đối tác giao hàng như Ahamove để giải bài toán tăng trưởng đột biến trong các dịp cao điểm.

Đến nay, UFO mới nhận được khoản đầu tư trị giá 500.000 USD của vòng hạt giống từ quỹ Wavemaker Partners. Ở Việt Nam, một đơn vị có mô hình hoạt động tương tự Foodmap là Kamereo (Nhật), nhưng hiện chỉ phục vụ cho khách hàng sỉ. Một số nguồn tin của NCĐT cho biết Kamereo đang thử nghiệm mảng bán lẻ với Kamereo Mart.

Foodmap trên bản đồ nông sản Việt

Cũng như UFO, Kamereo đã gọi vốn được 500.000 USD từ quỹ Genesia Ventures (Nhật) và VC Ventures Việt Nam. Nhìn chung, chưa nhiều công ty nông nghiệp thế hệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện tại đầu tư vào vùng nguyên liệu, hình thức liên kết với hộ nông dân vẫn là lựa chọn phổ biến. Và để mối liên kết này bền vững, các hộ nông dân phải kinh doanh được, một số trường hợp các công ty như Foodmap đóng vai trò như bộ phận kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng thị trường là yếu tố cần thiết để sự liên kết này bền vững và đó cũng là lý do anh Tùng đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm nay. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng khô và các mặt hàng Việt Nam có lợi thế quốc gia để có giá thành cạnh tranh. “Kỳ vọng của chúng tôi là xuất khẩu được tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam”, anh Tùng nói.

Phi Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư