Mở “cao tốc e-Commerce” đua vào FTA

Mở “cao tốc e-Commerce” đua vào FTA

Tận dụng các cơ hội lớn của FTA bằng thương mại điện tử giúp hàng hoá của Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới trong bối cảnh dịch bệnh.

Trước những trở ngại do dịch bệnh gây ra, năm 2020 Tổng Công ty May 10 (Garco 10) đã quyết định đưa hàng lên trang thương mại điện tử Amazon để mở thêm kênh phân phối.

Nối chuỗi đứt gãy

Đến nay, lần lượt những sản phẩm mang thương hiệu May 10 đã được xuất đi từ Việt Nam để giao trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ, không qua bất kỳ nhà phân phối hay nhập khẩu nào như cách nhiều năm qua doanh nghiệp này vẫn làm. Chiếc áo của Garco 10 được bán với giá 29 USD, một mức giá cao hơn hẳn và sản phẩm được gắn nhãn hiệu Garco 10, xuất xứ tại Việt Nam.

Cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch, Tập đoàn Trung Nguyên quyết định mở thêm kênh phân phối trên kệ hàng của Amazon, Alibaba nhằm tiếp cận thêm người tiêu dùng trên thế giới. Với sàn thương mại điện tử Alibaba, sản phẩm của Trung Nguyên sẽ được giao dịch theo hình thức B2B. Trước đó, sản phẩm của Trung Nguyên Legend cũng hiện diện rộng khắp trên các trang thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc như Alibaba, Taobao, Tmall, Yihaodian, JD...

Mở “cao tốc e-Commerce” đua vào FTA

Tập đoàn Trung Nguyên quyết định mở thêm kênh phân phối trên kệ hàng của Amazon
Nguồn: VietnamBiz

Các công ty như Garco 10 hay Trung Nguyên là động lực giúp kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Theo công bố báo cáo hoạt động của Amazon Global Selling, trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, đến nay, Amazon chiếm hơn 38,7% tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử tại Mỹ, tạo ra cơ hội lớn cho sản phẩm Việt Nam vào thị trường lớn này.

Thành công trên các sàn thương mại điện tử khiến doanh nghiệp mạnh dạn với kênh bán hàng trực tuyến để khắc phục khó khăn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh. Nhiều dự án lớn hình thành để thúc đẩy xu hướng này trong thời điểm Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại (FTA).

Mở sàn lớn cho thị trường lớn

Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam – EU (VEFTA) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện nhằm xây dựng sàn giao dịch giữa các doanh nghiệp (B2B Marketplace). Đề án này hiện thực hoá “tuyến đường cao tốc quy mô lớn” để kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ Châu Âu. VEFTA còn là hệ sinh thái số hoàn thiện thông qua các giải pháp số giúp cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động kết nối, thương mại thuận tiện trên một nền tảng duy nhất (thanh toán số, logistics, hoá đơn điện tử, chữ ký số...).

Mở “cao tốc e-Commerce” đua vào FTA

Đại diện của Glovimex cho biết: “Công ty đã xuất khẩu hàng qua kênh thương mại điện tử gần 3 năm nay. Doanh thu khi bán hàng qua thương mại điện tử tăng gấp đôi so với phương thức truyền thống. Đặc biệt với sản phẩm của doanh nghiệp là thủ công, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại trong các kỳ hội chợ, đồng thời tiếp cận nhiều khách hàng hơn và đơn hàng nhiều hơn”. Trong khi đó, theo đại diện của Công ty Hạt Điều Vàng, doanh nghiệp này đang thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, cước tàu biển tăng, giá nguyên liệu tăng... khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn. Doanh nghiệp không thể đưa hàng sang Mỹ để tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Với quyết tâm chinh phục thị trường Mỹ, công ty đã chọn kênh Amazon để đưa hàng lên và doanh nghiệp đã chuẩn bị xong thủ tục đăng ký mã số FDA, các chứng nhận.

Tính tới đầu năm nay, đã có 14 FTA có hiệu lực, cho phép Việt Nam kết nối với 52 đối tác, trong đó có những đối tác thương mại hàng đầu. Cán cân thương mại hàng hoá quý I năm nay của Việt Nam ước tính xuất siêu 2,03 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 3 tháng đầu năm đạt 77,34 tỉ USD. Tốc độ xuất khẩu vượt qua các nền kinh tế lớn ở Châu Á như Singapore, Châu Âu, Hàn Quốc, Thái Lan...

Dữ liệu về tăng trưởng xuất khẩu cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Những con số này càng cho thấy tầm quan trọng của kênh thương mại điện tử trong việc khắc phục đứt gãy trong chuỗi cung ứng và hướng đến kênh thương mại bền vững hơn trong tương lai, giảm lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

“Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới giao thương quốc tế đã kéo theo xu hướng người mua – bán tham gia thị trường thương mại điện tử. Việc này cũng kích thích xu hướng ngành hàng xuất khẩu qua thương mại điện tử hậu dịch COVID-19”,Bùi Nhã Uyên, Quản lý đối tác Việt Nam của Alibaba cho biết. Dịch COVID-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử nhanh hơn, với mức tăng trưởng năm 2020 lên tới 18%, quy mô thị trường đã đạt hơn 11 tỉ USD.

Mở “cao tốc e-Commerce” đua vào FTA

Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh quan trọng đưa doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thương mại toàn cầu, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá. Ngoài việc kết nối trực tiếp với khách hàng, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chọn lên sàn thương mại điện tử quốc tế. Theo số liệu của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Để phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử trong thời gian tới, cũng như tận dụng hiệu quả của các FTA thông qua hình thức này, Bộ Công Thương đã tiến hành số hoá hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam ECVN.com. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trên thế giới.

Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu mở rộng tiêu thụ hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở các địa phương với tỉ lệ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng là 20-22%; tỉ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử là 55%; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy dịch vụ hậu cần thông minh trong thương mại điện tử... Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: “Với những lợi thế của thương mại điện tử như cắt giảm chi phí giao dịch, chi phí trực tiếp thuê gian hàng, nhân công... doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tham gia vào các sàn thương mại điện tử một cách chủ động”.

Trực Thanh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư