Kỳ lân Đông Nam Á sốt ở trời Tây
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hết “thèm khát” đối với SEA, Grab, Gojek và các kỳ lân khác ở Đông Nam Á dù nhiều startup vẫn chưa sinh lãi.
Khi Uber tiếp cận thị trường Đông Nam Á, hãng gọi xe đến từ thung lũng Silicon đã chiêu dụ khách hàng lên xe bằng những phần kem miễn phí, một chiến thuật mà đã triển khai ở các thị trường phương Tây. Trong khi đó, Grab, một đối thủ đặt trụ sở ở Singapore, lại chiêu dụ bằng... sầu riêng, loại trái cây mà phần lớn người phương Tây không thích nhưng lại là món khoái khẩu của nhiều người dân ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan. GrabDurian đã giao nhiều chủng loại sầu riêng cũng như các món tráng miệng được làm từ loại trái cây này. Sau nhiều năm cạnh tranh gay gắt, Grab đã thâu tóm bộ phận Đông Nam Á của Uber vào năm 2018.
Câu chuyện này như một bài học về làm ăn kinh doanh ở Đông Nam Á, quê hương của gần 700 triệu người. Đó là các dịch vụ số như gọi xe và giao thực phẩm có thể sống tốt miễn là thích ứng được với các điều kiện địa phương.
Bây giờ chính các nhà đầu tư phương Tây lại đang thèm nhỏ dãi đối với các kỳ lân công nghệ trong khu vực. Năm qua, các kỳ lân Đông Nam Á đã trở nên nóng sốt hơn cả loại tiêu cay của Thái Lan. Vốn hoá thị trường của SEA, một tập đoàn công nghệ Singapore niêm yết trên sàn New York vào năm 2017, đã tăng gấp 5 lần lên tới 125 tỉ USD. Giữa tháng 4/2021 Grab cho biết sẽ lên sàn chứng khoán Nasdaq bằng cách sáp nhập với một công ty thâu tóm mục đích đặc biệt (được gọi là SPAC). Thương vụ này định giá công ty gần 40 tỉ USD.
Gojek, một hãng gọi xe Indonesia được định giá hơn 10 tỉ USD, cũng có thể sáp nhập với hãng thương mại điện tử nội địa Tokopedia, trước khi xem xét niêm yết thông qua một SPAC ở New York. Traveloka, một startup kỳ lân khác của Indonesia, được cho là đang thương thảo để niêm yết tại New York cũng qua một SPAC. Tổng cộng 6 startup “con cưng” lớn nhất ngành internet Đông Nam Á hiện trị giá gần 200 tỉ USD.
Có thể nói, phố Wall cuối cùng đã bị “cắn câu” trước miền đất hứa Đông Nam Á. Khu vực này có dân số đông hơn cả Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Các nền kinh tế trong khu vực đều đang tăng trưởng nhanh. Đất nước Singapore giàu có, nói tiếng Anh giỏi là một trung tâm tài chính toàn cầu với những ông chủ ngân hàng, luật sư, chuyên gia tư vấn, nhà quảng cáo và những người có khả năng sáng tạo, vốn là những yếu tố mà một doanh nghiệp hiện đại cần đến.
Nhưng miền đất hứa này cũng có nhiều thách thức với địa hình quần đảo, đường sá loang lổ và một lượng lớn người dân vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng. Khó khăn đã khiến Uber thất bại khi bước chân vào Đông Nam Á. Ngay cả Alibaba của Trung Quốc cũng đang chật vật vực dậy Lazada, một công ty thương mại điện tử mà tập đoàn đã mua lại vào năm 2016.
Các hãng công nghệ Đông Nam Á khi mới ra đời đều đi theo ngách riêng, như SEA khởi đầu với game, Grab ban đầu là dịch vụ gọi xe taxi ở Malaysia, Traveloka chuyên đặt vé máy bay... Nhưng theo quá trình phát triển, các startup này đã bành trướng rất mạnh mẽ hướng đến trở thành các siêu ứng dụng. Grab ngày nay hiện diện ở 8 quốc gia và ngoài dịch vụ gọi xe, hãng này còn giao thực phẩm, thanh toán di động, bảo hiểm, đầu tư và tư vấn y tế.
Năm ngoái, Grab còn tung ra các dịch vụ doanh nghiệp như phát hiện lừa đảo, bản đồ số, quảng cáo. Năm nay, Grab dự định sẽ lập một ngân hàng số ở Singapore. Tan Hooi Ling, Đồng sáng lập Grab, cho biết: “Công ty giống như Uber, DoorDash (một ứng dụng giao thực phẩm Mỹ) và Ant (chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba), tất cả đều gộp lại thành một”. Gojek hiện cung cấp một loạt dịch vụ tương tự và năm ngoái đã mua số cổ phần lớn ở một ngân hàng Indonesia.
Kể từ năm 2015, các nhà đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn công nghệ và các tập đoàn đầu tư từ phố Wall đã rót 26 tỉ USD vào Đông Nam Á.
Trên bước đường bành trướng, các startup này sẽ vẫn phải vật lộn với những vấn đề đã và đang làm nhục chí các “gã khổng lồ” nước ngoài: Chừng nào đường sá, mạng lưới giao thông vận tải và thông tin liên lạc vẫn chưa được cải thiện, việc tiếp cận thị trường tiêu dùng khổng lồ ở Đông Nam Á sẽ vẫn quá đắt đỏ để các hãng công nghệ có thể đạt mức sinh lời. Nirgunan Tiruchelvam thuộc Tellimer, một nhà môi giới chuyên về các thị trường mới nổi, lưu ý ác mộng logisitics của việc giao các túi đồ mua sắm trực tuyến đến 6.000 hòn đảo có người ở của Indonesia là một trải nghiệm rất “khác” với trải nghiệm thương mại điện tử tại Trung Quốc, vốn có cơ sở hạ tầng tiên tiến, huống hồ là phương Tây. Ngoài ra, phần lớn người dân trong khu vực vẫn còn nghèo trong nhiều năm tới nên họ không có dư tiền để chi tiêu trực tuyến hay vào các sản phẩm đầu tư.
Cho dù các ngôi sao kỹ thuật số vượt qua được thách thức này, họ sẽ lại đối mặt với một thách thức khác: Khi các danh mục sản phẩm/ dịch vụ mà họ cung cấp ngày càng mở rộng thì sẽ không tránh khỏi sự chồng chéo lên nhau. Grab và Gojek hiện đã cạnh tranh giành giật cùng nhóm khách hàng ở nhiều lĩnh vực từ gọi xe cho đến tài chính. Đến nay, sau nhiều năm, các startup vẫn cứ tiếp tục đốt tiền khi tranh giành khách hàng ở những thị trường mà chi phí chuyển đổi còn thấp. Đáng nói là chưa có công ty nào tạo ra lợi nhuận. Mức lỗ gộp hoạt động của Grab đã thu hẹp vào năm 2020 nhưng vẫn lên tới 800 triệu USD.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao của các kỳ lân có nghĩa là giới đầu tư vẫn còn chịu đựng được: Doanh thu và lợi nhuận gộp của SEA đã tăng gấp đôi trong năm 2020 so với năm trước nhờ nhu cầu tăng mạnh đối với các dịch vụ thương mại điện tử và game trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Cụ thể, doanh thu năm 2020 đạt 4,4 tỉ USD, tăng 101% trong khi lãi gộp là 1,3 tỉ USD, tăng 123%. Nhưng lỗ ròng tiếp tục tăng, từ mức 1,46 tỉ USD năm 2019 lên 1,62 tỉ USD trong năm 2020.
Trả lời các nhà đầu tư về vấn đề lợi nhuận, Grab cho biết Công ty dự kiến sẽ hoà vốn vào năm 2023. Đồng CEO Kevin Aluwi của Gojek lại thấy thị trường có đủ chỗ cho nhiều người chơi thành công. “Tôi không nghĩ đây là thị trường mà một người thắng giành hết tất cả”, ông nói.
Về phía những nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào các kỳ lân Đông Nam Á, có lẽ họ thích đặt cược. Kể từ năm 2015, các nhà đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn công nghệ như Alibaba, Tencent, Google, SoftBank và các tập đoàn đầu tư từ phố Wall như KKR đã rót 26 tỉ USD vào Đông Nam Á, theo số liệu của Dealogic. SPAC của Grab được hậu thuẫn bởi BlackRock, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất và nhiều công ty khác. Một số trong các khoản đầu tư này có thể để lại dư vị đắng chát. Nhưng xét tiềm năng của Đông Nam Á, ai cũng muốn đánh cuộc mình sẽ là người thắng cuối cùng.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư